Huyện Lạng Giang có che “giấu” thông tin kiểm tra các cơ sở làm đẹp?
Những ngày Tết cận kề, nhu cầu làm đẹp của các chị em phụ nữ càng tăng cao, kéo theo đó các spa, thẩm mỹ… cũng tăng cường “bủa vây” khách hàng bằng những lời quảng cáo “đường mật”. Từ mạng xã hội tới sàn thương mại điện tử…cho đến những biển hiệu đều quảng cáo hoành tráng các dịch vụ: Cắt mí, chỉnh mũi, hút mỡ, nâng ngực, tiêm botox, tiêm Filler, triệt lông, điều trị nám, tàn nhan bằng tia laser....
Một tờ giấy hướng dẫn chung cho các loại sản phẩm của Iris |
Tuy nhiên, các cơ sở thẩm mỹ có đủ chức năng hành nghề và sản phẩm sử dụng cho khách hàng có giấy tờ nguồn gốc rõ ràng hay không lại là điều cần phải bàn đến. Cùng với đó là trách nhiệm của cơ quan quản lý và chính quyền sở tại.
Trong tuyến bài điều tra về “Góc khuất ngành làm đẹp”, nhóm phóng viên Tuổi trẻ Thủ đô, chuyên trang Tuổi trẻ và Pháp luật đã chỉ rõ dòng sản phẩm có tên Iris được bà Diệp Lâm Nhung (Đặng Thị Nhung) giới thiệu tại các buổi "chuyển giao" kín là sản phẩm nhập khẩu Singapore có công dụng "trên trời" là chữa được chàm bớt và nám… nhưng lại chưa được cơ quan chức năng cấp phép lưu hành(?)
Tại buổi chuyển giao sẽ thực hành "điều trị" nám cho khách hàng bằng sản phẩm Iris |
Những buổi chuyển giao được diễn ra tại một căn hộ tầng 8 của tòa nhà FLC (265 phường Dịch Vọng - Cầu Giấy) - đây cũng là địa chỉ mà các đại lý, chủ spa, chủ tiệm tóc… dẫn những "con mồi" mới là đang trong ngành chăm sóc da hoặc những người bị vấn đề về da đến để nghe “boss Nhung” chuyển giao cách sử dụng dòng sản phẩm Iris.
Chính sách chiết khấu khá cao khiến những chủ spa bất chấp để sử dụng sản phẩm này cho khách hàng |
Thậm chí sau những chia sẻ, các khách mời còn bị đại lý dụ dỗ thực hiện "điều trị miễn phí" tại văn phòng và chỉ bị mất tiền sản phẩm (Từ 5 đến 10 triệu tiền mua sản phẩm - PV)
Cuối mỗi buổi đào tạo boss Diệp Lâm Nhung sẽ đưa ra chính sách chiết khấu cực hấp dẫn lên tới 65% nếu nhập đơn hàng 1 tỉ đồng.
Có lẽ chính vì chiết khấu quá cao, sản phẩm có tác dụng lột tẩy nhanh khiến nhiều chủ spa sẵn sàng xuống tiền nhập đơn hàng để về "điều trị" cho khách hàng mà không cần quan tâm đến thành phần, giấy phép lưu hành, độ an toàn của sản phẩm...
Trong vai khách hàng, phóng viên đã đến cơ sở Linh Anh spa có địa chị tại thôn Đồng 3, thị trấn Kép, Lạng Giang, Bắc Giang và cơ sở Trang Nhung tại địa chỉ Hoàng Mai 3, thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên (Bắc Giang).
Quan sát bên ngoài những cơ sở này khiến ai cũng tưởng nhầm đây là phòng khám da liễu bởi biển quảng cáo để thông tin điều trị hầu hết các bệnh về da như: Điều trị mụn, nám, tàn nhang, tăng sắc tố, giãn mao mạch, lỗ chân lông to, sẹo rỗ…
Trong khi đó theo quy định các cơ sở spa, thẩm mỹ chỉ được hoạt động về lĩnh vực chăm sóc da thông thường, không được cấp phép khám chữa bệnh.
Sản phẩm Iris được quảng cáo như thần dược trên trang cá nhân của một spa ở Bắc Giang |
Để hạn chế những tai biến về việc sử dụng sản phẩm trôi nổi không rõ nguồn gốc, báo Tuổi trẻ Thủ đô, chuyên trang Tuổi trẻ và Pháp luật đã đăng tải thông tin cảnh báo công khai cho độc giả và cơ quan quản lý tại các địa phương như Bắc Giang, Hà Nội, Tây Ninh… Qua đó, một số địa phương cũng có động thái kiểm tra, rà soát những cơ sở spa, thẩm mỹ… trên địa bàn.
Tại huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang, ngày 15/1, lãnh đạo huyện này đã ban hành công văn số 62/UBND-YT yêu cầu đơn vị chức năng, địa phương phối hợp tổ chức kiểm tra các cơ sở hành nghề y dược, thẩm mỹ spa... sau khi có phản ánh trên báo Tuổi trẻ Thủ đô, chuyên trang Tuổi trẻ và Pháp luật.
Một trong những sản phẩm của dòng Iris |
Ngày 18/1, phòng Y tế huyện Lạng Giang phối hợp cùng chính quyền địa phương thành lập đoàn liên ngành kiểm tra các cơ sở spa tại thị trấn Kép, tuy nhiên mọi thông tin về buổi kiểm tra này đang có dấu hiệu bị "mật hóa" với lý do "khép kín hồ sơ".
Trao đổi với phóng viên, ông Trọng Hòa, Trưởng phòng Y tế huyện Lạng Giang thông tin: “Chỗ này bên tôi đang khép kín hồ sơ để xử lý vì có một số nội dung vi phạm vì vậy chúng tôi cần phải điều tra xác minh hành vi vi phạm..."