Học theo gương Bác để thành công dân có ích

Học tập và làm theo lời Bác đang trở thành kim chỉ Nam để nhiều bạn trẻ phấn đấu rèn luyện. Từ việc tích cực học tập và làm theo lời Bác, ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương trẻ tiêu biểu.
Người trẻ học tập và làm theo lời Bác...

Đang là sinh viên nhưng Nguyễn Ngọc Trung (khoa Hóa học, trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) đã là tác giả chính của 2 bài báo được đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín (ISI) với lượt trích dẫn cao. Trong đó, đề tài vật liệu mới có khả năng hấp phụ kháng sinh trong nước thải y tế được đông đảo nhà khoa học quan tâm.

Khoa học là cuộc sống

Ngay từ khi theo học THPT, Trung đã “thần tượng” các học giả, nhà khoa học - những người đóng góp kiến thức, nghiên cứu để giúp đỡ cộng đồng. Họ cũng là người có tiếng nói đáng kể trong việc xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, lúc đó nguyện vọng 1 vào đại học của chàng trai trẻ lại không phải là khoa Hóa, trường Đại học Khoa học tự Nhiên.

Cơ duyên đã đưa Trung đến với khoa Hóa và nghiên cứu khoa học. Xác định đi theo con đường nghiên cứu, Trung đã tới làm việc ở phòng thí nghiệm của Tiến sĩ Phạm Tiến Đức (Bộ môn Hóa phân tích, khoa Hoá học, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội).

Trước khi bắt tay vào làm đề tài, thầy đã giao nhiệm vụ cho Trung cần đọc hiểu, phân tích một số tài liệu, bài báo chuyên ngành liên quan đến hướng nghiên cứu dự định làm. Số lượng bài báo tuy không quá nhiều nhưng sự khác biết giữa việc đọc, dịch được nội dung và hiểu ý nghĩa, cách tiến hành thí nghiệm trong đó không hề nhỏ.

Học theo gương Bác để thành công dân có ích

Nguyễn Ngọc Trung và thầy giáo hướng dẫn cùng các thành viên trong nhóm tại hội nghị nghiên cứu khoa học cấp trường

“Thời gian đầu, mình gặp khó khăn trong việc đọc các bài báo khoa học vốn nhiều từ vựng chuyên ngành khó. Mình cũng cảm thấy bối rối trong việc trả lời các câu hỏi như: Làm các bước như thế nào, thiết kế thí nghiệm ra sao, có những công cụ, phương pháp nào để làm? Thời điểm đó, mình còn thiếu nhiều kiến thức, kỹ năng và cả kinh nghiệm để có thể tự tin làm các thí nghiệm”, Trung chia sẻ.

Từ cảm giác vẫy vùng “tập bơi”, nhờ sự giúp đỡ của thầy giáo, Trung đã có những hình dung cơ bản và quen với cách làm việc tại phòng thí nghiệm. Tuy nhiên, Trung bắt tay vào làm thấy cũng không hề dễ dàng. Chàng sinh viên phải làm đi làm lại nhiều lần, số liệu thu được thường xuyên lặp lại, kém ổn định và không như kỳ vọng.

Trong khi đó, thầy hướng dẫn luôn yêu cầu các thí nghiệm phải được làm lặp lại ít nhất 3 lần sao cho sai số là nhỏ nhất trong khoảng cho phép. “Có những lần mình thực hiện thí nghiệm hấp phụ, lần đầu tiên cho kết quả khả quan nhưng hai lần sau lại cho kết quả rất trái ngược. Đôi khi chỉ một sai sót nhỏ mắc phải trong quá trình làm thí nghiệm đã khiến kết quả chệnh lệch, thay đổi rất nhiều so với kỳ vọng”, Trung kể.

Không đầu hàng cái khó như lời Bác Hồ đã dạy, Trung và các thành viên trong nhóm đã dần hoàn thành thí nghiệm. Đến nay, chàng sinh viên đã tham gia 2 đề tài “Nghiên cứu hấp phụ protein trên vật liệu nanosilica tổng hợp từ vỏ trấu" và “Nghiên cứu xử lý các chất thải hữu cơ (kháng sinh, thuốc dệt nhuộm) trong môi trường nước bằng phương pháp hấp phụ, sử dụng vật liệu điều chế nano nhôm oxit được biến tính bằng chất hoạt động bề mặt hoặc các polyme mang điện tích”.

Đề tài Trung tâm đắc nhất đó là "Nghiên cứu xử lý các chất thải hữu cơ trong môi trường nước bằng việc sử dụng vật liệu điều chế nano nhôm oxit". Tính cấp thiết của đề tài đó là tìm ra vật liệu rẻ tiền, thân thiện với môi trường, có khả năng tái sử dụng để ứng dụng loại bỏ các chất thải hữu cơ thường xuất hiện trong nước thải công nghiệp hay bệnh viện như thuốc dệt nhuộm, kháng sinh…

Học theo gương Bác để thành công dân có ích

Học tập và làm theo lời Bác là kim chỉ Nam để Trung rèn luyện và phấn đấu

Sự tồn tại của thuốc dệt nhuộm và kháng sinh trong môi trường nước đều rất nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp tới hệ sinh thái xung quanh, môi trường sống của động vật và sức khỏe con người, thậm chí tình trạng các vi khuẩn kháng thuốc đang phát triển chóng mặt đe dọa tới sức khỏe của cộng đồng. Đề tài nghiên cứu này có ý nghĩa quan trọng và thiết thực đối với việc tái phục hồi môi trường nước đã bị ô nhiễm.

Thoát khỏi vùng an toàn của bản thân

Sau thời gian dự thi nghiên cứu khoa học cấp Bộ, Trung được thầy hướng dẫn động viên phát triển nghiên cứu thành một bài báo hoàn chỉnh để gửi đăng tạp chí quốc tế ISI. Thầy giáo chỉ đóng vai trò là người cố vấn, còn Trung sẽ phải tự tìm ý tưởng dẫn dắt vấn đề sao cho thuyết phục và trình bày vấn đề logic.

Bài báo của Trung được đăng trên tạp chí Material liên quan đến việc sử dụng vật liệu nhôm oxit được điều chế trong phòng thí nghiệm để ứng dụng xử lý thuốc dệt nhuộm trong môi trường nước. Một bài báo khác đăng trên kỷ yếu Hội nghị The Analytica 2019 tập trung nghiên cứu về việc hấp phụ polyme mang điện âm, polystyrene sulfonat (PSS) lên trên bề mặt vật liệu điều chế nhôm oxit.

Bài báo là kết quả của quá trình nghiên cứu trong khoảng 2 năm kể từ thời điểm Trung kết thúc năm thứ hai đại học. Đây cũng là thành quả của quá trình lao động không biết mệt mỏi của Trung. Có khoảng thời gian, chàng sinh viên thường xuyên về nhà muộn và cũng bị bố mẹ phàn nàn, nhắc nhở cần cân đối lại thời gian làm việc và nghỉ ngơi.

Học theo gương Bác để thành công dân có ích

Nguyễn Ngọc Trung (thứ ba từ phải sang) nhận danh hiệu Sinh viên 5 tốt cấp Trung ương

“Khoảng thời gian chông gai nhất đối với mình là học kỳ của năm thứ ba vì mình vừa phải đảm bảo kết quả học tập tốt trên lớp, vừa chạy đua thời gian để làm thí nghiệm. Tuy nhiên, niềm đam mê nghiên cứu khoa học đã giúp mình vượt qua khó khăn”, Trung tâm sự.

Vì thế, Trung vừa hoàn thành tốt nghiên cứu khoa học vừa đảm bảo việc học tập trên lớp. Trong đó, các tiêu chí trong danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” đã giúp chàng trai trẻ có sự định hướng phấn đấu. Với Trung giải thuởng này hướng tới những sinh viên toàn diện, biết cân bằng giữa việc học tập, nghiên cứu tốt với tham gia hoạt động, rèn luyện sức khỏe, tu dưỡng đạo đức và tư duy cởi mở sẵn sàng tham gia hội nhập trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay.

Nắm chắc các tiêu chí của giải thưởng nên ngay từ năm thứ nhất Trung đã sắp xếp thời gian để vừa học vừa rèn luyện phù hợp.

Ngoài học tập, Trung cũng năng nổ tham gia các hoạt động Đoàn - Hội. “Nhờ tham gia các hoạt động mình có cơ hội rèn luyện để trở nên cởi mở, tự tin hơn, được thoát ra khỏi vùng an toàn của bản thân. Mình muốn trở thành người năng động chứ không phải “mọt sách””, chàng trai cho biết.

Hiện tại, Trung đang là sinh viên năm cuối và sẽ tốt nghiệp vào tháng 7/2020. Lĩnh vực nghiên cứu chàng trai trẻ muốn theo đuổi sau khi tốt nghiệp đó là tập trung phát triển các loại vật liệu mới có hiệu năng cao, an toàn, giá thành rẻ để qua đó ứng dụng trong lĩnh vực năng lượng và môi trường - những lĩnh vực cấp thiết nhất con người phải đối mặt trong thế kỉ XXI.

Trung cũng tiếp tục tìm kiếm học bổng để có thể theo đuổi con đường nghiên cứu thông qua chương trình đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài. “Mong muốn của mình đó là trong tương lai được đóng góp xây dựng xã hội, đất nước văn minh, tốt đẹp hơn. Hơn nữa, mình là người trẻ phải tiên phong đi đầu để đưa đất nước “sánh vai với các cường quốc năm châu” như Bác Hồ hằng mong muốn”, Trung khẳng định.

(Còn nữa)

Nguồn: TTTĐ
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động