Hoạt động Quốc hội ngày càng trách nhiệm, chuyên nghiệp

Sự thận trọng, khách quan, công tâm, cân nhắc kỹ lưỡng, không chạy theo tiến độ qua các kỳ họp cho thấy, Quốc hội ngày càng trách nhiệm, chuyên nghiệp, luôn đặt chất lượng xây dựng luật lên hàng đầu vì quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân.
Chủ tịch Quốc hội chứng thực Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng 2024 Quốc hội chính thức thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)

Hoạt động giám sát chuyên nghiệp và hiệu quả hơn

Trong nửa đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, để xây dựng một cơ quan hành động và trách nhiệm, đồng hành cùng Chính phủ, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và nguyện vọng của Nhân dân, Quốc hội đã thực hiện nhiều đổi mới về phương thức hoạt động, tạo dấu ấn và chuyển biến thiết thực.

Việc đổi mới để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động luôn luôn là nhu cầu tự thân của mỗi cơ quan, tổ chức, trong đó có Quốc hội. Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã ghi rõ: Tiếp tục xác định việc đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Hoạt động Quốc hội ngày càng trách nhiệm, chuyên nghiệp
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Nước Võ Văn Thưởng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến tại kỳ họp bất thường lần thứ 4, Quốc hội khóa XV

Đây vừa là yêu cầu khách quan để đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân, đáp ứng thực tiễn đòi hỏi của đời sống kinh tế - xã hội, vừa là yêu cầu nội tại để khẳng định vị thế, vai trò của Quốc hội, thể hiện quyền lực của cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Thời gian qua, hoạt động giám sát chuyên đề đã được các cơ quan của Quốc hội tiến hành thực hiện ngày càng nhiều hơn cùng với quá trình đổi mới, nâng cao hiệu quả giám sát của Quốc hội và được dần hoàn thiện cả về cơ sở pháp lý, nội dung và phương thức tiến hành, đem lại kết quả ngày càng thiết thực hơn.

Thực hiện các quy định Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân, hàng năm Quốc hội cũng ban hành nghị quyết về chương trình giám sát. Hiện nay, việc triển khai các hoạt động giám sát chuyên đề của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội được tổ chức bài bản, khoa học và chặt chẽ, được cử tri và Nhân dân đánh giá cao.

Các Đoàn giám sát đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi tiến hành giám sát, có sự đổi mới mạnh mẽ về cách thức tổ chức giám sát như: phối hợp chặt chẽ với Hội đồng Nhân dân, đoàn đại biểu Quốc hội ở các địa phương và các cơ quan có liên quan khác; khai thác tối đa thông tin, dữ liệu từ kết quả kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, ý kiến phản biện, kiến nghị giám sát của MTTQ Việt Nam và các tổ chức đoàn thể về các nội dung liên quan đến chuyên đề giám sát; Tăng cường huy động sự tham gia của đội ngũ chuyên gia, cán bộ, công chức của các cơ quan chuyên môn trong quá trình giám sát.

Nhờ đó, hoạt động giám sát chuyên đề của Quốc hội đã có hiệu quả thiết thực, hỗ trợ tích cực cho hoạt động lập pháp của Quốc hội và nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước.

Hoạt động Quốc hội ngày càng trách nhiệm, chuyên nghiệp
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về việc thực hiện một số Nghị quyết của Quốc hội và xây dựng Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).

Hoạt động giám sát của Quốc hội đã thể hiện rõ tinh thần như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhiều lần nhấn mạnh là giám sát tập trung toàn diện nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm, cá thể hóa được trách nhiệm tập thể, cá nhân, chỗ nào tốt thì biểu dương, chỗ nào làm chưa đến nơi đến chốn, làm sai thì xem xét trách nhiệm, phải kiến nghị xử lý được những vấn đề trong hệ thống pháp luật, chấn chỉnh việc tổ chức thực hiện.

Năm 2023, các hoạt động giám sát được thực hiện có hiệu quả với nhiều đổi mới mạnh mẽ về tư duy và phương thức thực hiện, được triển khai toàn diện, đồng bộ, ngày càng đi vào thực chất. Từ đó, góp phần nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả, phản ứng linh hoạt, nhạy bén trước những vấn đề thời sự quan trọng của đất nước; tăng tính dân chủ, pháp quyền, công khai, minh bạch trong hoạt động giám sát. Tạo hiệu ứng lan tỏa về tinh thần hành động tích cực, góp phần tạo chuyển biến toàn diện cả về nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và vấn đề được giám sát.

Hoạt động giám sát chuyên đề tiếp tục có nhiều đổi mới trong công tác tổ chức thực hiện, nhờ đó đạt hiệu quả, kết quả tích cực. Hoạt động lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành cẩn trọng, bảo đảm nghiêm túc, theo quy định của pháp luật. Hoạt động “giám sát lại” được triển khai với tinh thần chuẩn bị từ sớm, từ xa; Chuẩn bị và tổ chức chất vấn việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn của Quốc hội khóa XIV, khóa XV thực chất, hiệu quả.

Bên cạnh đó, việc xem xét báo cáo của các cơ quan được thực hiện một cách thực chất, trách nhiệm, hiệu quả, được thảo luận kỹ với nhiều yêu cầu đổi mới theo hướng trọng tâm, tập trung vào các vấn đề lớn và quan trọng. Hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm chỉ đạo với nhiều giải pháp đồng bộ, đổi mới thiết thực, hiệu quả. Giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị cử tri ngày càng được tăng cường và trở thành hoạt động thường xuyên...

Giải quyết các vấn đề thực tiễn cấp bách

Đặc biệt, tại kỳ họp thứ 6 vừa qua, Quốc hội đã hoàn thành công việc rất quan trọng, đánh dấu giữa nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV là tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Hoạt động Quốc hội ngày càng trách nhiệm, chuyên nghiệp
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Việc lấy phiếu tín nhiệm để thực hiện quyền giám sát tối cao của Quốc hội. Công tác chuẩn bị và thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đảm bảo chặt chẽ, dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch và nghiêm túc theo đúng nội dung, quy trình, thủ tục được quy định tại Nghị quyết số 96/2023/QH15 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng Nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.

Quốc hội đã công khai kết quả lấy phiếu tín nhiệm đến cử tri thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Đây là dịp để những người được lấy phiếu tín nhiệm nhìn lại việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ, cũng như tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực mình phụ trách để nỗ lực hơn trong thời gian tới. Quốc hội đề nghị những người được lấy phiếu tiếp tục phát huy kết quả đạt được, khắc phục hạn chế để hoàn thành tốt trọng trách được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.

Hoạt động Quốc hội ngày càng trách nhiệm, chuyên nghiệp
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trò chuyện với cử tri tại Quảng Ninh

Công tác chuẩn bị và điều hành các kỳ họp cũng ngày càng chu đáo, khoa học, hiệu quả, đại biểu Quốc hội thảo luận, trao đổi, kiến nghị nhiều vấn đề tâm huyết, thiết thực, đem hơi thở cuộc sống vào nghị trường. Trong đó phải kể đến sự điều hành linh hoạt, sáng tạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các Phó Chủ tịch Quốc hội tại các phiên họp cũng như phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Mặt khác, công tác tuyên truyền tại các kỳ họp cũng ngày càng bài bản, kịp thời, nhiều phiên truyền hình trực tiếp, giúp cử tri theo dõi, giám sát, góp phần thúc đẩy hoạt động Quốc hội ngày càng minh bạch, công khai.

Có thể nói, trong nửa nhiệm kỳ khóa XV, với tinh thần tiếp tục đổi mới và luôn tự hoàn thiện cả về phương thức hoạt động đã giúp cho hoạt động của Quốc hội ngày càng hiệu quả, thực chất, công khai, minh bạch, gần gũi với cử tri và Nhân dân; Đồng thời, nâng cao chất lượng các chính sách được ban hành, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của thực tiễn và sự kỳ vọng của cử tri, Nhân dân cả nước.

Qua nửa nhiệm kỳ, Quốc hội khóa XV đã thể hiện tinh thần đổi mới, quyết liệt, vì một Quốc hội hoạt động tận tâm, trách nhiệm, giải quyết các vấn đề thực tiễn cấp bách, đáp ứng sự mong mỏi của cử tri và Nhân dân cả nước.

Thời gian tới, để tiếp tục đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động, bảo đảm phát huy vị trí, vai trò của Quốc hội thật sự là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất thì việc coi trọng tính chuyên nghiệp, chuyên môn hóa sâu hơn trong hoạt động lập pháp, cùng với đó là công tác giám sát từ sớm, từ xa... là rất quan trọng.

Hậu Lộc
Phiên bản di động