Hà Nội ô nhiễm không khí và những việc cần làm
Trong một tuần trở lại đây, người dân Hà Nội lại sống trong lo lắng khi chỉ số đo chất lượng không khí liên tục ở mức báo động. Đến mức Bộ Tài nguyên và Môi trường phải họp khẩn cấp, còn Bộ Y tế thì ra 14 khuyến cáo cho người dân để bảo vệ sức khỏe. Theo ước tính, nồng độ bụi mịn tại Hà Nội năm nay cao gấp đôi so với các năm trước đó.
Về vấn đề này, PV báo Tuổi trẻ Thủ đô đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS. Trần Ngọc Quang - Bộ môn Vi khí hậu - Môi trường Xây dựng - trường Đại học Xây Dựng.
PV: Thưa ông, như ông đã biết, gần đây các tổ chức quốc tế đã đưa ra cảnh báo về tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội ở mức nguy hiểm. Theo ông thông tin này có thực sự chuẩn xác?Ông đánh giá như thế nào về thực trạng ô nhiễm môi trường không khí ở Hà Nội hiện nay?
PGS.TS. Trần Ngọc Quang: Rất khó có thể đánh giá được độ chuẩn xác của các thông tin đưa ra, nhất là khi không có cơ sở đánh giá. Cụ thể như khi đánh giá về tính trạng ô nhiễm không khí, chúng ta cần dựa vào nồng độ chất ô nhiễm đo được. Tuy nhiên, kết quả đo lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thiết bị đo, phương pháp lấy mẫu, phân tích và đánh giá số liệu đo. Bên cạnh hệ thống quan trắc chất lượng không khí chính thống của nhà, gần đây, một số tổ chức có thực hiện quan trắc chất lượng không khí ở Hà Nội, tuy nhiên sự chuẩn hóa về thiết bị đo và tính đại diện của các điểm đo cần được đánh giá.
PGS. TS Trần Ngọc Quang (ĐH Xây dựng) |
Theo số liệu công bố của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, và cả số liệu công bố của một số tổ chức, số ngày có chỉ số chất lượng không khí cao và mức chỉ số trong mỗi ngày có cao hơn so với năm trước. Dù thế nào, đây cũng là một chỉ dấu cho thấy chất lượng không khí ở Hà Nội đang xấu đi.
PV: Mặc dù vẫn còn tranh cãi về việc liệu Hà Nội có nằm trong top ô nhiễm không khí nhất thế giới hay không, thì có một thực tế ai cũng phải thừa nhận, Thủ đô của chúng ta đang bị ô nhiễm không khí, và sức khỏe người dân đang bị ảnh hưởng. Theo ông, thời gian tới chúng ta nên làm gì để hạn chế cũng như thay đổi được thực trạng này?
PGS.TS. Trần Ngọc Quang: Để hạn chế cũng như thay đổi được thực trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội, một chiến lược quản lý tổng hợp chất lượng không khí cần được xây dựng và thực hiện đồng bộ, một số công việc cần thực hiện sớm như: (1) tiến hành kiểm kế tổng thể các nguồn phát thải trên địa bàn; (2) xây dựng hệ thống thiết bị và tiến hành quan trắc chất lượng không khí một cách đồng bộ; (3) sử dụng các công cụ mô hình hóa, phân tích ảnh vệ tinh để có được số lượng chất lượng không khí đầy đủ và đại diên hơn; (4) đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học về lĩnh vực không khí và ô nhiễm không khí; (5) sử dụng số liệu quan trắc và kết quả nghiên cứu khoa học để xây dựng các chính sách quản lý và nâng cao nhận thức của cộng đồng về ô nhiễm không khí cũng như tác động của chúng đến sức khỏe con người; (6) thực hiện đồng bộ các kế hoạch/công việc để triển khai hiệu quả các chính sách quản lý chất lượng không khí.
Hà Nội ô nhiễm nặng: Việc đầu tiên cần làm là hoàn thiện hệ thống quan trắc |
Để thực hiện chiến lược nêu trên, chắc chắn cần có nhiều nguồn lực và thời gian. Tuy nhiên ô nhiễm không khí không chờ và trừ một ai. Nên mỗi chúng ta cần ý thức rõ hơn về ô nhiễm không khí và tự bảo vệ theo các kiến nghị mà bộ Y tế đã đưa ra.
Về mặt quản lý nhà nước, cơ quan quản lý chất lượng và tiêu chuẩn cần xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn chất lượng cũng như qui trình quan trắc và công bố số liệu. Đồng thời, tận dụng và phát huy hiệu quả của các mạng quan trắc chất lượng không khí bằng cảm biến được phát triển bởi các tổ chức và cá nhân trong thời gian gần đây. Việc này sẽ giúp bổ sung cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý chất lượng không khí cho đến khi một chiến lược quản lý tổng hợp chất lượng không khí cho Hà Nội được thực hiện đồng bộ.
Chất lượng ô nhiễm không khí ở Hà Nội xuống thấp nhất trong nhiều tháng qua. |
- Xin trân trọng cảm ơn ông!