Thẩm mỹ viện quốc tế Harry: Chúng tôi cũng là nạn nhân của sản phẩm Iris
Khi chủ spa cũng sập bẫy kem trộn
Sau phản ánh của Báo Tuổi trẻ Thủ đô về thẩm mỹ quốc tế Harry Lạc Long Quân bán sản phẩm trôi nổi Iris, bà Hà Trang - đại diện cơ sở thẩm mỹ viện quốc tế Harry đã có buổi làm việc với phóng viên về nội dung khách hàng tố cáo cơ sở này bán sản phẩm Iris không rõ nguồn gốc, không giấy phép lưu hành và sau khi khách hàng sử dụng thì bị bị kích ứng da, nổi mẩn, bỏng đỏ…
Những lời quảng cáo thiếu căn cứ thường xuyên được trang cá nhân Diệp Lâm Nhung chia sẻ |
Tại buổi làm việc bà Trang cho biết, cơ sở không có chủ trương bán sản phẩm trôi nổi cho khách mà chính bản thân cơ sở này cũng là nạn nhân của sản phẩm có tên Iris.
“Ban đầu do tin tưởng quảng cáo là sản phẩm có khả năng điều trị các vết chàm, bớt, nám, tàn nhang… nên vào cuối tháng 9 đầu tháng 10, tôi lấy một bộ dùng thử nghiệm cho chính bản thân với giá hơn 7 triệu và không được chiết khấu (theo quan sát cảm quan, da của bà Trang bị ửng hồng như chỉ có lớp da non mà thiếu lớp sừng bảo vệ bên ngoài -pv), sau đó tôi quyết định nhập đơn 20 triệu và được chiết khấu 15%. Khi nhập hàng tôi cũng có hỏi Diệp Lâm Nhung về giấy tờ sản phẩm tuy nhiên Nhung trả lời là cứ nhận hàng trước còn giấy tờ sẽ gửi sau, cho đến khi xảy ra sự việc với khách hàng tôi mới phát hiện sản phẩm không có giấy tờ và cũng yêu cầu trả toàn bộ đơn hàng cho Diệp Lâm Nhung” – bà Trang chia sẻ.
Bên trong một sản phẩm Iris thường có 1 tờ hướng dẫn chung hoàn toàn bằng chữ nước ngoài |
Ngoài ra bà Trang cũng khẳng định cơ sở sẽ liên hệ với khách hàng để có trách nhiệm thu hồi sản phẩm Iris trôi nổi.
“Cơ sở thẩm mỹ Harry của chúng tôi xây dựng thương hiệu hàng chục năm rồi, chưa gặp trường hợp khách hàng phản hồi tiêu cực như thế này, nay chỉ vì sản phẩm của Iris mà khiến chúng tôi mất đi sự uy tín. Chúng tôi sẽ liên hệ lại với khách hàng để xin lỗi và chịu trách nhiệm thu hồi sản phẩm cũng như bảo hành theo cam kết ban đầu với khách. Về phía nhân viên có hành xử không đúng mực với khách hàng, tôi đã cho nghỉ việc.
Một spa ở Bắc Giang ra sức tung những dòng quảng cáo trên trời về dòng sản phẩm Iris trôi nổi |
Đây cũng là bài học cho các cơ sở làm đẹp về việc lựa chọn sản phẩm sử dụng cho khách hàng, đó là sử dụng những sản phẩm có kiểm định, có giấy phép lưu hành mới đảm bảo an toàn cho khách hàng. Tránh để thương hiệu thẩm mỹ của mình bị hủy hoại bởi những sản phẩm trôi nổi." - bà Hà Trang thông tin thêm.
Khách hàng dễ trở thành “mồi” cho kem trộn
Theo các chuyên gia y tế, có rất nhiều mỹ phẩm trôi nổi mà cơ sở sản xuất đưa vào sản phẩm những thành phần độc hại bị cấm như corticoid, parabens, formaldehyde, propylen glycol, chì, thuỷ ngân, kẽm, cyanua. Mỹ phẩm chứa corticoid khi dùng cho kết quả da rất đẹp, mịn màng, trắng nhanh, mụn và nám đều hết.
Tuy nhiên sau một thời gian, da sẽ nổi mẩn đỏ li ti, ngứa rát, mụn viêm mủ lan tràn và những mạch máu giãn nở to gây đỏ da triền miên vì lớp sừng bảo vệ của liên tục bị bong tróc. Đó là những dấu hiệu của corticoid đang tấn công và da lệ thuộc corticoid.
Vỏ hộp lộng lẫy nhưng cốt kem bên trong lại giống với một loại kem trộn rẻ tiền được rao bán trên "chợ mạng" |
Vì vậy các sản phẩm mỹ phẩm, hóa mỹ phẩm…cần phải được sự giám sát từ cơ quan chức năng nhằm kiểm soát hàm lượng các thành phần để đảm bảo an toàn cho da và sức khỏe con người.
Đối với dòng sản phẩm Iris trôi nổi theo ghi nhận của phóng viên thì có hàng loạt các cơ sở spa và thẩm mỹ ở khu vực Bắc Giang, Sơn Tây, Hòa Bình…vẫn đang bất chấp tính pháp lý, nguồn gốc sản xuất, tính an toàn của sản phẩm Iris để làm liệu trình và bán sản phẩm cho khách. Thậm chí, thông qua những bài quảng quảng cáo rầm rộ trên facebook về sản phẩm Iris kèm theo những hình ảnh khách hàng (các cơ sở này dùng chung hình ảnh khách hàng, thậm chí là hình ảnh của những khách hàng từ nhiều năm trước và được điều trị tại một cơ sở khác – pv) là những lời quảng cáo thiếu cơ sở chứng minh như: Dòng điều trị nám số 1 hiện nay; không có đối thủ, duy nhất 1 liệu trình thổi bay các vết nám, lột xác…
Khi sử dụng sản phẩm da ửng đỏ vì da đã bị mất đi lớp sừng bảo vệ bên ngoài và chỉ còn lớp da non nhạy cảm. Nhưng lại được các chủ thẩm mỹ "mị" bằng việc cho đó là làn da khỏe đẹp |
Có lẽ, vì hiện nay chưa có quy định quản lý chặt chẽ đối với các cơ sở spa, thẩm mỹ thực hiện dịch vụ không xâm lấn, nên máy móc, dụng cụ và mỹ phẩm trôi nổi, không rõ xuất xứ dễ dàng được tuồn vào những cơ sở spa thiếu lương tâm một cách dễ dàng.
Nhằm lòe khách hàng về xuất xứ, trên vỏ sản phẩm còn được dán thêm hình ảnh mã Qr.code |
Còn khách hàng chỉ biết vin vào niềm tin “tiền nào của ấy”, đã vào spa, bỏ ra tiền triệu thì chắc sản phẩm cũng phải là hàng cao cấp, không có chuyện hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng. Nhưng thực tế thì không ít cơ sở đã lợi dụng sự cả tin của khách hàng để trà trộn mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ được nhập từ các đại lý kinh doanh bất chính, nâng giá lên cao gấp nhiều lần kiếm lời
Khi quét mã qr.code dán trên vỏ hộp thì xuất hiện đường link của sàn thương mại điện tử của nước ngoài (Tại web này bất cứ ai cũng có thể đưa hình ảnh lên được) |
Với biện pháp răn đe chưa đủ mạnh, cơ quan quản lý còn nhiều hạn chế và công tác phối hợp giữa các ban ngành địa phương chưa thực sự hiệu quả thì hàng mỹ phẩm trôi nổi sẽ tiếp tục được tuồn vào spa, thẩm mỹ viện và để lại những hậu quả nghiêm trọng cho người tiêu dùng.
Trong khi chờ đợi các cơ quan chức năng xử lý triệt để vấn nạn mỹ phẩm giả, mỗi người tiêu dùng hãy là những giám sát viên, có trách nhiệm với chính bản thân mình bởi khi chúng ta dễ dãi, bị động với các mặt hàng kém chất lượng là đang tiếp tay cho cái xấu hoành hành.