Hôm nay, Thủ tướng chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc thúc đẩy thị trường bất động sản
Doanh nghiệp có thể trả nợ trái phiếu bằng cổ phần, bất động sản Thống đốc Ngân hàng Nhà nước kết luận các giải pháp tín dụng cho bất động sản |
Dự hội nghị còn có các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng các Bộ: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Công an, Tư pháp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Hai Ủy ban Kinh tế, Pháp luật của Quốc hội; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng dự hội nghị trực tuyến này.
Về phía cộng đồng doanh nghiệp có Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh, các nhà phát triển bất động sản lớn như Vingroup, NOVA (Novaland), Hưng Thịnh Land, GP.INVEST, IMG, Becamex IDC Bình Dương.
Về phía chuyên gia có TS Cấn Văn Lực, ông Lê Xuân Nghĩa (cùng đến từ Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia), ông Hoàng Văn Cường (Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân).
Trước cuộc họp quan trọng này, một số bộ, ngành liên quan đã có các cuộc làm việc với các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản nhằm tìm ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Bên cạnh đó, tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ cũng đã có các cuộc làm việc với một số địa phương, doanh nghiệp để rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản.
Trước thềm hội nghị, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HOREA) Lê Hoàng Châu cho biết, khó khăn lớn nhất là vướng mắc về mặt pháp lý, chiếm tới 70% các khó khăn. Vì vậy, tháo gỡ về mặt pháp lý là vấn đề đã được Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhận ra và từ đó ban hành Nghị quyết 18 ngày 16/6/2022 về sửa đổi Luật Đất đai và các luật liên quan như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc thúc đẩy thị trường bất động sản. Ảnh: VGP |
Theo ông Lê Hoàng Châu, muốn tháo gỡ vướng mắc về mặt pháp lý, thì ngay từ bây giờ, phải kiểm soát và đảm bảo chất lượng của dự thảo các văn bản luật sửa đổi.
"Các dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) hiện nay còn bề bồn, nhiều vấn đề cần được tiếp tục góp ý. Ngoài ra, cần sửa đổi một số điều của các luật có liên quan khác, bởi vì trong khi một số luật chưa được sửa đổi thì việc kết hợp sửa một số điều của các luật này sẽ đảm bảo pháp luật được đồng bộ, thống nhất", ông Lê Hoàng Châu đề xuất.
Ngoài ra, Chủ tịch HOREA cho rằng, trong thời gian chờ đợi các luật trên có hiệu lực (ngày 1/7/2024) thì Chính phủ cần ban hành các nghị định cực kỳ quan trọng để tháo gỡ ngay những vướng mắc của thị trường bất động sản, đó là: Nghị định sửa đổi các nghị định về đất đai, Nghị định sửa đổi các nghị định liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng, Nghị định quy định về quy trình, thủ tục hành chính đầu tư xây dựng các dự án bất động sản, nhà ở, đô thị để thống nhất về thủ tục hành chính ở trong toàn quốc.
Đối với Nghị định 65 về phát hành trái phiếu, ông Lê Hoàng Châu bày tỏ hoan nghênh Bộ Tài chính đã nỗ lực để lùi thời điểm áp dụng sang 1/1/2024. Tuy nhiên, ông Châu đề xuất lùi thêm đến 1/1/2025 để giúp thị trường giảm bớt khó khăn về thanh khoản.
"Bốn nghị định trên sẽ giúp giải quyết ngay những vấn đề trước mắt của thị trường BĐS. Chính phủ cần xem xét ban hành trong tháng 2/2023, chậm nhất là đầu tháng 3, vì tất cả các dự thảo nghị định này đã được chuẩn bị xong".
Cũng theo đại diện HoREA, vướng mắc thứ hai là vấn đề tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp bất động sản. Về vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu đề xuất gia hạn trong phạm vi từ 12 - 24 tháng đối với các khoản vay tín dụng sắp đáo hạn để không bị chuyển qua nhóm nợ xấu nhóm 4 - nợ xấu không thu hồi được.
Cụ thể, HoREA không đề nghị hỗ trợ cho những trường hợp doanh nghiệp có nợ xấu nhóm 4. Còn đối với nhóm nợ xấu nhóm 2 và nhóm 3 thì nên tạo cơ hội cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển trở lại bằng cách tiếp cận được với khoản vay mới. Mà muốn doanh nghiệp tiếp cận được khoản vay mới thì phải cơ cấu lại thời gian trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ hiện tại, không chuyển thành nhóm nợ xấu hơn.
Doanh nghiệp đang ở khoản nợ xấu nhóm 2, hoặc nhóm 3 muốn có khoản vay mới thì phải đảm bảo đầy đủ thủ tục pháp lý; có tài sản bảo đảm; dự án có tính khả thi và doanh nghiệp có khả năng thanh toán tiền lãi lẫn hoàn trả nợ gốc. Ngoài ra, người mua nhà cũng cần được vay tiền để giải quyết bài toán thanh khoản cho thị trường.
Trong quan điểm của mình, ông Lê Hoàng Châu cho rằng, ngoài 2 vướng mắc lớn trên, cần giải quyết vấn đề trái phiếu doanh nghiệp; ổn định tâm lý thị trường; xử lý các dự án đang bị vướng mắc…
Cuối cùng, quan trọng không kém, theo Chủ tịch HoREA, chính là trách nhiệm của các doanh nghiệp bất động sản. Các doanh nghiệp cần phải đồng hành, hợp tác với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong giải quyết các vướng mắc. Ngoài ra, phải có trách nhiệm tái cấu trúc lại chính doanh nghiệp, tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu sản phẩm để chuyển hướng sang sản phẩm nhà ở hợp túi tiền; hưởng ứng chương trình 1 triệu căn nhà ở xã hội do Thủ tướng Chính phủ phát động; giảm giá nhà về thực chất, tạo điều kiện cho người mua nhà tiếp cận tín dụng.