Hàng loạt sai phạm tại Agribank - Bài 2: Bổ nhiệm "thần tốc" có là nguyên nhân gây ra nợ xấu "khủng?"
Năm 2019, nợ xấu của chi nhánh Agribank Bắc Hải Phòng đa số phát sinh tại ngay chính hội sở, nơi tập trung nhiều phòng chuyên môn, nghiệp vụ, với các lãnh đạo dày dạn kinh nghiệm, có kiến thức nhưng nợ xấu chiếm đến 70% tổng nợ xấu toàn chi nhánh, số còn lại là ở hai chi nhánh An Hưng và Cát Bà.
Chi nhánh Agribank Bắc Hải Phòng. |
Theo kết quả kiểm tra, các sai sót, vi phạm, sai phạm của Agribank chi nhánh Bắc Hải phòng có liên quan trực tiếp tới một số cán bộ lãnh đạo chi nhánh, trưởng, phó phòng và cán bộ nghiệp vụ. Trong tổng số 208 hồ sơ kiểm tra với tổng dư nợ 464 tỷ đồng phát sinh cho vay tại Hội sở đến thời điểm 30/6/2019, trách nhiệm cụ thể của các cán bộ liên quan như sau.
Ông Nguyễn Bá Ngọc, Giám đốc Agribank chi nhánh Bắc Hải Phòng là người trực tiếp quyết định cho vay 16 khách hàng, dư nợ 356 tỷ đồng, trong đó: Nợ nhóm 2 là 05 khách hàng, dư nợ 164 tỷ đồng, nợ xấu 10 khách hàng dư nợ 124 tỷ đồng, nợ xử lý rủi ro 01 khách hàng dư nợ 68,6 tỷ đồng.
Bà Hồ Thị Hồng Thắm, Phó giám đốc, người trực tiếp quyết định cho vay 03 khách hàng dư nợ 1,7 tỷ đồng (nợ nhóm 2). Ông Lương Hữu Trí, Phó Giám đốc Agribank chi nhánh Bắc Hải Phòng là người trực tiếp ký quyết định cho vay 18 khách hàng, dư nợ 60,2 tỷ đồng trong đó: Nợ nhóm 2 là 09 khách hàng, dư nợ 34,8 tỷ đồng, nợ xấu 02 khách hàng dư nợ 54 triệu tỷ đồng, nợ xử lý rủi ro 07 khách hàng dư nợ 25,3 tỷ đồng. Tham gia vào quyết định cho vay với vai trò là Chủ tịch hội đồng tín dụng: 08 khách hàng, dư nợ 298,6 tỷ đồng (trong đó nợ nhóm 2: 02 khách hàng, dư nợ 140 tỷ đồng, nợ xấu 05 khách hàng, dư nợ 90 tỷ đồng, nợ xử lý rủi ro: 01 khách hàng dư nợ 6.6 tỷ đồng.
Điều rất lạ là những lãnh đạo đứng đầu Agribank chi nhánh Bắc Hải Phòng như ông Ngọc, ông Trí là người trực tiếp gây lên nợ xấu và có thể trở thành nợ có nguy cơ mất vốn không những không bị kỷ luật, truy cứu trách nhiệm mà còn được Lãnh đạo cấp cao của Agirbank đánh giá là có năng lực chuyên môn, kinh nghiệm để liên tục luân chuyển bổ nhiệm thần tốc lên chức cao hơn nữa, sang vị trí khác tốt hơn.
Trường hợp của ông Nguyễn Bá Ngọc khi gây ra nợ xấu lớn, tài chính âm quỹ thu nhập thì tháng 9/2018 ông Ngọc được điều động về làm Giám đốc của Agribank chi nhánh Hải Phòng đổi chỗ cho ông Phạm Quý Giang sinh năm 1959 chỉ còn 01 năm nữa là nghỉ hưu về giữ chức Giám đốc Agribank chi nhánh Bắc Hải Phòng.
Trường hợp của ông Lương Hữu Trí, Phó giám đốc Agribank chi nhánh Bắc Hải Phòng, là người trực tiếp phụ trách công tác tín dụng, Chủ tịch Hội đồng tín dụng từ năm 2016 đến tháng 9/2018, gần như các khoản nợ xấu, xử lý rủi ro đều có liên quan tực tiếp, gián tiếp tới ông Trí.
Có thể nói, Lãnh đạo cấp cao Agribank đã sắp đặt rất hợp lý, khéo léo cho con đường thăng tiến quan lộ thần tốc của ông Trí, sau khi nhận vị trí mới 3 tháng, ông Phạm Quý Giang có đơn xin nghỉ điều hành trước 6 tháng gửi Chủ tịch HĐTV Agirbank, ông Trịnh Ngọc Khánh, điều trùng lặp không biết có phải ngẫu nhiên hay được sắp đặt và tính toán kỹ từ trước, ông Khánh cũng nghỉ hưu vào tháng 11/2019. Tuy nhiên, ông Trí không những không bị kiểm điểm, xử lý trách nhiệm mà lại được điều động lên Trụ sở chính giữ chức Phó ban tín dụng, kỳ lạ hơn nữa là chỉ 3 tháng sau khi "tránh bão", làm sạch nợ xấu, ngày 01/01/2019 ông Trí được lãnh đạo cấp cao của Agribank lại được điều động quay trở lại vị trí cũ là Phó giám đốc Agribank Chi nhánh Bắc Hải Phòng nhưng dường như để tránh việc ông này có thể tiếp tục gây ra nợ xấu thêm nữa, ông Giang đã phân công ông Trí phụ trách mảng kế toán, tài chính. Đây là mảng ông Trí chưa từng kinh qua, quản lý.
Trụ sở chính ngân hàng Agribank. |
Rất nhanh ngay sau đó, HĐTV chấp nhận để ông Giang nghỉ điều hành và tháng 7/2019 ông Trí được HĐTV giao nhiệm vụ phụ trách điều hành chi nhánh. HĐTV Agribank đã có một quyết định trái ngược quy định của pháp luật khi cho phép ông Phạm Quý Giang nghỉ điều hành nhưng vẫn giữ vị trí Giám đốc, còn ông Trí thì phụ trách điều hành toàn chi nhánh. Như vậy, việc ông Giang vẫn ở lại vẫn giữ chức vụ giám đốc, hưởng lương cao nhưng lại không làm việc, chịu trách nhiệm đối với hoạt động kinh doanh của chi nhánh? Quyết định này như là thừa nhận chi nhánh Bắc Hải Phòng có 02 người đứng đầu. Không có một văn bản, quy định của Pháp luật nào cho phép quyết định như thế, đặc biệt là đối với trường hợp có nhiều khuyết điểm, vi phạm quy định về cho vay như trường hợp ông Lương Hữu Trí.
Nói đến con đường tiến thân thần tốc, kỳ diệu và lắt léo của ông Trí, chúng tôi điểm qua một số cột mốc đáng nhớ đối với ông này. Tháng 12/2015 Trưởng phòng khách hàng lớn Agribank chi nhánh Hải phòng, tháng 01/2016 Phó giám đốc, tháng 9/2018 Phó trưởng ban Tín Dụng Agribank, tháng 1/2019 Phó giám đốc Agribank chi nhánh Bắc Hải Phòng, tháng 7/2019 Phó giám đốc phụ trách Agribank chi nhánh Bắc Hải Phòng.
Có lẽ, chính vì sự lắt léo, thần tốc trong công tác cán bộ của Agribank là nguyên nhân bùng phát lên rất nhiều đơn thư, kêu cứu của tập thể cán bộ Agribank chi nhánh Bắc Hải Phòng.
Trong thời gian qua, Đảng và Chính Phủ đang quyết liệt xử lý, loại trừ tham nhũng, ngăn chặn tình trạng chạy chức, chạy quyền để lựa chọn cán bộ có đạo đức, kiến thức, chuyên môn, năng lực, phẩm chất và bản lĩnh chính trị nhằm làm trong sạch bộ máy chính trị, Bộ ngành, cơ quan nhà nước.
Người đứng đầu công cuộc loại trừ tham nhũng, chay chức, chạy quyền, chạy luân chuyển quy hoạch là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã rất nhiều lần nhấn mạnh công tác cán bộ là trọng yếu, là cốt lõi, muốn biết lựa chọn quyết định có đúng hay không hãy hỏi dân.
Vậy trước khi quyết định bổ nhiệm, điều động cán bộ đối với ông Ngọc, ông Trí, HĐTV Agribank có lắng nghe và xin ý kiến của Ban Tổ chức Thành ủy, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP Hải Phòng, thăm dò thông tin từ cán bộ của Agribank chi nhánh Bắc Hải phòng về đạo đức, năng lực và trình độ người được bổ nhiệm như chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về công tác cán bộ hay không?
(Còn nữa)