Hàng hóa Việt Nam mỗi tháng hứng chịu một vụ kiện
Đây là thông tin được ông Lê Triệu Dũng - Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh ngày 9/8 vừa qua.
Theo đó, ông Lê Triệu Dũng cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2019, bên cạnh các biện pháp đã áp dụng, Bộ Công Thương đã tiến hành điều tra chống bán phá giá mới 4 vụ việc (tôn màu, nhôm định hình, ván gỗ MDF, màng BOPP), thẩm định hồ sơ 3 vụ việc (thép cuộn cán nguội, đường lỏng HFCS, vật liệu hàn), rà soát cuối kỳ 1 vụ việc (thép không gỉ cán nguội), theo dõi hiệu quả áp dụng biện pháp chống bán phá giá của 2 vụ việc (thép mạ, thép hình chữ H).
Bên cạnh đó, Cục Phòng vệ thương mại cũng phối hợp với các đơn vị trong Bộ tham vấn, hỗ trợ doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng trong việc xem xét sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm như sợi DTY, ống thép, bột ngọt… theo đúng quy định pháp luật, xem xét miễn trừ áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số hàng hóa trong nước chưa sản xuất được nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp liên quan.
Quang cảnh buổi làm việc. |
Về các biện pháp tự vệ, ông Lê Triệu Dũng - Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2019, Cục đã theo dõi hiệu quả áp dụng biện pháp tự vệ của 4 vụ việc (bột ngọt, tôn màu, phôi thép và thép dài, phân bón), thẩm định hồ sơ gia hạn biện pháp tự vệ của 2 vụ việc (phôi thép và thép dài, phân bón), xem xét miễn trừ áp dụng biện pháp tự vệ đối với một số hàng hóa trong nước chưa sản xuất được nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp liên quan.
Các biện pháp phòng vệ thương mại đã và đang áp dụng góp phần bảo vệ công ăn việc làm của trên 100.000 người lao động trong các lĩnh vực nói trên, khuyến khích sản xuất trong nước phát triển và hỗ trợ cân bằng cán cân thanh toán quốc tế. Theo tính toán, những ngành sản xuất đang được bảo vệ bởi các biện pháp phòng vệ thương mại ước tính đóng góp khoảng 6,3% GDP của cả nước.
Với việc tăng thuế nhập khẩu, các biện pháp phòng vệ thương mại được áp dụng cũng đã góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước với mức thuế thu được ước tính lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Qua theo dõi tác động của các biện pháp phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương nhận thấy việc tăng trưởng nhập khẩu ồ ạt với những sản phẩm này đã giảm đi đáng kể. Nhờ công cụ phòng vệ thương mại, nhiều doanh nghiệp thuộc một số ngành kinh tế đã cải thiện đáng kể tình hình sản xuất kinh doanh, thoát khỏi thua lỗ và từng bước ổn định sản xuất như Công ty phân bón DAP Hải Phòng, Công ty thép Việt Trung, Công ty thép Việt Ý, Công ty thép Pomina...
Cũng theo ông Lê Triệu Dũng, trong bối cảnh xu thế bảo hộ đang gia tăng, 7 tháng đầu năm 2019, tần suất các vụ kiện phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu của ta vẫn duy trì ở mức độ cao (trung bình 1 vụ/1 tháng). Hiện nay Bộ Công Thương đang tiến hành xử lý 7 vụ việc phòng vệ thương mại (5 vụ việc chống bán phá giá, 2 vụ việc trợ cấp) khởi xướng điều tra với hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đang tiếp tục xử lý 7 vụ việc khởi xướng từ năm 2018, 4 vụ việc rà soát biện pháp phòng vệ thương mại đã áp dụng, trong đó có những vụ việc có kim ngạch xuất khẩu lớn như cá tra, tôm. Trong 7 vụ việc khởi xướng điều tra mới, thị trường Ấn Độ dẫn đầu với 4 vụ việc, Hoa Kỳ 2 vụ việc, Malaysia 01 vụ việc.
Đối với các vụ việc giải quyết tranh chấp tại WTO, trong 7 tháng đầu năm 2019, Bộ Công Thương đang xử lý 3 vụ việc, trong đó 1 vụ đã kết thúc với kết quả tích cực (Indonesia hủy bỏ biện pháp áp dụng với tôn lạnh), 2 vụ việc đang trong quá trình tham vấn (chương trình thanh tra cá da trơn của Hoa Kỳ và phương pháp tính biên độ trong vụ việc Hoa Kỳ rà soát chống bán phá giá đối với cá tra).
Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại nhận định, thông qua các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp của Bộ Công Thương, nhiều vụ việc đã có kết quả tích cực như Canada công nhận ngành sản xuất ống thép hàn các-bon của Việt Nam hoạt động theo các nguyên tắc kinh tế thị trường, từ đó thay đổi phương pháp tính toán và áp dụng mức thuế chống bán phá giá thấp đối với các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam; Hoa Kỳ áp dụng mức thuế chống trợ cấp thấp đối với sản phẩm bao túi dệt bằng chất dẻo của Việt Nam; Ấn Độ không áp dụng thuế chống trợ cấp đối với một số doanh nghiệp xuất khẩu ống thép không gỉ của Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu lớn; Ấn Độ xác nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường và không áp dụng phương pháp tính toán biên độ chống bán phá giá bất lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam.