Kết nối các nghị sĩ trẻ thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Nghị sĩ trẻ có vai trò tiên phong trong chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo Mở rộng sự tham gia của giới trẻ vào giải quyết các vấn đề toàn cầu |
Chia sẻ kinh nghiệm, Nghị sĩ trẻ đến từ Morocco cho biết, trong vài năm trở lại đây, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trở thành những từ khoá, chủ đề nóng hổi được thảo luận ở quốc gia Bắc Phi này.
Việc đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đã thu hút nhiều doanh nhân trẻ tham gia đầu tư, hoạt động; Các cơ quan cũng đang tăng tốc trong ban hành thể chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Nhiều vườn ươm, quỹ đầu tư, hiệp hội và doanh nghiệp ra đời để đồng hành với các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
Morocco dành nhiều ưu tiên cho lĩnh vực này bởi nó có thể đóng góp cho sự phát triển. Tuy nhiên, những thách thức vẫn còn đó cho những nhà sáng lập các công ty khởi nghiệp sáng tạo, đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách phải nỗ lực hơn để giải quyết các thách thức đang đặt ra.
Nghị sĩ trẻ Morocco cho biết, các start-up ở nước này có sự phát triển rất mạnh mẽ và họ có cách tiếp cận chủ động để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thúc đẩy sự hình thành của các doanh nghiệp mới.
Chia sẻ một số hình thức hỗ trợ dành cho các doanh nghiệp trẻ hoạt động trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, Nghị sĩ trẻ Morocco cho biết, nước này dành nhiều khoản đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp với các cơ chế đầu tư mạnh mẽ; Hỗ trợ tiếp cận thị trường; Tổ chức các cuộc thi về khởi nghiệp.
Đồng thời, Morocco cũng tổ chức các chương trình đào tạo liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, nhằm đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.
Mặc dù có nhiều nỗ lực và thành tựu trong hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, song Nghị sĩ trẻ Morocco cũng thẳng thắn nhìn nhận, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này vẫn gặp phải những khó khăn như vấn đề tiếp cận vốn, thủ tục hành chính…
Đoàn Nghị sĩ trẻ đến từ Kuwait |
Còn Nghị sĩ trẻ đến từ Kuwait cho rằng, các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế, giúp tạo việc làm cho người dân. Việc hỗ trợ các doanh nghiệp này là đặc biệt cần thiết, nhằm bảo đảm định hướng các doanh nghiệp này phát triển đúng hướng.
Theo đó, cần có khuôn khổ pháp lý phù hợp và cần dành sự quan tâm thích đáng đối với các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ bởi đây là những doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề sau đại dịch COVID-19 vừa qua.
Theo Nghị sĩ trẻ Kuwait, các nghị viện cần có những chính sách nhằm giúp các doanh nghiệp nâng cao sức chống chịu trước khủng hoảng kinh tế.
Chia sẻ kinh nghiệm, Nghị sĩ Kuwait cũng cho biết, Quốc hội nước này đã thông qua một đạo luật về thành lập quỹ quốc gia nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong đó có các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; Đồng thời kêu gọi các nước có chính sách hỗ trợ mạnh mẽ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo và công nghệ.
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội của Quốc hội. |
Nói về vấn đề này, ông Phạm Trọng Nghĩa - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại Việt Nam khởi đầu mạnh mẽ từ năm 2016, khi Quốc hội thông qua nhiều luật, trong đó có Luật Chuyển giao Công nghệ, Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Đầu tư và Luật Sở hữu trí tuệ.
Nhờ nâng cấp khung pháp lý, số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp ở Việt Nam ngày càng tăng. Hiện có khoảng 3.000 công ty khởi nghiệp, 3 trong số đó được định giá trên 1 tỷ USD và 11 trong số đó được định giá trên 100 triệu USD. Hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam đứng thứ 54 trên thế giới và thứ 10 ở Châu Á Thái Bình Dương.
Ông Phạm Trọng Nghĩa cho rằng, các Quốc hội cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho việc đổi mới sáng tạo, chuyển giao, ứng dụng và phát triển khoa học và công nghệ; hỗ trợ những mô hình đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp. Đặc biệt là cần tôn trọng và khuyến khích và chuyển tải những tư duy đồng hành, hỗ trợ các chủ thể của đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong xây dựng và thực thi các chính sách, pháp luật.
Trên cương vị nghị sĩ trẻ, ông Phạm Trọng Nghĩa khuyến nghị, với vai trò quan trọng của mình, các nghị viện cần liên tục phát triển và nâng cấp hệ thống pháp luật, cung cấp khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho các mô hình đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; Chuyển giao, ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ.
Ông Nghĩa đề nghị tất cả các thành viên Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) cân nhắc thành lập mạng lưới nghị sĩ trẻ toàn cầu về đổi mới sáng tạo để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững, cần phát triển các sáng kiến, hoạt động, tổ chức có năng lực kết nối, hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp ở phạm vi nhiều quốc gia, khuyến khích, hỗ trợ các dự án, doanh nghiệp thực hành đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.
Từ đó, tạo môi trường đào tạo và thực hành tốt cho nguồn nhân lực tương lai cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo vì mục tiêu phát triển bền vững, khuyến khích các hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong thanh niên, sinh viên.