Khám phá Hồ Tây (kỳ 2): Từ cung điện đến tàu điện và rượu sen

Vùng đất Thụy Khuê ven Hồ Tây trải qua một lịch sử thăng trầm, từng in dấu cung điện Thụy Chương đời Trần, rồi trở thành khu vườn ươm thời Pháp, là nơi đặt xưởng tàu điện Hà Nội… Nhưng đáng nhớ nhất ở Thụy Khuê vẫn là hương vị của “Thụy phường liên tửu” - thứ rượu sen tiến vua nức tiếng nhiều thế kỷ, mà giờ đây đã có người khôi phục lại được.
Xả nước hồ Tây vào sông Tô Lịch là đúng quy trình Sông Tô Lịch "hồi sinh" khi nhận nước từ Hồ Tây

Thụy Khuê xưa có tên là Thụy Chương, nằm sát bên thành Thăng Long. Sở dĩ có tên này vì thời nhà Trần đã cho xây điện Thụy Chương để hàng năm vua ra đây làm lễ Khánh hạ.

Từ điện Thụy Chương đến Thụy Khuê

Năm 1337, điện Thụy Chương hư hỏng vì bị sét đánh. Năm 1397, Hồ Quý Ly sai dỡ nốt gạch ngói đưa về Tây Đô làm kinh đô mới. Sau này, chỗ nền cũ của điện Thụy Chương, dân quanh vùng dựng ngôi đền có tên là Voi Phục thờ thần Uy Linh Lang (nay là 253 phố Thụy Khuê).

kham pha ho tay ky 2 tu cung dien den tau dien va ruou sen
Đền Voi Phục ở Thụy Khuê được xây trên nền cũ của điện Thụy Chương thời Trần.

Thời nhà Nguyễn, Thụy Chương là một trong sáu phường thuộc tổng Trung, huyện Vĩnh Thuận. Vì Chương Hoàng đế là thụy hiệu của vua Thiệu Trị nên năm 1848, Thụy Chương phải đổi thành Thụy Khuê.

Thụy Khuê thời Lý, Trần, Hậu Lê nằm giữa một bên sông Tô Lịch, tường thành Đại La và một bên là Hồ Tây. Nơi đây từng có nghề dệt lụa, nấu rượu sen nổi tiếng.

Khi Pháp chiếm Hà Nội, đầu phố Thụy Khuê xuất hiện các cơ sở sản xuất trong đó có xưởng in đầu tiên của Hà Nội do Schneider sáng lập (nay là Trường THPT Chu Văn An). Năm 1889, người Pháp lập vườn ươm giống cây và hoa ở làng Thụy Khuê gọi là vườn Laforge. Họ nhập các giống hoa từ châu Âu gồm: bướm, thược dược, cúc, lay ơn, cẩm chướng, violet… về trồng ở đây. Cùng với hoa, họ cũng nhập các loại rau từ xứ lạnh như: su su, bắp cải, su hào, súp lơ, hành Tây, cà rốt… để trồng thử nghiệm. Giống hoa, rau nào phù hợp khí hậu thổ nhưỡng miền Bắc, họ sẽ nhân giống cung cấp cho các trại nông nghiệp nằm rài rác ở các tỉnh, đáp ứng nhu cầu của quân nhân và công dân Pháp ở miền Bắc, giảm phụ thuộc vào nguồn cung do người Hoa độc quyền.

Việc hình thành vườn ươm đã tạo ra việc làm cho dân chúng quanh vùng và cũng từ đây dân các làng Ngọc Hà, Hữu Tiệp vốn chỉ quen trồng các giống hoa trong nước nay biết cách trồng và chăm sóc thêm loài hoa mới.

Đoạn đường từ vườn ươm lên Đường Thành (nay là phố Hoàng Hoa Thám), họ đặt tên là Route de la Pepinière (đường Vườn ươm), nhưng dân Hà Nội gọi phiên âm của từ Laforge là dốc La Pho.

Đến xưởng tàu điện

Cũng năm 1889, Công ty khai thác điền địa Đông Dương được chính phủ Pháp cho phép khai thác xe điện ở Bắc Kỳ nên họ đã xây xưởng xe điện ở đoạn giữa phố Thụy Khuê.

kham pha ho tay ky 2 tu cung dien den tau dien va ruou sen
Xưởng tàu điện Thụy Khuê thường được gọi là Nhà máy tàu điện Thụy Khuê.

Thằng Tây ngồi nghĩ cũng tài

Nghĩ ra đèn điện thắp hoài năm canh

Thằng Tây ngồi nghĩ cũng sành

Nghĩ ra tầu điện chạy quanh phố phường

La ga thì ở Thụy Chương...

La ga Thụy Chương sau này là số 79 phố Thụy Khuê. Từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, dù đã có đường tàu điện nhưng hai bên đường làng Thụy Khuê vẫn lác đác nhà lá xen lẫn vườn, đất trống và ao rau muống. Sang thập niên 1920, đoạn đầu phố đã có thêm nhà nhưng chủ yếu nhà nhỏ, chỉ có một vài ngôi nhà lớn trong đó có nhà ông Phó Trình chuyên buôn bán ren và đăng ten từ Hà Nội vào Sài Gòn xây năm 1914.

Đầu những năm 1930, phố Thụy Khuê đông vui hơn vì đất đai trong nội đô đắt, giá thuê nhà cao, nên nhiều người giàu trong phố đến Thụy Khuê mua đất xây nhà để ở hoặc xây rồi cho thuê.

Ông Nguyễn Văn Vĩnh cũng bỏ tiền mua nhà số 13 và 15 cho vợ con ở. Tuy nhiên hai căn nhà của người từng là chủ bút tuần báo Đông Dương Tạp chí, Trung Bắc Tân văn và là chủ của báo L’Annam Nouveau (Nước Nam mới) bằng tiếng Pháp đã bị Ngân hàng Đông Dương tịch biên năm 1935. Lý do là ông có vay ngân hàng này một khoản tiền từ năm 1927 với khế ước vay 20 năm, nhưng do ông phản đối việc chuyển đồng tiền Đông Dương từ ngân bản vị sang kim bản vị, có lợi cho các ngân hàng Pháp, nhưng lại có hại cho nền kinh tế Đông Dương, nên ông bị xiết nợ.

Những năm 1938 - 1942, phố Thụy Khuê có thêm nhiều nhà to và cơ sở sản xuất. Nhà Ích Phong mở xưởng nấu dầu cù là (số nhà 260), trước cửa có bày ông Tam Đa và nhãn hiệu dầu là Tam Đa. Để dễ nhớ dân gọi dốc từ Đường Thành xuống Thụy Khuê là dốc Tam Đa.

Sau 1954, phần lớn vườn ươm trở thành khu tập thể của cán bộ, nhân viên ngành nông nghiệp. Một phần trở thành khu tập thể của hội phụ nữ. Nhà ông Phó Trình thành đồn công an… Dù có đường tàu điện chạy qua song từ 1954 đến 1986, Thụy Khuê buồn tẻ mang dáng dấp một thị xã hơn là một con phố nội đô. Phía trông ra hồ Tây là bãi rác hay vườn trồng rau.

Đầu những năm 1990, Thụy Khuê bắt đầu thay đổi, giá đất tăng dần khi có thông tin quy hoạch khu vực quanh hồ. Và hôm nay cả phố này là nhà cao tầng không có kiến trúc. Mặt tiền phần lớn sơn màu sáng, cửa sổ hầu hết bằng chất liệu nhôm kính. Phường Thụy Khuê không chỉ có phố Thụy Khuê mà thêm con phố mới sát hồ là Nguyễn Đình Thi. Phố này trước kia là cuối đất giờ thành con phố đẹp, và chỉ người nhiều tiền mới có thể mua nổi đất và nhà ở đây.

Thụy phường liên tửu - nơi nấu rượu sen tiến vua

kham pha ho tay ky 2 tu cung dien den tau dien va ruou sen
Từ sen Hồ Tây có thể chế biến ra nhiều đặc sản, trong đó có Thụy phường liên tửu - rượu sen tiến vua

Làng Thụy Khuê xưa là nơi nấu rượu sen để tiến vua. Ca dao cổ Hà Nội có câu:

Làng Võng bán lợn bán gà

Làng Thụy nấu rượu la cà cả đêm

Trong Dư địa chí, Nguyễn Trãi cũng ghi nhận, phường Thụy Chương nấu rượu ngon có tiếng. Tương truyền, rượu sen Thụy Chương ngon đến mức thánh thần cũng không cưỡng lại được. Chuyện rằng, thần đến đây và nhiều lần uống say, nên dân trong vùng đã cho dựng tượng để thờ. Đến thời Lê Trung hưng nơi thờ đổ nát, chỉ còn sót lại một pho tượng trong tư thế tay chống gậy, chân khập khiễng, trông liêu xiêu như người say rượu. Tương truyền cuối thời Lê, Trạng Quỳnh đã tới làng Thụy uống rượu mua vui, nhìn thấy pho tượng say nên tức cảnh làm thơ trêu đùa:

Ông đứng chi mà đứng mãi đây

Dập dềnh như tỉnh lại như say.

Vãi nào đã chuốc cho ông rượu

Còn có cho vay một nậm đầy.

Từ đó, dân làng Thụy Chương và du khách khắp nơi thường mang rượu đến cúng hoặc chén thù tạc vào ngày mùng Một, hôm Rằm. Về sau, trong thời gian loạn lạc, pho tượng say không biết bị mang đi đâu, chỉ còn lại trong lòng người sự nuối tiếc.

Hương cống Đoàn Nguyễn Tuấn có bài Thụy phường Liên tửu (Rượu sen phường Thụy) bằng chữ Hán:

Địa tiếp Tây Hồ cộng cửu thiên

Giai tai Thụy tửu, tửu trung tiên

Đề hồ nhương tựu thiên chung mãn

Chưng đạo hương khai vạn hộc chiền

Ái cúc dục tiêu Bành Trạch hứng

Túy thù hư thuyết Đỗ Lăng thiên

Tống nhân mục tác đồ tô nhượng

Trân trọng Thanh Liên trượng hữu tiền

Bản dịch và chú giải của Phạm Trọng Chánh như sau (tóm lược):

Đất kề Hồ Tây là nơi sản xuất rượu tiến cống (dâng lên vua)/ Ngon thay rượu Thụy là tiên trong làng rượu/ Rượu cốt cất nấu xong chứa đầy ngàn chum/ Xôi đồ thơm phúc tỏa thơm muôn hộc/ Yêu loài hoa cúc muốn tiêu khiển cái hứng Bành Trạch/ Say rượu thù du bàn chuyện suông về thơ Đỗ Lăng/ Tiễn người chớ có làm rượu Đồ Tô (rượu Đồ Tô tương truyền là phương thuốc của Hoa Đà, uống vào ngày Nguyên Đán để trừ tà khí)/ Quý trọng Thanh Liên thì cho đầu gậy sẵn tiền (Thanh Liên là tên làng và bút hiệu của Lý Bạch - nhà thơ được vua Đường ban cho thẻ bốn chữ treo đầu gậy: “Đáo xứ hữu tiền”(Tới xứ nào thì xứ đó cấp tiền).

Trong Tụng phú Tây Hồ không thấy Nguyễn Huy Lượng nói đến rượu Thụy Chương mà chỉ nói đến rượu Võng Thị. Có thể thời gian Nguyễn Huy Lượng làm bài thơ này (năm 1802) thì rượu sen Thụy Chương đã mất? Thế nhưng trong cuốn Một chiến dịch ở Bắc Kỳ, xuất bản ở Paris năm 1892, tác giả Hocquard đã ra phố Hàng Đường uống rượu, ông ta chê rượu mía nhưng lại khen rượu nhụy sen. Như vậy cuối thế kỷ 19, rượu sen vẫn còn. Tuy nhiên đầu thế kỷ 20, khi chính quyền cấm rượu ta vì người nấu không đóng thuế thì vùng quanh Hồ Tây không ai dám nấu lậu nên dần dần thất truyền công thức.

Khoảng năm 2000, một người đã lần tìm lại kỹ thuật nấu rượu sen và đã thành công. Hiện có vài nhà quanh hồ có bán rượu này.

(Còn nữa)

Theo TTXVN
Phiên bản di động