Hà Nội sáng bừng đôi bờ sông Hồng
Ưu đãi, ưu tiên phát triển hệ thống giao thông công cộng ở Hà Nội |
Bừng sáng hai bờ sông Mẹ
Trong lịch sử hơn 1.000 năm của kinh thành Thăng Long - Hà Nội, sông Hồng luôn được đánh giá là mạch nguồn của kinh tế, văn hòa và đời sống của người dân Thủ đô.
Các cụ xưa gọi sông Hồng là “sông Mẹ”. Chỉ hai chữ tha thiết ấy cũng đủ biểu đạt tầm quan trọng, gắn bó, yêu thương của người dân sinh sống bên bờ với dòng nước đã mang lại cho họ nguồn sống, cũng như văn hóa, lịch sử.
Bắt đầu từ Ba Vì xuôi xuống Sơn Tây, Phúc Thọ, qua Mê Linh, Gia Lâm, Thường Tín và rời khỏi Thủ đô tại xã Quang Lãn (huyện Phú Xuyên), sông Hồng đã bồi đắp, nuôi nấng nhiều ngôi làng trù phú của Hà Nội.
Hà Nội bên bờ sông Hồng |
Chính vì thế, quy hoạch thành phố Hà Nội dọc sông Hồng (cụ thể là định hướng 5 huyện lên quận, quy hoạch các cây cầu qua sông Hồng cùng với hệ thống các đường vành đai) được đánh giá là bước đi đúng đắn, quan trọng, nền móng để Thủ đô phát triển theo đúng quy luật phát triển của các đô thị lớn trên thế giới.
Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đã đặt nền móng phát triển thành phố theo hướng “nhìn sông, tựa núi”; Đồng thời tiếp nối những giá trị khoa học, nghệ thuật trong lịch sử hình thành và phát triển đô thị Việt Nam là gắn môi trường sống của con người với cảnh quan thiên nhiên.
Với thành quả ban đầu là đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được duyệt đã khơi dậy niềm cảm hứng sáng tạo của các nhà nghiên cứu, các kiến trúc sư, những người yêu Hà Nội. Một thành phố hiện đại, văn minh đang rõ hình hài cùng việc hoàn thiện và hiện thực hóa đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng.
Ngày 3/7/2023, phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 12 HĐND thành phố Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị thành phố tập trung thực hiện các quy hoạch đã phê duyệt vẫn còn có hiệu lực. Quy hoạch các phân khu sông Hồng phải được triển khai để thay đổi căn bản diện mạo, tạo động lực đột phá phát triển Thủ đô, trong đó có việc xây dựng cầu qua sông Hồng như cầu Tứ Liên, Trần Hưng Đạo.
Chủ tịch Quốc hội mong thành phố đạt mục tiêu đến năm 2030 trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; Hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới. Đến năm 2045, Hà Nội sẽ là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao.
Theo KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, việc quy hoạch phân khu đô thị được phê duyệt không chỉ đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của hàng nghìn cư dân sinh sống tại khu vực sông Hồng mà còn là mong đợi của toàn người dân Thủ đô.
KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam |
Việc hoàn thiện quy hoạch phân khu sẽ góp phần thúc đẩy quá trình điều chỉnh xây dựng thành phố cũng như phát triển Thủ đô trở nên văn minh, hiện đại, bền vững; Đặc biệt, cần phải tính toán để có nguồn lực phát triển.
Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được phê duyệt không chỉ đáp ứng nguyện vọng của hàng chục vạn cư dân đang sinh sống tại vùng bãi sông Hồng mà còn là mong mỏi của toàn thể Nhân dân Thủ đô. Quy hoạch phân khu này hoàn thành sẽ góp phần đẩy nhanh quá trình điều chỉnh quy chung xây dựng Thủ đô mà TP đang thực hiện nhằm sớm đưa Hà Nội phát triển đồng bộ, văn minh, hiện đại, bền vững; Nhất là trong bối cảnh nhiều quận trung tâm không còn quỹ đất để phát triển nhằm phục vụ an sinh xã hội.
Định hướng theo đô thị hiện đại của thế giới
Mới đây, tại buổi đối thoại với cán bộ Mặt trận Tổ quốc các cấp thành phố Hà Nội do Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng chủ trì, đồng chí Nguyễn Trọng Kỳ Anh, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho biết: Quy hoạch phân khu sông Hồng đã được UBND thành phố phê duyệt năm 2021 là cơ sở để nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết và xác định các dự án đầu tư trong khu vực.
Theo quy hoạch, sông Hồng kết hợp với 5 trục: Hồ Tây - Ba Vì, Hồ Tây - Cổ Loa, Nhật Tân - Nội Bài và trục phía Nam Hà Nội sẽ trở thành 5 trục chính trong định hướng điều chỉnh quy hoạch tới đây và sông Hồng sẽ đi qua trung tâm thành phố.
Bangkok và sông Chao Phraya vào buổi tối (ảnh: DepositPhotos) |
Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho biết thêm, UBND thành phố đã phê duyệt Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5.000. Đây là cơ sở để nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết và xác định các dự án đầu tư trong khu vực.
Trước đây, Hà Nội phát triển đô thị còn quay lưng lại sông Hồng nhưng theo điều chỉnh quy hoạch và quy hoạch tổng thể thành phố đang xây dựng, Hà Nội sẽ phát triển đô thị hướng ra sông Hồng. Sông Hồng sẽ trở thành trục cảnh quan chính đi giữa trung tâm thành phố.
“Sông Hồng mặc dù đã có quy hoạch nhưng vẫn cần các địa phương triển khai rà soát theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là khoanh vùng hành lang thoát lũ. Đồng thời, thành phố quản lý chặt chẽ hành lang bảo vệ đê điều, đất bãi sông, bãi nổi, chống lấn chiếm vi phạm...”, đồng chí Nguyễn Trọng Kỳ Anh phân tích.
Sông Hồng sẽ đi qua trung tâm thành phố |
Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc nói thêm: "Cùng với tiến độ phê duyệt giai đoạn cuối năm 2023, đầu năm 2024 của quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, thành phố sẽ đồng loạt triển khai đối với các quy hoạch 2 bên sông Hồng. Trong quá trình triển khai, thành phố sẽ lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư trước khi trình duyệt hồ sơ và báo cáo các cấp có thẩm quyền".
Trên thế giới, các đô thị hiện đại phồn thịnh như Paris (Pháp), London (Anh), Stockholm (Thụy Điển), Amsterdam (Hà Lan) hay "người hàng xóm" Bangkok (Thái Lan)... đều phát triển thăng hoa dựa vào các con sông. Bên những dòng sông trong lành yên ả, các tuyến phố sôi động luôn được ví như “trái tim” chứa đựng linh hồn của nhịp sống hiện đại, hội tụ những giá trị đắt giá của cả quá trình phát triển đô thị phồn vinh.
Vì lẽ đó, việc Hà Nội định hướng xây dựng thành phố 2 bên bờ sông Hồng, phát triển 5 huyện lên quận, quy hoạch các cây cầu qua sông Hồng, cùng với hệ thống các đường vành đai là hướng đi đúng đắn, theo kịp các đô thị lớn trên thế giới.