Hiểm hoạ từ việc làm đẹp bằng filler

Mới đây, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết vừa cấp cứu thành công một ca mất thị giác sau khi tiêm filler nâng mũi.
Những ca cấp cứu biến chứng thẩm mỹ thót tim theo lời kể bác sĩ BV Việt Đức Biến chứng sau 3 năm tiêm filler

Suýt mù mắt vì nâng mũi ở spa người quen

Ngày 12/4, Khoa phẫu thuật hàm mặt tạo hình và thẩm mỹ (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức) đã thông tin về ca cấp cứu thành công một ca mất thị giác sau khi tiêm filler nâng mũi.

PGS.TS Nguyễn Hồng Hà, Trưởng Khoa phẫu thuật hàm mặt tạo hình và thẩm mỹ (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức) cho biết: "Đây là một trong những ca bệnh hiếm hoi được điều trị kịp thời, thành công lấy lại thị giác cho bệnh nhân.

Bệnh nhân B, 47 tuổi, ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội vào cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức vào ngày 2/4 trong tình trạng nghiêm trọng, mất hoàn toàn thị lực bên trái, đau đầu, co giật.

PGS.TS Nguyễn Hồng Hà khám thị lực cho bệnh nhân sáng 12/4.
PGS.TS Nguyễn Hồng Hà khám thị lực cho bệnh nhân ngày 12/4

Theo lời kể của bệnh nhân, chị B tiêm filler nâng mũi tại chỗ người quen ở địa phương, vì thân quen nên chị khá tin tưởng. Tuy nhiên sau khi tiêm khoảng 10-15 phút, khi tiến hành nắn sống mũi, chị bắt đầu có biểu hiện nóng đầu, hoa mắt, chóng mặt, xuất hiện co giật.

Ngay sau đó, chị B được người này tiêm thuốc giải nhằm làm tan filler đã tiêm. Sau 4 tiếng từ khi tiêm, chị được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

Nhận thấy đây là ca cấp cứu hết sức nghiêm trọng vì bệnh nhân mất thị lực toàn bộ một bên mắt trái và có dấu hiệu đau đầu, co giật, biểu hiện toàn thân nặng nề, được chẩn đoán tắc động mạch não và các mạch cấp máu cho vùng mũi, trán..., Bệnh viện đã huy động đội ngũ bác sĩ tạo hình, các bác sĩ chuyên chống đột quỵ và nhờ các bác sĩ Bệnh viện Mắt Trung ương sang hỗ trợ điều trị, chuẩn bị phương tiện để hồi sức cấp cứu thông mạch sớm nhất.

Sau 10 ngày điều trị tích cực, đến nay bệnh nhân tỉnh táo, giao tiếp được, thi thoảng có cơn đau đầu. Mắt trái từ mất thị giác hoàn toàn đã dần cảm nhận được ánh sáng khi chiếu đèn.

Mối nguy hiểm của việc làm đẹp bằng filler

Filler hay còn được gọi là chất làm đầy với thành phần chính là axit hyaluronic. Tiêm filler mũi là một phương pháp thẩm mỹ nâng mũi bằng cách tiêm filler vào mũi để tạo hình, thay đổi hình dáng mũi, nâng cao phần sống mũi hoặc một phần đầu mũi.

Đa phần bệnh nhân ham rẻ, "ngại" đến những bệnh viện chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ hay viện thẩm mỹ để nâng mũi mà tin theo quảng cáo trên Facebook của các spa "tiêm dạo" về chương trình khuyến mại hấp dẫn, tiêm filler nâng mũi không phải đụng "dao kéo", không sưng tấy hay mất thời gian nghỉ dưỡng.

PGS.TS Nguyễn Hồng Hà đang đánh giá phim chụp não và mắt của bệnh nhân.
PGS.TS Nguyễn Hồng Hà đang đánh giá phim chụp não và mắt của bệnh nhân.

Trong khi đó, việc nâng mũi phẫu thuật thường có chi phí khá cao, mất nhiều thời gian để bệnh nhân hồi phục sau phẫu thuật. Vì vậy, nhiều người e ngại một cuộc phẫu thuật nâng mũi mà tìm đến phương pháp làm đẹp bằng chất làm đầy nhanh chóng, giá rẻ.

Thời gian gần đây, Bệnh viện Việt Đức thường tiếp nhận nhiều bệnh nhân tai biến do tiêm filler, nhiễm trùng sau mổ hoặc chảy máu phẫu thuật nâng ngực, nâng mông. Nhiều cơ sở "tiêm lậu" có xu hướng "nở rộ". Bệnh nhân thiếu hiểu biết tin lời quảng cáo và tìm đến các spa, tiệm cắt tóc để "tiêm dạo".

Theo thống kê của Hội phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ quốc tế, mỗi năm có hàng triệu ca tiêm filler được thực hiện bởi các bác sĩ phẫu thuật tạo hình trên toàn thế giới chưa kể đến rất nhiều các các thủ thuật tiêm filler thực hiện bởi các bác sĩ không chuyên khoa cũng như được tiêm một cách trái phép tại các Spa thẩm mỹ viện.

Một nghiên cứu tổng quan gần đây cho thấy, tỷ lệ các biến chứng từ tắc mạch hoặc mù mắt dao động từ 3-9 ca trên 10.000 ca tiêm. Như vậy về tổng thể trên toàn thế giới đây là một con số hết sức đáng báo động. Số ca biến chứng rất nặng như mù mắt sau tiêm chưa có con số chính xác nhưng ước tính cũng lên đến cả trăm ca.

PGS.TS Nguyễn Hồng Hà khuyến cáo, người dân nên tiêm filler (chất làm đầy) tại các bệnh viện, cơ sở thẩm mỹ uy tín, được cấp phép, với đội ngũ y bác sĩ được đào tạo, có kinh nghiệm.

Người không được đào tạo thường cố gắng "tống" cả một xilanh filler vào thật nhanh. Do không học giải phẫu, họ dễ tiêm luôn chất này vào lòng động mạch ở mũi. Do bị tiêm nhanh và mạnh quá mức, chất filler theo mạch máu thông từ mũi trào ngược vào trong sọ, rồi bị đẩy lên động mạch mắt và làm tắc động mạch mắt.

Nếu không được can thiệp thông tắc mạch nhanh chóng và đúng cách, bệnh nhân bị mù vĩnh viễn, thậm chí liệt nửa người, không còn tỉnh táo. Các biện pháp can thiệp trước đây chỉ là tiêm thuốc giải vào vùng da hoặc tổ chức ngoại vi xung quanh ổ mắt, kết quả rất hạn chế.

"Tiêm trái phép ngày càng có xu hướng lan rộng. Bệnh nhân trước đây thường là người trẻ, ở khu công nghiệp, tham rẻ nhưng gần đây lại gặp nạn nhân ở tuổi 45, 50 đã có kinh tế hơn. Họ tiêm ở cơ sở spa, tiệm quen biết và hầu hết đều là cơ sở không được cấp phép của Bộ Y tế. Trong khi các thủ thuật này phải được cấp phép, người thực hiện phải được đào tạo… Hiện filler được mua bán không đảm bảo chất lượng, thậm chí, cả thuốc giải cũng giả, rất nguy hiểm”, BS Nguyễn Hồng Hà cảnh báo.

Bác sĩ Hà cũng khuyến cáo trong trường hợp không may xảy ra tai biến khi làm đẹp, cần cố gắng đưa bệnh nhân đến bệnh viện có chuyên khoa phối hợp để được cấp cứu đa chuyên khoa trong thời gian sớm nhất có thể.

Nguồn: Tuổi trẻ Thủ đô
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động