Hà Nội: Lên án những hành vi vi phạm pháp luật về giao thông
Thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Trung ương và thành phố về ATGT, Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, bổ sung; các văn bản pháp luật quy định về trật tự ATGT của trung ương và thành phố. Ban Tuyên giáo thành ủy Hà Nội đưa ra các biện pháp đảm bảo trật tự, mỹ quan đô thị và vệ sinh môi trường, xây dựng “nếp sống văn hóa giao thông” và “văn minh đô thị”, giữ gìn trật tự an toàn xã hội; tăng cường trật tự ATGT, đảm bảo đường thông, hè thoáng; quy tắc giao thông đường bộ, các quy định, chế tài cụ thể xử phạt vi phạm về trật tự ATGT, các hành vi vi phạm quy định về trật tự đô thị; tuyên truyền các quy định quản lý lòng đường, vỉa hè, bán hàng rong; xử phạt uống rượu bia đối với người lái xe; tốc độ lưu thông của phương tiện cơ giới đường bộ; đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện...
Trong đó, lên án những hành vi vi phạm pháp luật về giao thông là nguyên nhân chủ yếu gây tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông, phá hoại kết cấu công trình giao thông. Chú trọng tuyên truyền, giáo dục kỹ năng tham gia giao thông an toàn đối với đối tượng tham gia giao thông theo chủ đề Năm An toàn giao thông 2019: “An toàn giao thông cho hành khách và người đi mô tô, xe máy”; kết hợp tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ, hoạt động vận tải hành khách công cộng... nhằm khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng để giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường; chấp hành và thực hiện Luật Đường sắt.
Liên quan đến các chỉ tiêu, mục tiêu chủ yếu về giao thông của thành phố gồm: Nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông an toàn trong nhân dân, đặc biệt là thanh, thiếu niên. Phát triển và nâng cao sản lượng vận tải hành khách công cộng. Trong năm 2019 mở mới từ 15-20 tuyến buýt; đổi mới phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đảm bảo phương tiện thay mới đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 4 trở lên. Giảm ùn tắc giao thông, hạn chế phát sinh các điểm ùn tắc mới và không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút.
Tiếp tục kiềm chế, giảm từ 5% - 10% tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt so với năm 2018; giảm tối thiểu 5% tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng (trên cả 3 tiêu chí: số vụ, số người chết và số người bị thương) liên quan đến đường sắt, đường thủy nội địa, xe ô tô kinh doanh vận tải. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm về trật tự an toàn giao thông; kiểm tra, rà soát và xử lý hoạt động của "xe dù”, “bến cóc” phát sinh trên địa bàn quản lý theo quy định.
Tiếp tục thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dụng đời sống văn hóa", Cuộc vận động “Toàn dân giữ gìn trật tự an toàn giao thông”, chú trọng tuyên truyền, biểu dương gương người tốt - việc tốt, đi đôi với phê phán, lên án kịp thời các hành vi cố ý vi phạm, coi thường kỷ cương, pháp luật giao thông; đồng thời gắn kết chặt chẽ công tác tuyên truyền với các sự kiện chính trị trọng đại của Thủ đô và đất nước, nhằm khơi dậy niềm tự hào về truyền thống ngàn năm Thăng Long - Hà Nội và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.