Hà Nội: Nhiều vấn đề tại dự án đường BT nghìn tỷ treo nhiều năm
Hà Nội: Dự án đường BT hơn 1.500 tỷ đồng nhiều năm vẫn dang dở |
Như chúng tôi đã thông tin, ngày 24/6/2016, Thủ tướng Chính phủ có văn bản số 1092/TTg-KTN về chủ trương đầu tư dự án xây dựng tuyến đường Minh Khai- Vĩnh Tuy- Yên Duyên đoạn nối từ đường Minh Khai đến đường vành đai 2,5, TP Hà Nội theo hình thức Hợp đồng BT.
Tuyến đường Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên đoạn nối từ đường Minh Khai (Vành đai 2) đến đường vành đai 2,5 có chiều dài khoảng 1.653m nằm trên địa bàn quận Hai Bà Trưng và quận Hoàng Mai. Đây là tuyến đường trục chính đô thị, có ý nghĩa hết sức quan trọng kết nối các tuyến đường vành đai và các tuyến đường đô thị trong khu vực.
Theo đánh giá, việc đẩy nhanh đầu tư tuyến đường Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên là cần thiết để đảm bảo kết nối, đồng bộ các tuyến đường, tránh ùn tắc cục bộ, góp phần phát triển kinh tế xã hội khu vực.
Nhận 60 ha đất để làm dự án đường BT Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên chỉ dài 1,6 km nhưng nhiều năm vẫn trong tình trạng "treo". |
Thực hiện chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, ngày 13/2/2017, UBND TP Hà Nội đã có quyết định về việc phê duyệt đề xuất dự án. Theo nội dung tại quyết định này, UBND TP Hà Nội là cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền ký hợp đồng với nhà đầu tư. Dự án này được TP Hà Nội giao cho nhà đầu tư là Công ty CP Đầu tư phát triển Hạ tầng và Đô thị Vĩnh Hưng (gọi tắt Công ty Vĩnh Hưng), thực hiện theo hình thức hợp đồng BT.
Quy mô dự án có tổng chiều dài khoảng 1.650m, mặt cắt gang 40m-:-47,5m theo chỉ giới đường đỏ được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Điểm đầu tuyến giao với đường Minh Khai, điểm cuối tuyến giao với đường vành đai 2,5. Các hạng mục đầu tư gồm nền mặt đường, hè vỉa, thoát nước, cấp nước, hệ thống hào cáp kỹ thuật, chiếu sáng, cây xanh, hệ thống biển báo an toàn giao thông. Dự kiến tổng vốn đầu tư cho dự án BT này khoảng 1.574,2 tỷ đồng. Nguồn vốn chủ sở hữu nhà đầu tư và nguồn vốn huy động khác.
Bản vẽ dự án đường BT Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên. |
Cũng theo quyết định, nhà đầu tư được giao các khu đất gồm: Khu nhà ở Ao Mơ với tổng diện tích khoảng 22,9 ha đất, các ô đất thuộc dự án xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật khu di dân Tổ 24, 25 diện tích khoảng 11,29ha.
Đồng thời, Hà Nội cũng giao thêm 3 quỹ đất mà nhà đầu tư đề nghị bổ sung để đảm bảo cân đối giá trị dự án BT và quỹ đất đối ứng gồm: Dự án khu sinh thái Vĩnh Hưng diện tích 11,9ha; dự án Ao Cây Dừa có diện tích 0,52ha và dự án khu chức năng đô thị Vĩnh Hưng – Thanh Trì có diện tích khoảng 13ha.
Công ty Vĩnh Hưng được TP Hà Nội cho phép khai thác quỹ đất gần 60ha để kinh doanh, hoàn vốn. Các khu đất đối ứng cho nhà đầu tư đều được xem là "đất vàng" nằm tại các quận nội đô trung tâm như quận Hai Bà Trưng và chủ yếu là các phường của quận Hoàng Mai.
Dự án sẽ thực hiện từ quý 1/2016 đến tháng 6/2019, Công ty Vĩnh Hưng với tư cách nhà đầu tư chính sẽ có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan liên quan để tổ chức thực hiện dự án một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, hiện nay dù thời gian đã chuẩn bị chuyển sang giai đoạn cuối kết thúc dự án nhưng phía nhà đầu tư Công ty Vĩnh Hưng vẫn "dậm chân tại chỗ", tuyến đường vẫn là một mớ ngổn ngang.
Sau nhiều năm, tuyến đường BT nghìn tỷ vẫn đắp chiếu khiến nhiều người dân bức xúc. |
Theo ghi nhận của phóng viên, hiện nhiều đoạn nằm trong dự án vẫn bất động, trong đó đoạn giao với đường Lĩnh Nam (Hoàng Mai) đến đường Yên Duyên vẫn chưa thể thi công, công tác giải phóng mặt bằng vẫn bỏ ngang, làm ảnh hưởng đến việc lưu thông, qua lại của người dân. Thậm chí, tại một số đoạn đường đất nằm trong dự án còn xuất hiện tình trạng đổ rác thải, gây mất mỹ quan đô thị.
Đáng nói, các khu đất dự kiến đối ứng cho nhà đầu tư để thực hiện các hoạt động khai thác được xem là đất “vàng” giá “khủng” nằm tại các quận nội đô trung tâm TP Hà Nội. Theo người dân, một số khu đất đã được “cò” trung gian rao bán trong khi dự án vẫn chưa triển khai.
Trước sự chậm trễ triển khai dự án trên, người dân sống trong khu vực “dự án treo” hàng ngày sống thấp thỏm lo âu. Hạ tầng không được đầu tư do dính dự án treo, khiến đời sống và môi trường khu vực này thuộc hai phường Vĩnh Tuy và phường Minh Khai hết sức ngột ngạt.
Theo tìm hiểu của phóng viên, dự án tuyến đường Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên đã được UBND TP Hà Nội chỉ đạo triển khai đầu tư từ năm 2004, gắn với dự án xây dựng nhà ở Ao Mơ (bao gồm khu đô thị và một phần đoạn tuyến đường qua dự án khoảng 954,9m) và dự án xây dựng phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật dân cư tổ 24, 25 phường Vĩnh Tuy (đoạn đường qua dự án khoảng 292,2m).
Năm 2004, dự án đầu tư xây dựng khu Ao Mơ được thành phố giao cho Công ty đầu tư xây dựng phát triển nhà số 7 Hà Nội (Handico 7), thuộc Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (Handico) làm chủ đầu tư. Còn dự án xây dựng phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật dân cư tổ 24, 25 phường Vĩnh Tuy, năm 2005 TP Hà Nội giao Ban Quản lý dự án quận Hai Bà Trưng là chủ đầu tư.
Đến năm 2014, UBND TP Hà Nội đã có văn bản chấp thuận về nguyên tắc việc Handico 7 và Công ty CP xuất nhập khẩu Y tế Việt Nam (Vimedimex) liên doanh thành lập Công ty CP đầu tư phát triển hạ tầng và đô thị Vĩnh Hưng, để triển khai dự án xây dựng khu nhà ở Ao Mơ.
Đặc biệt, cũng theo tìm hiểu của phóng viên Tuổi trẻ và Pháp luật, trước và sau khi chính thức nhận quyết định phê duyệt đề xuất Dự án xây dựng tuyến đường Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên; Công ty Vĩnh Hưng đã dùng toàn bộ quyền tài sản phát sinh từ Dự án đầu tư xây dựng đồng bộ kỹ thuật, hạ tầng xã hội và nhà ở trên tuyến Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên (Khu dự án Ao Mơ) để đổi lại được khoản vay lớn từ ngân hàng TMCP Việt Á - chi nhánh Hà Nội.
Bên cạnh đó, Công ty Vĩnh Hưng cũng đã ''cầm cố'' ngân hàng toàn bộ quyền tài sản phát sinh từ Dự án đầu tư xây dựng phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật khu dân cư 24, 25 phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho Ngân hàng TMCP Việt Á.
Liên quan đến việc này, PV Tuổi trẻ và Pháp luật cũng đã liên hệ đặt lịch làm việc với Công ty Vĩnh Hưng nhưng nhiều ngày trôi qua vẫn chưa nhận được phản hồi.
Trước sự việc trên, dư luận đặt ra vấn về, việc Công ty Vĩnh Hưng sử dụng tài sản đảm bảo trên để thế chấp vay vốn, có đúng quy định về luật các tổ chức tín dụng hay không? và việc ngân hàng giải ngân cho vay vốn để thực hiện dự án nhưng đến nay vẫn "treo'' thì chủ đầu tư có đang sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích. Hơn nữa, dư luận cũng đang đặt ra hoài nghi về năng lực tài chính thực sự có vấn đề gì hay không mà tuyến đường chỉ dài 1,6 km nhưng nhiều năm nay vẫn còn dang dở (?!).