Hà Nội: Shipper giao hàng thiết yếu, đi chợ được hoạt động
"Shipper áo xanh” lội nước đưa bài tập cho học sinh làng chài Lưu ý khi sử dụng dịch vụ giao nhận hàng mùa dịch |
Trên fanpage chính thức, Now.vn thông báo NowFresh (đi chợ) và NowShip (giao hàng hóa thiết yếu) hoạt động trở lại tại 5 quận thuộc Hà Nội từ 6 giờ ngày 4/8.
Các tài xế của Now được yêu cầu tuân thủ đầy đủ các quy định phòng chống dịch Covid-19: Đo nhiệt độ và khai báo y tế hằng ngày trước khi bắt đầu làm việc; Luôn mang khẩu trang và không tụ tập đông người trong suốt quá trình hoạt động; Tránh tiếp xúc gần khi giao hàng, luôn giữ khoảng cách tối thiểu 2m với Khách hàng; Sát khuẩn trước và sau mỗi lần giao hàng, vệ sinh túi giao hàng thường xuyên.Dựa trên quyết định của Sở GTVT Hà Nội, Sở TT&TT Hà Nội về việc thực hiện nghiêm các biện pháp giãn cách xã hội trên địa bàn Thủ đô, dịch vụ NowFresh (đi chợ) và NowShip (giao hàng hóa thiết yếu) sẽ được hoạt động trở lại từ 6h ngày 4/8 tại 5 quận, gồm: Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Thanh Xuân dưới sự giám sát chặt chẽ.
Now chính thức ra thông báo tạm ngưng dịch vụ NowFood tại TP. Hà Nội trong 15 ngày kể từ 6h ngày 24/7 và mở lại khi có thông báo từ Cơ quan Nhà nước.
Ngày 28/7, Now tiếp tục ra thông báo tạm ngưng cả dịch vụ NowFresh & NowShip với nỗ lực chung tay phòng chống Covid cùng cộng đồng và thực hiện nghiêm túc chỉ thị từ UBND TP. Hà Nội.
Trong lĩnh vực vận chuyển công nghệ nhiều hãng cũng được cấp phép vận chuyển hàng hoá thiết yếu như Giao hàng nhanh, giao hàng tiết kiệm, Ahamove. Các đơn vị giao hàng thương mại điện tử của Tiki, Shopee, Lazada,...
Riêng Grab, các ứng dụng như Be và Gojek đang tạm ngưng cung cấp dịch vụ tại Hà Nội. Ngày 27/7, Grab Việt Nam thông báo chính thức tắt dịch vụ GrabExpress và GrabMart tại Hà Nội kể từ 22h cùng ngày.
Trước đó, từ 6h ngày 24/7, Grab tạm ngưng cung cấp các dịch vụ kết nối qua ứng dụng Grab, bao gồm dịch vụ vận chuyển (GrabBike, GrabCar, GrabTaxi), dịch vụ giao nhận thức ăn (GrabFood) theo quy định.
Ngày 24/7, khi Hà Nội bắt đầu giãn cách toàn xã hội, Sở GTVT đã có văn bản yêu cầu dừng toàn bộ các hoạt động vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe máy, bao gồm xe có sử dụng phần mềm ứng dụng công nghệ kết nối với hành khách và xe "ôm", kinh doanh giao hàng công nghệ (shipper) cho đến khi có thông báo mới.
Trước tình trạng một số hãng vẫn còn hoạt động giao hàng, cơ quan này đã ngày 27/7 đã yêu cầu 5 đơn vị, gồm Grab, Be, Gojek, My Go và FastGo, dừng ngay việc cung cấp dịch vụ cho các đối tác hoạt động vận chuyển hành khách và hàng hóa bằng xe máy. Đồng thời, đề nghị Công an TP chỉ đạo lực lượng tăng cường tuần tra, xử lý các trường hợp vi phạm .
Kiến nghị cho giao hàng
Trong thông báo tắt toàn bộ dịch vụ, Grab cho biết: “Việc tạm tắt dịch vụ GrabExpress và GrabMart tại Hà Nội thời điểm này có thể gây ra một số bất tiện cho người dùng và đối tác. Nhưng với tinh thần tuân thủ và nỗ lực phòng chống dịch Covid-19, chúng tôi hy vọng nhận được sự đồng cảm, thấu hiểu của người dùng và đối tác tại Hà Nội”.
Grab đã gửi văn bản kiến nghị tới Sở GTVT. Doanh nghiệp nhận định, việc duy trì hoạt động giao nhận lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu là phù hợp với Chỉ thị 17 về việc "Tăng cường khai thác các nguồn hàng, đảm bảo lưu thông thông suốt nhằm cung ứng đầy đủ, kịp thời hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân" và phù với định hướng của Sở Công Thương Hà Nội trong việc tăng cường, khuyến khích tiêu dùng qua kênh online.
Mới đây, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cũng có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của đội ngũ giao hàng (shipper). Mặc dù hoạt động thương mại điện tử được thực hiện trên nền tảng công nghệ tiên tiến nhưng với hàng hóa hữu hình không thể tách rời đội ngũ giao hàng.
Hơn nữa, do chưa đánh giá đầy đủ về vai trò của đội ngũ này thời gian qua dẫn đến tâm lý tiêu cực của nhiều người giao hàng và doanh nghiệp quản lý họ.
"Nếu đông đảo người giao hàng nghỉ việc và doanh nghiệp liên quan ngừng hoạt động sẽ dẫn đến khủng hoảng trong chuỗi cung ứng, nhất là các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội", Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam nhận định.
VECOM cho rằng, việc tỷ lệ người mua và người bán trên cùng một quận, huyện là không cao, hơn nữa mỗi chuyến giao hàng của shipper có thể có nhiều khách hàng ở những địa điểm khác nhau. Nhiều khi hai địa điểm ở hai quận liền kề lại gần hơn hai địa điểm cùng một quận.
Do đó, Hiệp hội này kiến nghị Thủ tướng giao UBND các địa phương, đặc biệt là TP.HCM và Hà Nội, căn cứ vào tình hình thực tế để hỗ trợ shipper, gỡ bỏ những quy định như chỉ được hoạt động tại một quận, huyện.