Hội chứng sợ giao tiếp trong thế giới thực của giới trẻ
Từ những vụ trả thù tình, giới trẻ đang yêu bằng cảm xúc hay lý trí? Hết lá vàng, giới trẻ lại "săn" bàng lá nhỏ xanh mơn mởn |
Khoảng 80% sinh viên đại học Trung Quốc tin rằng họ có các triệu chứng ám ảnh xã hội hoặc rối loạn lo âu xã hội nhẹ, theo một cuộc khảo sát trên 4.800 sinh viên của Nhật báo Thanh niên Trung Quốc (China Youth Daily) vào tháng 11 năm ngoái. Khoảng 7% trong số đó cho biết có các triệu chứng nghiêm trọng.
Những người này cho biết, họ sợ hãi trước các tình huống xã hội và hoạt động đông người vì sợ bị xấu hổ, sỉ nhục hoặc bị đánh giá tiêu cực.
Các chuyên gia cho rằng ám ảnh xã hội ở giới trẻ Trung Quốc đang là một vấn đề ngày càng gia tăng (Ảnh: Handout) |
Một nghiên cứu khác được công bố trên tạp chí khoa học PLOS One vào năm 2020 cho thấy, tỷ lệ mắc các triệu chứng sợ xã hội ở thanh niên bảy quốc gia trong đó có Trung Quốc đang tăng lên. Cụ thể, 32,1% người Trung Quốc ở độ tuổi 16 - 29 mắc chứng ám ảnh sợ xã hội. Tỷ lệ này ở Mỹ, Nga và Brazil lần lượt là 57,6%, 42,4% và 27%.
Huang Jing, nhà tâm lý học có trụ sở tại Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, miền Đông Trung Quốc, cho biết việc lạm dụng mạng xã hội và đời sống kỹ thuật số được nâng cao là những lý do chính làm gia tăng chứng ám ảnh sợ xã hội.
“Điều khá phổ biến ở thanh thiếu niên ngày nay, những người được cho là ở độ tuổi tò mò và thích khám phá lại từ chối ra khỏi nhà hoặc gặp gỡ bất kỳ ai”, ông Huang nói.
Nhiều người trẻ chia sẻ rằng họ có thể nói rất nhiều khi ở trên mạng, nhưng khi gặp mọi người ở ngoài đời lại trở nên ngại ngùng, không biết phải nói gì. Một lý do khác là những người trẻ có xu hướng dễ tâm sự với người lạ hơn.
Li Li, một nữ sinh 17 tuổi ở Thượng Hải, Trung Quốc cho biết sau một tuần học tập ở trường, cô thích dành cuối tuần ở nhà.
Việc lạm dụng mạng xã hội và kết nối ảo là những lý do chính làm gia tăng hội chứng ám ảnh xã hội trong giới trẻ |
“Tôi có thể nói rất nhiều trên mạng. Tuy nhiên, khi gặp mọi người ngoài đời thực, tôi trở nên ngại ngùng, không biết phải nói gì. Có lẽ bởi trao đổi online sẽ an toàn hơn, ít nhất là tôi không nhìn thấy đối phương”, Li Li chia sẻ.
Ngoài ra còn có một lý do khác lý giải cho hội chứng này , đó là nhiều người trẻ sinh ra trong thời đại chính sách một con của Trung Quốc, lớn lên một mình và được cha mẹ, ông bà bảo vệ quá mức vì họ là con một. Họ chịu nhiều kỳ vọng từ gia đình trong bối cảnh cạnh tranh giáo dục khốc liệt, do đó hầu hết dành phần lớn thời gian ở nhà để học tập và có rất ít giao tiếp xã hội.
Bà Ji Longmei, chuyên gia tư vấn tâm lý cấp cao tại trung tâm tư vấn sức khỏe tâm thần ở Thượng Hải kể một khách hàng trẻ tuổi của bà hiện là tiến sĩ nhưng không thể làm việc hay hẹn hò vì chứng ám ảnh sợ xã hội. Theo lời của mẹ chàng trai này, anh không phải làm gì khác ngoài học. Bà mẹ sẽ lo mọi thứ, bao gồm việc buộc dây giày cho con trai.
Mặc dù sự phổ biến của hội chứng này ngày càng tăng, các chuyên gia cho rằng cụm từ “chứng ám ảnh sợ xã hội” đang bị lạm dụng trên không gian trực tuyến, không phải ai tự cho mình là sợ xã hội thì đều thực sự mắc bệnh.
Trong nhiều trường hợp, họ chỉ dùng nó như một cái cớ để từ chối tham gia các sự kiện. Tuy nhiên, sự xuất hiện ngày càng phổ biến của thuật ngữ “hội chứng sợ xã hội” là một dấu hiệu cho thấy, cộng đồng đã nâng cao nhận thức về sức khỏe tâm thần.