Hiệu trưởng Trường Đại học Thành Đô sử dụng bằng Tiến sĩ không đúng quy định
Hiệu trưởng Đại học Thành Đô bị tố dùng bằng Tiến sĩ không đúng quy định? |
UBKT Thành ủy Hà Nội vào cuộc
Như Tuổi trẻ và Pháp luật đã thông tin trong bài viết "Hiệu trưởng Đại học Thành Đô bị tố dùng bằng Tiến sĩ không đúng quy định?” Để phản ánh về việc ông Ngô Xuân Hà - Hiệu trưởng Trường Đại học Thành Đô bị tố sử dụng bằng Tiến sĩ của trường đại học quốc tế không được công nhận tại Việt Nam để kê khai đủ tiêu chuẩn bổ nhiệm chức danh hiệu trưởng nhà trường. Về việc này UBKT Thành Ủy Hà Nội đã gửi văn bản yêu cầu UBKTh Huyện ủy Hoài Đức rà soát, xác minh.
Theo đó để thông tin khách quan đa chiều PV Tuổi trẻ và Pháp luật đã có buổi làm việc với ông Trần Văn Nghĩa, Chủ nhiệm UBKT Huyện ủy Hoài Đức (Hà Nội).
Báo cáo của UBKT Huyện ủy Hoài Đức về việc hiệu trưởng sử dụng bằng Tiến sĩ |
Tại buổi làm việc, ông Nghĩa cho biết, UBKT Huyện ủy đã nhận được văn bản của UBKT Thành ủy Hà Nội chuyển về từ giữa tháng 12/2018. Văn bản của cấp trên yêu cầu xác minh thông tin và báo cáo trường hợp ông Ngô Xuân Hà, Hiệu trưởng Trường Đại học Thành Đô bị tố cáo dùng bằng Tiến sĩ không đúng quy định để kê khai vào hồ sơ bổ nhiệm chức danh hiệu trưởng.
“Khi chúng tôi xuống làm việc, các đồng chí cũng đã trình bày rất rõ, đồng chí này đi nghiên cứu sinh là có thật, ban đầu là học tại Đại học Quốc Gia, sau đó chuyển đổi và học hệ từ xa ở Trường Đại học Preston University (Mỹ). Hai trường này đã hợp tác với nhau và họ thống nhất chuyển tiếp, đến năm 2007 thì đồng chí Hà được cấp bằng. Lúc chuyển sinh hoạt Đảng về Huyện ủy Hoài Đức thì ông Ngô Xuân Hà đã là Tiến sĩ rồi” - Ông Nghĩa cho biết.
Khi PV thắc mắc việc dựa vào đâu để biết được hai trường này đã hợp tác đào tạo? Bộ Giáo dục & Đào tạo có công nhận bằng của Trường Đại học Preston University được phép sử dụng trong hồ sơ bổ nhiệm vị trí hiệu trưởng hay không thì ông Nghĩa bày tỏ:
“Về thẩm quyền kiểm tra thì đối tượng này chúng tôi không có đủ thẩm quyền vì hệ thống bổ nhiệm đồng chí này là UBND thành phố, còn công nhận bằng tốt nghiệp thì lại là của Bộ Giáo dục & Đào tạo. Vì vậy, đối với việc này theo quan điểm của tôi thì chúng tôi chỉ rà soát lại toàn bộ hồ sơ để kiểm tra chứng lý, họ trình bày được quá trình đi học, cấp bằng và được công nhận có trường đó ở nước ngoài. Trước mắt chúng tôi chỉ kiểm tra về mặt thể thức vậy thôi còn chúng tôi sẽ báo cáo Thành ủy, giải quyết như thế nào thì là phụ thuộc vào Thành ủy và UBND thành phố. UBKT Hoài Đức không phải cơ quan giải quyết luận việc này. Trừ khi UBND thành phố có văn bản yêu cầu phải làm rõ và báo cáo thì lúc đó sẽ phải làm việc với Bộ Giáo dục & Đào tạo, Sở Nội vụ, Sở Giáo dục và Đào tạo để xác nhận việc này”.
Như vậy có thể thấy, so với những gì Tuổi trẻ và Pháp luật phản ánh ở bài trước, những ý kiến của UBKT Huyện ủy Hoài Đức không có thay đổi. Thực tế, PV đã đặt lịch làm việc với đơn vị này từ 22/4, nhưng sau đó khoảng 3 tuần thì chúng tôi mới nhận được thông tin như trên dù những nội dung trả lời của UBKT Huyện ủy Hoài Đức đã có trong báo cáo của đơn vị này từ 15/2/2019 và đến nay vẫn chưa có thêm thông tin gì mới???
Tấm bằng Tiến sĩ của Trường Đại học “ma” không được Việt Nam công nhận
Khi tra cứu danh sách các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt trong hệ thống cơ sở dữ liệu của Trung tâm công nhận văn bằng thuộc Cục Quản lý chất lượng của Bộ Giáo dục và đào tạo, (https://cnvb.wordpress.com/tai-lieu/, hoặc website https://naric.edu.vn/thong-tin-he-thong-giao-duc-cac-nuoc-tren-the-gioi.html) hoàn toàn không có tên Trường Đại học Preston University.
Tuy nhiên, có một thực tế mà đồng chí Chủ nhiệm UBKT Huyện ủy Hoài Đức có thể chưa nắm rõ, từ năm 2007, Bộ Giáo dục & Đào tạo đã quy định, những văn bằng do nước ngoài cấp chỉ được Bộ Giáo dục & Đào tạo công nhận khi chương trình đó được Bộ Giáo dục & Đào tạo cấp phép hoạt động tại Việt Nam. Văn bằng của các trường ĐH nước ngoài chưa được kiểm định chất lượng tại nước sở tại sẽ không được công nhận tại Việt Nam, trong đó có các Đại học Quốc tế của Mỹ.
Theo Chủ nhiệm Nghĩa, việc công bố các trường đại học quốc tế không được công nhận diễn ra vào năm 2010, trong khi ông Hà đã tốt nghiệp năm 2007, và việc công nhận bằng cấp này giá trị hay không thì thuộc thẩm quyền của Bộ Giáo dục & Đào tạo và yêu cầu PV làm việc với UBKT TP Hà Nội.
Đại Học Thành Đô nơi hiệu trưởng bị tố dùng bằng Tiến sĩ "rởm" |
Câu hỏi đặt ra, liệu ông Ngô Xuân Hà không biết hay cố tình "không biết" bằng Tiến sĩ của mình không đủ tiêu chuẩn nhưng vẫn kê khai để đủ điều kiện làm hiệu trưởng? Vấn đề đặt ra nữa là: Sau khi có quy định của Bộ Giáo dục & Đào tạo về văn bằng do trường đại học quốc tế của Mỹ không được công nhận ở Việt Nam thì ông Hà không hề có động thái bổ sung bằng hợp lệ?
Liên quan đến vấn đề này, PV đã đặt lịch làm việc và liên hệ nhiều lần với Trường Đại học Thành Đô, tuy nhiên cho đến nay gần 1 tháng trôi qua, nhà trường vẫn "rất bận, chưa thể sắp xếp lịch để gặp PV".
Thiết nghĩ, đây là vấn đề không hề nhỏ đối với một đơn vị trường học như Thành Đô; hơn nữa, đây lại là vấn đề liên quan danh tiếng của nhà trường, gây xôn xao dư luận. Từ những phân tích trên, Tuổi trẻ và Pháp luật kính đề nghị các cơ quan chức năng, ban ngành liên quan sớm vào cuộc làm rõ hơn vấn đề để khẳng định tính đúng đắn của pháp luật.