Hạn chế “thừa thầy, thiếu thợ” từ chương trình đào tạo nghề hệ 9+

Sớm tham gia thị trường lao động từ đó rút ngắn thời gian, chi phí học tập… là ưu điểm mà chương trình đào tạo nghề hệ 9+ đem lại cho học sinh.
Cơ hội để thanh niên chia sẻ nguyện vọng, kiến nghị về đào tạo nghề Hỗ trợ học nghề tối đa 4,5 triệu đồng/người

Lợi ích cho nhiều phía

Chương trình học nghề 9+ (học văn hóa bậc trung học phổ thông song song với học nghề) dành cho đối tượng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở phổ biến tại nhiều nước tiên tiến, như: Nhật Bản, Đức, Singapore... Mô hình này có thời gian đào tạo 3 năm với trình độ trung cấp, 4-5 năm với trình độ cao đẳng, hiện được quan tâm phát triển tại Việt Nam, trong đó có thành phố Hà Nội.

Hạn chế “thừa thầy, thiếu thợ” từ đào tạo nghề chương trình hệ 9+
Học nghề từ chương trình 9+ hạn chế tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” (Ảnh minh họa)

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, toàn thành phố hiện có 370 cơ sở có hoạt động giáo dục nghề nghiệp, tổ chức tuyển sinh, đào tạo nghề cho hơn 200.000 lượt người/năm. Đối tượng tuyển sinh đa dạng, từ lao động nông thôn, lao động phổ thông, học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông cho đến học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học nghề chương trình 9+. Sau vài năm triển khai, chương trình 9+ đã chứng minh tính hiệu quả, mang lại lợi ích cho nhiều phía.

Anh Nguyễn Đắc Huynh đoạt giải Nhất kỳ thi kỹ năng nghề thành phố Hà Nội, giải Ba kỳ thi kỹ năng nghề quốc gia năm 2020 với nghề lắp cáp mạng thông tin; Được UBND thành phố Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” năm 2021.

Lựa chọn học nghề 9+, anh Nguyễn Đắc Huynh, trú tại xã Liên Hiệp (huyện Phúc Thọ, Hà Nội) đã gặt hái thành công cho bản thân. Đắc Huynh cho biết, sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở năm 2019, Huynh nộp hồ sơ ứng tuyển học nghề chương trình 9+ với nghề sửa chữa máy tính, Khoa Điện - Điện tử (trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội).

Nỗ lực học tập, thực hành nghề, anh Nguyễn Đắc Huynh thu về những “trái ngọt”. Cũng nhờ vững tay nghề, anh Đắc Huynh có nguồn thu nhập bằng công việc đi làm thêm từ khi còn trên ghế nhà trường.

Nếu như trước đây, nhiều người mặc định với quan niệm: “Nhà khó khăn, không có tiền nên cho con đi học nghề” thì hiện nay, suy nghĩ của đa số phụ huynh đã khác đi rất nhiều. “Đại học không phải là con đường duy nhất. Nhiều thanh niên lập nghiệp rất tốt chỉ bằng việc học nghề”, chị Nguyễn Thị Thảo (trú tại xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa) bày tỏ.

Xuất phát từ nhận định ấy, chị và gia đình có định hướng riêng cho con trai của mình. Chị cho hay: “Con trai tôi đang học lớp 9, cháu thích nghề sửa chữa ô tô, muốn đi làm sớm. Sau khi tìm hiểu, tôi biết nhiều trường đào tạo nghề này, lại được cam kết chắc chắn có việc làm, nên tôi đồng ý cho con theo học nghề sửa chữa ô tô ngay sau khi cháu tốt nghiệp trung học cơ sở”.

Nâng cao chất lượng đào tạo nghề chương trình 9+

Dự kiến, năm 2022, Hà Nội có khoảng 129.000 học sinh xét tốt nghiệp trung học cơ sở, trong đó gần 25.000 học sinh được phân luồng vào các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên hoặc các trường nghề, tăng hơn 10.000 người so với năm 2021. Đây là nguồn đầu vào chất lượng, ổn định, nên các trường nghề tập trung tuyển sinh, đào tạo nghề chương trình hệ 9+.

Hạn chế “thừa thầy, thiếu thợ” từ đào tạo nghề chương trình hệ 9+
Dự kiến, năm 2022, Hà Nội có gần 25.000 học sinh được phân luồng vào các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên hoặc các trường nghề (Ảnh minh họa)

Về công tác tuyển sinh, Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội Phạm Thị Hường cho biết, năm 2022, nhà trường dự kiến tuyển sinh 300 chỉ tiêu chương trình 9+, cho nhiều nghề thị trường lao động đang cần như công nghệ thông tin, chăm sóc sắc đẹp, cơ khí, kinh tế, điện tử - điện lạnh, tăng hơn 10% so với năm trước.

Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội đặt mục tiêu tuyển 500 học sinh cho chương trình 9+, bằng gần 30% tổng chỉ tiêu tuyển sinh của nhà trường trong năm nay. Các trường trung cấp, như: Trường Trung cấp nghề tổng hợp Hà Nội, Trường Trung cấp nghề cơ khí I Hà Nội, Trường Trung cấp nghề Bắc Thăng Long... cũng xây dựng kế hoạch tuyển sinh năm 2022 với số lượng chỉ tiêu chương trình 9+ bằng hoặc cao hơn những năm trước...

Nhằm đạt mục tiêu đề ra, từ đầu năm 2022, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã phối hợp với các trường trung học cơ sở, chính quyền các địa phương tư vấn tuyển sinh, định hướng nghề nghiệp đến nhóm học sinh chuẩn bị tốt nghiệp trung học cơ sở bằng nhiều hình thức. Cùng với công tác tuyển sinh, các nhà trường chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo nghề chương trình 9+.

Hiện tại, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Hà Nội chủ động phối hợp với hàng trăm doanh nghiệp từ khâu tuyển sinh tới khâu đào tạo, thực hành nghề, bảo đảm cho người học rộng mở cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp. Do đó, học sinh có thể yên tâm học nghề chương trình 9+.

Nguồn: Tuổi trẻ Thủ đô
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động