Kết luận ban đầu về việc tiền điện tăng vọt tại Hà Nội
Chiều 26/6, đoàn kiểm tra về tiền điện tăng vọt của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tổ chức họp và kết luận ban đầu việc kiểm tra tại Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVN HANOI). Đoàn kiểm tra đã làm việc ở đây 2 ngày, đi các quận nội thành và kiểm tra ở huyện ngoại thành Mê Linh.
Công tơ điện có đáng tin cậy?
Về công tơ đo điện, đại diện Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng các công tơ đều đáp ứng được quy định của pháp luật về đo lường. Cụ thể, các công tơ đều được niêm phong, kẹp chì, không có dấu hiệu về việc thay đổi.
Trong trường hợp phát hiện sai hỏng phải dừng sử dụng và đi kiểm định tại các đơn vị kiểm định. Hiện cả nước có 8 đơn vị kiểm định được cấp phép. Trong đó có 3 đơn vị là đơn vị hành chính sự nghiệp, 5 đơn vị là doanh nghiệp.
Công nhân đọc chỉ số điện bằng gậy tự sướng và máy tính bảng ở ngoại thành Hà Nội. Ảnh: Hiếu Công. |
Vị này cũng nhấn mạnh hoạt động kiểm định công tơ điện là một sản phẩm dịch vụ kỹ thuật, đã có trong Luật Đo lường, là hoạt động kinh doanh có điều kiện. Hoạt động này đã xã hội hóa, nhiều thành phần kinh tế tham gia, không chỉ riêng ngành điện cung cấp.
Bất cứ một tổ chức nào muốn kinh doanh dịch vụ kiểm định phải được cấp phép, đáp ứng đầy đủ điều kiện mà pháp luật quy định. Quy trình kiểm định công tơ điện phải đảm bảo chính xác, phải được Tổng cục Tiêu chuẩn và Đo lường chất lượng ban hành, thống nhất toàn quốc. Nếu không sẽ bị xử lý nghiêm khắc.
“Không phân biệt tổ chức kiểm định của ngành điện hay bên ngoài. Vấn đề này đã được xem xét và quy định cụ thể trong quy định của pháp luật”, đại diện Tổng cục Tiêu chuẩn và Đo lường chất lượng chia sẻ.
Đồng tình, đại diện Viện Đo lường Việt Nam đánh giá kết quả đo đếm điện là tin cậy.
“Phương tiện đo hoàn toàn có thể tin tưởng vào các đơn vị mà Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng chỉ định. Đảm bảo và đáp ứng các tiêu chuẩn pháp lý”, vị này chia sẻ.
Trong đoàn kiểm tra cũng cho rằng tỷ lệ công tơ cơ của EVN vẫn còn cao trên cả nước, dẫn đến việc chốt chỉ số thủ công có thể gây ra nhầm lẫn.
Về vấn đề thay thế công tơ điện tử để hạn chế việc sai số do thao tác thủ công, ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng ban Kinh doanh EVN, cho biết cần nguồn lực rất lớn. Nếu EVN đẩy nhanh việc thay thế sẽ tạo ra áp lực tài chính, và việc này tính vào giá điện.
EVN cho biết sẽ giảm số công tơ cơ xuống, thay thế bằng công tơ điện tử đo tự động để tăng tính minh bạch. Ảnh: Hiếu Công. |
Nếu thay thế công tơ nhanh để tăng năng suất, giảm số lượng nhân viên xuống, lại tạo ra áp lực cho người lao động.
“Giải pháp của EVN là tạo ra một lộ trình thay thế hợp lý để không gây ra áp lực cho cả giá điện, vốn đầu tư và người lao động”, ông Dũng nói.
Trong tình thế này, ông Dũng nhấn mạnh EVN sẽ thiết lập cơ chế kiểm soát tốt nhất có thể để đảm bảo ghi chỉ số chính xác nhất.
Nên cảnh báo mức tiêu dùng điện cho dân
Đại diện Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho rằng giá điện tăng có thể là do việc nhảy bậc thang khi mức tiêu thụ tăng. Theo thống kê của EVN Hà Nội, lượng điện tiêu thụ đang tăng rất cao do nắng nóng.
Theo thống kê của EVN HANOI, cả thành phố có khoảng 2,3 triệu hộ dùng điện. Từ tháng 6 đến nay, phụ tải đã tăng 52% so với tháng 5, trung bình khoảng 76 triệu kWh/ngày. Mức bình quân của tháng 4 là 42 triệu kWh/ngày.
Bậc thang giá điện đang được áp dụng. Đồ họa: Phượng Nguyễn. |
Trong 22 ngày đầu tháng 6, lượng khách hàng dùng dưới 300 kWh/tháng tại Hà Nội có xu hướng giảm. Tuy nhiên, lượng tiêu thụ từ 301 kWh trở lên lại tăng cao. Số lượng dùng từ 300-400 kWh và 400-500 kWh, mỗi mức tăng khoảng 100.000 hộ.
Khách dùng 500-600 kWh tăng từ 76.000 hộ tăng vọt lên 160.000 hộ. Đáng chú ý, số khách hàng dùng 600-700 kWh/tháng tăng 2,5 lần, từ 41.000 hộ (tháng 5) lên 106.900 hộ (22 ngày đầu tháng 6). Tương tự, khách hàng dùng 700-800 kWh tăng 3 lần, số khách dùng 800-900 kWh và 900-1.000 kWh tăng 4 lần; số khách dùng trên 1.000 kWh tăng 4 lần.
Theo EVN HANOI, những tháng trước kia, số lượng khách hàng dùng trên 1.000 kWh trung bình khoảng 24.000 hộ. Tuy nhiên, từ đầu tháng 6 đến nay, đã có 110.000 hộ dùng điện vượt mốc 1.000 kWh. Như vậy, số lượng đã tăng gấp 4 lần.
Theo bậc giá bán lẻ điện hiện tại, nếu khách hàng dùng trên 1.000 kWh, sẽ phải trả mức tiền là 2,6 triệu đồng trở lên.
Do đó, đại diện Bộ Công Thương cho rằng khi khi đời sống người dân tăng cao, thu nhập tăng lên, cần cải tiến bậc thang tính giá điện. Tuy nhiên, độ rộng thậc thang là bao nhiêu, khoảng cách chênh lệch các bậc giá là bài toán mà Bộ Công Thương cần phải đề xuất thay đổi. Dự kiến bậc giá điện mới sẽ được trình Thủ tướng để sớm ban hành.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, cơ bản đồng ý với các ý kiến. Tuy nhiên, ông cho rằng ngành điện nên thông tin nhiều hơn cho người dùng. Có thể tuyên truyền để người tiêu dùng biết được mức tiêu thụ hàng ngày, cảnh báo tiêu thụ quá cao, qua đó không bị quá bất ngờ khi thấy hóa đơn cuối tháng.
“Tâm lý ai thấy tiền dồn vào cuối tháng sẽ thấy bất ngờ. Có thể giúp họ thấy được hàng ngày tiêu thụ bao nhiêu để có biện pháp tiết kiệm. Có khách hàng thắc mắc, nhưng khi giải thích thì họ hiểu ngay”, ông Hùng nói.
Ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc EVN, cho biết đoàn kiểm tra sẽ tiến hành tiếp tục tại Tổng công ty Điện lực miền Bắc, Tổng công ty Điện lực miền Trung và Tổng công ty Điện lực TP.HCM trước khi có kết luận cuối cùng.