Hà Nội sẽ hợp tác, phát triển toàn diện với huyện Lâm Hà
Đoàn công tác Thành ủy Hà Nội thăm, làm việc tại tỉnh Lâm Đồng Hà Nội trở thành Điểm đến thành phố Golf tốt nhất thế giới năm 2023 Tích cực chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay về công tác xây dựng Đảng |
Sáng 26/10, Đoàn công tác Thường trực Thành ủy Hà Nội thăm, làm việc với huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng).
Đoàn công tác gồm các đồng chí Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội; Nguyễn Mạnh Quyền, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội; Vũ Hà, Thành ủy viên, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy cùng đại diện các Ban, Sở, ngành của TP và một số doanh nghiệp.
Toàn cảnh buổi làm việc |
Khẳng định sự quan tâm, hỗ trợ của TP Hà Nội
Tại buổi là việc với đoàn công tác, đồng chí Nguyễn Văn Hoàng, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà đã báo cáo tình hình kinh tế, xã hội của huyện Lâm Hà.
Huyện Lâm Hà nằm trên cao nguyên Di Linh và một phần cao nguyên Lang Biang của tỉnh Lâm Đồng, thuộc khu vực Nam Tây nguyên. Trên địa bàn huyện có trên 30 dân tộc anh em cùng chung sống trên địa bàn 14 xã, 2 thị trấn; trong đó, khoảng gần 60% bà con Nhân dân là người dân gốc thành phố Hà Nội.
Năm 1976 tỉnh Lâm Đồng và thành phố Hà Nội phối hợp, triển khai tổ chức thực hiện kế hoạch xây dựng vùng kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng, tạo tiền đề cho sự ra đời huyện mới Lâm Hà vào ngày 28/10/1987.
Sau 36 xây dựng và phát triển dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng và cùng với sự giúp đỡ, động viên có hiệu quả về tinh thần, vật chất của thành phố Hà Nội, huyện Lâm Hà đã đạt được nhiều thành tựu về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng chí Nguyễn Minh Hoàng, Phó Chủ tich UBND huyện Lâm Hà báo cáo tình hình kinh tế, xã hội của huyện |
Đáng chú ý, theo báo cáo, về kinh tế, tổng giá trị sản phẩm trên địa bàn đạt 7.246,4 tỷ đồng; Tổng giá trị sản phẩm tăng 9,1%, trong đó: Khu vực nông - lâm - thủy tăng 5,1%; công nghiệp - xây dựng tăng 13,8%; thương mại - dịch vụ tăng 12,5%.
Năm 2023, sản xuất nông nghiệp đảm bảo theo kế hoạch và tăng trưởng so với cùng kỳ; Giá trị sản xuất CN - TTCN đạt 1.162,6 tỷ đồng, đạt 79,8% và tăng 10,3% so với cùng kỳ; Hoạt động thương mại và dịch vụ sôi động; Chỉ tiêu về giáo dục của Lâm Hà đứng đầu tỉnh Lâm Đồng; Công tác chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân được đảm bảo.
Về phát triển du lịch, đến nay, huyện đã phát triển được một số loại hình du lịch như: Tham quan các danh lam, thắng cảnh, du lịch sinh thái; du lịch thể thao mạo hiểm; du lịch canh nông; du lịch làng nghề. Trong đó, du lịch canh nông có tiềm năng và là thế mạnh du lịch của huyện. Trong 9 tháng đầu năm, toàn huyện đón tiếp trên 65.000 lượt du khách đạt 100%KH, trong đó có trên 4.230 lượt khách qua lưu trú và 1.230 lượt khách quốc tế.
Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà nhấn mạnh: “Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, song song sự hỗ trợ của tỉnh Lâm Đồng và nguồn lực của địa phương, sự quan tâm, hỗ trợ từ TP Hà Nội đã là nhân tố quan trọng để cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện Lâm Hà được nâng cấp ngày một đồng bộ và đây là tiền đề giúp 14/14 xã của huyện về đích Nông thôn mới năm 2019.
Huyện Lâm Hà đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ công nhận Huyện đạt chuẩn Nông thôn mới vào ngày 12/7/2022l; đồng thời đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba vì thành tích về đích Nông thôn mới".
Quan hệ Hà Nội - Lâm Hà bước sang trang mới
Tại buổi làm việc, Đoàn công tác của TP Hà Nội và đại diện Thành ủy, UBND, HĐND huyện Lâm Hà đã cùng đánh giá về hiệu quả công tác hỗ trợ của Hà Nội cho huyện. Các đại biểu đều nhất trí, các công trình được hỗ trợ đầu tư xây dựng giai đoạn 2016 - 2020 đã phát huy tối đa hiệu quả sử dụng, giải quyết một phần nhu cầu bức xúc của Nhân dân vùng kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Hà trong việc đi lại, dạy và học, giao lưu văn hóa... Các chương trình, dự án được huyện Lâm Hà quản lý chặt chẽ, đầu tư đúng mục đích, thi công đúng tiến độ, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân.
Các đại biểu cũng đồng quan điểm, việc hợp tác giữa thành phố Hà Nội và huyện Lâm Hà mới chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ đầu tư xây dựng một số công trình hạ tầng, chưa huy động được các doanh nghiệp của Hà Nội đến đầu tư nên chưa khai thác được tiềm năng, thế mạnh của huyện; Vẫn còn một số công trình chưa được chuyển kinh phí hỗ trợ do vướng mắc về cơ chế, chính sách.
Vì thế, huyện Lâm Hà rất mong tiếp tục được thành phố Hà Nội hỗ trợ dứt điểm vốn đầu tư cho 2 công trình, đó là: Đường GTNT thôn 3 - thôn 4, xã Gia Lâm: 10 tỷ đồng; Di tích hồ thanh niên xung phong tiền trạm Hà Nội tại thị trấn Nam Ban: 6,5 tỷ đồng.
Ngoài ra, UBND huyện Lâm Hà đề nghị Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội xem xét tiếp tục thực hiện chương trình hỗ trợ đầu tư phát triển cho huyện trong giai đoạn 2023 - 2025 ở một số hạng mục như chỉnh trang thị trấn Nam Ban; Xúc tiến thương mại, hỗ trợ quảng bá các sản phẩm nông nghiệp và du lịch của huyện…
Trước đề nghị của UBND huyện Lâm Hà, đồng chí Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng đề nghị các Ban, ngành, Sở tập trung vào các đề xuất trọng tâm của huyện để hợp tác, tháo gỡ những vướng mắc cho các dự án, công trình mà TP đang hỗ trợ huyện Lâm Hà; đồng thời, hỗ trợ kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã, tập đoàn trên địa bàn thành phố Hà Nội đầu tư, kinh doanh và chế biến, tiêu thụ nông sản của huyện Lâm Hà.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội phát biểu tại Hội nghị |
Kết luận và chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong chúc mừng thành tựu mà huyện Lâm Hà đã đạt được trong 36 năm qua, đồng thời khẳng định, sự hỗ trợ của Hà Nội đã thể hiện một phần tình cảm của người dân Hà Nội đối với Lâm Hà và làm ấm lòng người dân Thủ đô đang sinh sống trên địa bàn huyện.
Đồng chí Nguyễn Văn Phong - Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội. |
“Từ nay, quan hệ Hà Nội – Lâm Hà sang trang mới, đó là hợp tác theo phát triển bền vững dựa trên thế mạnh của 2 bên. Đặc biệt, coi giáo dục và văn hóa là 2 trụ cột của phát triển bền vững này. Chuyện của Lâm Hà là chuyện của Hà Nội vì chính quyền và Nhân dân Thủ đô luôn coi Lâm Hà chính là quận, huyện thứ 31 của thành phố”, đồng chí Nguyễn Văn Phong khẳng định.
Đồng chí cũng lưu ý, cần phải có một công trình là biểu tượng của Hà Nội - Lâm Hà. Theo đó, 2 địa phương cần tính toán, khảo sát, lựa chọn địa điểm, cảnh quan, không gian và thời gian thích hợp để triển khai công trình này, gắn với sự kiện cụ thể như dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô vào năm 2024…
Đồng chí Nguyễn Văn Phong và các thành viên của Đoàn công tác thăm dự án Hồ Ba Đình tại Nam Ban. |
Ngoài ra, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng yêu cầu, các Ban, Ngành, Sở của TP Hà Nội tập trung vào các lĩnh vực như văn hóa, giáo dục, y tế để phối hợp với huyện Lâm Hà: “Chúng ta không tự bằng lòng về chỉ số giáo dục của Lâm Hà dẫn đầu tỉnh Lâm Đồng mà cần phải có sự phối hợp, hỗ trợ đào tạo đội ngũ giáo viên để nâng chất lượng giáo dục huyện. Ở lĩnh vực văn hóa, sẽ phải tổ chức ngày Hà Nội tại Lâm Đồng và ngày Lâm Đồng tại Hà Nội gắn với xúc tiến, đầu tư thương mại của huyện”.
Đồng chí Nguyễn Văn Phong và các thành viên của đoàn công tác thăm mô hình phát triển du lịch tiêu biểu của huyện Lâm Hà |
Ở lĩnh vực du lịch, để khai thác thế mạnh của Lâm Hà, đồng chí Nguyễn Văn Phong cũng yêu cầu Sở Du lịch Hà Nội cần phải xem xét ngay sản phẩm tơ tằm, vốn là thế mạnh của Lâm Hà để gắn với phát triển du lịch và tuyên truyền hiệu quả để người Hà Nội vào thăm Lâm Hà biết đến sản phẩm này.
“Đặc biệt, Hà Nội với ưu thế đi đầu trong việc triển khai sổ tay đảng viên điện tử cho hơn 400.000 đảng viên nên sẽ hỗ trợ tích cực cho Đảng bộ Lâm Hà trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính quyền” - Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đặc biệt nhấn mạnh.
Một số hình ảnh của Đoàn công tác của Thành ủy Hà Nội tại huyện Lâm Hà sáng nay:
Đại diện các doanh nghiệp phát biểu tại hội nghị |
Đồng chí Nguyễn Đức Tiến, Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn Hà Nội tham quan sản phẩm OCCOP của thanh niên huyện Lâm Hà |