Hai thanh niên Điện Biên ăn phải nấm độc: 1 người đã tử vong, 1 người đang nguy kịch
Nạn nhân ăn nấm độc cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên |
Bác sỹ Hồ Duy Khánh, khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên cho biết, chiều 5/4, đơn vị tiếp nhận một trường hợp chuyển lên từ tuyến huyện bị ngộ độc nặng do ăn nhầm nấm độc. Bệnh nhân là Lý A B (sinh năm 2005, hộ khẩu thường trú tại bản Nậm Pan, xã Nậm Khăn, huyện Nậm Pồ).
Bệnh nhân vào viện cấp cứu trong tình trạng đau bụng nhiều, đi ngoài nhiều lần, phân lỏng, sau ăn nấm ngày thứ 3. Dù được các y bác sỹ hồi sức nội khoa tích cực, song bệnh nhân vẫn rất nguy kịch, nguy cơ tử vong đến 90%.
Người nhà bệnh nhân cho biết, sáng 4/4, bệnh nhân cùng em họ là Lý A C (sinh năm 2008) sống cùng bản đi chăn trâu trên nương. Đến cuối chiều không thấy 2 anh em về, gia đình tổ chức đi tìm thì phát hiện Lý A C đã tử vong, còn Lý A B bất tỉnh, bị ngộ độc nặng, phải đưa đi cấp cứu tại trạm y tế cơ sở. Do tình trạng bệnh lý nặng, nên đã được chuyển lên tuyến tỉnh để cấp cứu.
Bác sỹ Hồ Duy Khánh cho biết: "Chúng tôi đã hội chẩn tất cả lãnh đạo và khoa thận nhân tạo chỉ định thay huyết tương cho bệnh nhân. Nhưng tình trạng khả năng tử vong rất cao, phải trên 90%".
Bác sỹ Hồ Duy Khánh khuyến cáo, vào mùa này nấm mọc rất nhiều trên các đồi, người dân tuyệt đối không được ăn các loại nấm rừng. Thành phần nấm mà bệnh nhân Lý A B đã ăn chủ yếu là chất amatoxin, gây ra những biến chứng suy đa tạng, suy gan, suy thận. Những người ăn phải nấm độc thường có triệu chứng đau bụng kèm theo nôn, đi ngoài phân lỏng. Nếu ăn phải nấm có độc tính cao sẽ xuất hiện triệu chứng chậm (sau 6 giờ), nguy cơ tử vong cao do độc tố đã được hấp thu hoàn toàn qua đường tiêu hóa. Những trường hợp ăn phải nấm độc với xuất hiện triệu chứng nhanh (dưới 6 giờ) thì sẽ dễ được cứu chữa hơn do độc tính nấm không cao. Người ăn phải nấm độc, bắt đầu xuất hiện triệu chứng mệt mỏi thì cần được đến ngay cơ sở y tế gần nhất để xử lý, trước hết là thải độc để độc tố chưa kịp hấp thu vào dạ dày.