Hải Dương: Khẩn trương triển khai hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19
Ngày 8/5, UBND tỉnh Hải Dương tiếp tục phê duyệt danh sách hỗ trợ người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội của 6 địa phương và Trung tâm Nuôi dưỡng tâm thần người có công và xã hội Hải Dương.
Theo đó, huyện Thanh Hà có 13.338 người, tổng kinh phí hơn 16,5 tỷ đồng; huyện Thanh Miện có 15.176 người, tổng kinh phí hỗ trợ hơn 18,3 tỷ đồng; huyện Kim Thành có 14.051 người, tổng kinh phí hơn 17,3 tỷ đồng; huyện Kinh Môn có 13.685 người, tổng kinh phí hơn 16,9 tỷ đồng; huyện Chí Linh có 12.764 người, tổng kinh phí hơn 15,3 tỷ đồng và huyện Cẩm Giàng có 9.766 người, tổng kinh phí hơn 12,4 tỷ đồng.
Trong quá trình thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn trên địa bàn, UBND huyện Thanh Hà luôn theo dõi, đôn đốc và tiếp thu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện ở cơ sở để báo cáo cấp trên chỉ đạo kịp thời tháo gỡ. |
Trên danh sách được phê duyệt, tại huyện Thanh Hà có 4 nhóm đối tượng được chi trả hỗ trợ đợt 1 bao gồm 2.550 người có công; 6.262 người được bảo trợ xã hội; 1.570 người thuộc thành viên của hộ nghèo; 2.956 người là thành viên thuộc hộ cận nghèo.
Theo bà Hoàng Thị Thúy Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà cho biết: "Việc chi trả việc đối với 4 nhóm đối tượng người có công, hộ nghèo, cận nghèo và bảo trợ xã hội tương đối nhanh và thuận lợi bởi căn cứ vào danh sách hưởng trợ cấp hàng tháng của các đối tượng. Theo kế hoạch, huyện sẽ chi trả từ ngày 12/5 và xong trước 15/5".
Bên cạnh đó, việc chi trả hỗ trợ cho các nhóm đối tượng khác như lao động không có giao kết hợp đồng và bị mất việc, các hộ kinh doanh nhỏ lẻ… sẽ là một thách thức với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương.
Do đó, huyện đã giao cho các UBND các xã, cơ quan, đơn vị theo chức năng chủ trì thực hiện rà soát, lên danh sách các nhóm đối tượng còn lại thuộc diện được hưởng chính sách theo Nghị quyết 42/NQ-CP.
"Việc xác định đối tượng phi nông nghiệp rất khó vì nhiều trường hợp người lao động làm doanh nghiệp, làm nghề tự do như xe ôm nhưng vẫn có ruộng. Tuy vậy, chúng tôi vẫn quyết tâm nỗ lực, tập trung thực hiện để rà soát kỹ, đảm bảo kinh phí hỗ trợ đến đúng đối tượng, công khai minh bạch dưới sự kiểm tra giám sát của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các Ban, ngành đoàn thể. Giám sát tốt nhất chính là giám sát cộng đồng tại địa phương", bà Hà chia sẻ thêm.
Theo chỉ đạo của UBND Tỉnh Hải Dương, huyện Thanh Hà cũng chỉ đạo ủy ban nhân dân cấp xã thành lập mỗi thôn, khu dân cư 1 tổ rà soát, lập danh sách đối tượng được hỗ trợ và làm việc với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng hộ” để tổng hợp, tránh trùng lặp hoặc thiếu sót.
Huyện Thanh Hà cũng đã thành lập Tổ thẩm định thực hiện công tác rà soát hồ sơ do đồng chí Ngô Bá Định - Phó Chủ tịch UBND huyện làm tổ trưởng; đồng chí Nguyễn Năng Hùng - Trường Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội là tổ phó; các thành viên gồm đại diện các ngành: Bảo hiểm xã hội, Tài chính, Lao động, Thương binh và Xã hội, Chi cục thuế.