Khắc phục tồn tại trong hoạt động công vụ, thực hiện nghiêm kỷ cương hành chính
Vẫn còn những tồn tại…
Thực hiện chủ đề công tác năm “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”, ngày 18/1/2023, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký ban hành Quyết định số 434/QĐ-UBND về việc thành lập Đoàn kiểm tra công vụ và tiến hành kiểm tra công vụ năm 2023.
Theo đó, ngay trong đầu tháng 2, Đoàn Kiểm tra công vụ thành phố Hà Nội đã kiểm tra đột xuất tại UBND phường Mễ Trì. Đoàn Kiểm tra ghi nhận, tại thời điểm kiểm tra thiếu 3 cán bộ, công chức UBND phường và toàn bộ Tổ Quản lý trật tự xây dựng phường.
Bộ phận “một cửa” của UBND phường Mễ Trì |
Ngoài ra, việc niêm yết công khai thông tin hướng dẫn thực hiện tiếp nhận, phản ánh kiến nghị về quy định hành chính chưa thực hiện đầy đủ theo hướng dẫn. Cụ thể là đơn vị mới niêm yết đường dây nóng của UBND phường, thiếu nội dung hướng dẫn và thông tin địa chỉ tiếp nhận của thành phố. Cùng với đó, việc niêm yết hồ sơ còn ở vị trí sâu và khuất, chưa thuận tiện cho công dân xem và tra cứu. Bộ phận “một cửa” của UBND phường Mễ Trì chưa gọn gàng. Máy lấy số xếp hàng tự động bị hỏng, không sử dụng được.
Báo cáo với Đoàn Kiểm tra công vụ thành phố, Chủ tịch UBND phường Mễ Trì Nguyễn Trường Sinh cho biết, một số hạn chế Đoàn kiểm tra công vụ chỉ ra, nguyên nhân do trụ sở chật hẹp, dẫn tới quá tải về giấy tờ lưu trữ.
Tiếp đó, chiều 13/2, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Đinh Mạnh Hùng, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn kiểm tra công vụ của thành phố Hà Nội đã dẫn đầu Đoàn kiểm tra công vụ của thành phố kiểm tra đột xuất tại UBND phường Ô Chợ Dừa và UBND quận Đống Đa.
Tại UBND phường Ô Chợ Dừa, kiểm tra xác suất một số lĩnh vực cho thấy, việc niêm yết chưa bảo đảm theo quy định hiện hành (chưa niêm yết quyết định công bố danh mục thủ tục hành chính lĩnh vực: Nông nghiệp, văn hóa - thông tin, tư pháp, công thương, nội vụ, thanh tra).
Đơn vị có bố trí phòng tiếp công dân riêng biệt, phân công công chức tiếp công dân thường xuyên, có mở sổ ghi chép đầy đủ. Bộ phận địa chính có phòng lưu trữ hồ sơ đầy đủ, ngăn nắp. Tuy nhiên, công chức địa chính mới xuất trình được bản đồ địa chính để kiểm tra, chưa xuất trình được sổ mục kê, sổ địa chính theo yêu cầu.
Bộ phận "một cửa" của UBND phường Ô Chợ Dừa |
Tại UBND quận Đống Đa, Đoàn kiểm tra ghi nhận, tại lĩnh vực thông tin - truyền thông, kiểm tra danh mục niêm yết các thủ tục hành chính từ số thứ tự 21 đến 40, đoàn phát hiện đơn vị không niêm yết quy trình thực hiện thủ tục hành chính từ số 31 đến 40. Bộ phận “một cửa” có bố trí máy lấy số xếp hàng tự động nhưng hiện không hoạt động.
Khi được đề nghị cung cấp 1 phiếu kiểm soát quá trình giải quyết hồ sơ bất kỳ của năm 2023, công chức chưa xuất trình được. (Theo báo cáo, từ ngày 1/1/2023 đến nay, lĩnh vực lao động - thương binh và xã hội có 48 hồ sơ, đều giải quyết đúng hạn).
Báo cáo với Đoàn kiểm tra về việc kiểm tra công vụ nội bộ, đại diện quận Đống Đa cho biết, sau khi UBND thành phố ban hành Chỉ thị số 22, quận đã ban hành công văn quán triệt thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính; Đã thành lập Đoàn kiểm tra công vụ quận (theo quyết định của năm 2022), đã ban hành kế hoạch kiểm tra. Tính từ ngày mùng 6 tháng Giêng năm Quý Mão 2023 đến nay, Đoàn kiểm tra công vụ của quận Đống Đa đã kiểm tra 14 đơn vị.
Tại buổi kiểm tra, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn Kiểm tra công vụ của thành phố Hà Nội Đinh Mạnh Hùng đề nghị UBND quận Đống Đa rà soát hệ thống văn bản liên quan việc thành lập, kiện toàn Đoàn kiểm tra công vụ quận, văn bản quán triệt Chỉ thị của UBND thành phố, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương hành chính. Bên cạnh đó, UBND quận cần tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra công vụ nội bộ, báo cáo định kỳ về Đoàn kiểm tra công vụ thành phố.
Đoàn kiểm tra cũng đề nghị UBND quận khẩn trương rà soát những tồn tại, bất cập được đoàn nêu ra, đặc biệt lưu ý rà soát toàn bộ các thủ tục hành chính và quy trình, việc giải quyết hồ sơ hành chính đối với lĩnh vực lao động - thương binh và xã hội, văn hóa - thông tin để bảo đảm thực hiện đúng quy định.
Kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm kỷ cương hành chính
Để thực hiện tốt chủ đề công tác năm, trong nhiều giải pháp được thực thi, thành phố tiếp tục cải cách hành chính; Tăng cường công tác thanh tra công chức, công vụ, siết chặt kỷ luật, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, để thúc đẩy tinh thần trách nhiệm và hiệu quả công việc cao hơn.
Cùng với cải cách hành chính, Hà Nội đặc biệt chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đồng bộ, có đủ trình độ, phẩm chất, đạo đức và năng lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Không chỉ ở cấp thành phố, mà các quận, huyện cũng đặc biệt chú trọng vấn đề này.
Vì vậy, việc kiểm tra công vụ đột xuất góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, kịp thời chấn chỉnh một số tồn tại tại các đơn vị để tiếp tục làm tốt hơn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Đoàn Kiểm tra công vụ thành phố làm việc tại UBND quận Đống Đa |
Thông qua hoạt động kiểm tra để góp phần ngăn ngừa hành vi vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính; Đánh giá những ưu điểm, mặt tích cực; Đồng thời, phát hiện những tồn tại, thiếu sót, khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện nhiệm vụ công vụ; Đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền biện pháp xử lý.
Đặc biệt, việc kiểm tra công vụ đột xuất góp phần nâng cao thêm một bước về trách nhiệm, tinh thần, thái độ, chất lượng phục vụ Nhân dân của các cơ quan, đơn vị nhà nước thuộc thành phố; Tạo bước chuyển mạnh mẽ trong lề lối, tác phong làm việc của cán bộ, công chức, viên chức; Nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính của công dân.
Trước đó, trong Chỉ thị về việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố trong năm 2023, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu thường xuyên tổ chức kiểm tra việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính gắn với kiểm tra công vụ, kiểm tra cải cách hành chính đối với các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các đơn vị kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính, thiếu chuẩn mực trong giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt các trường hợp tiêu cực liên quan đến việc giải quyết công việc với người dân, tổ chức và doanh nghiệp, gây dư luận xấu trong xã hội.