Hà Nội: Hàng trăm giáo viên "kêu cứu" nếu phải thi viên chức

Dù đã nhiều năm gắn bó với ngành giáo dục, thậm chí không ít thầy cô đang chuẩn bị về hưu, thế nhưng những giáo viên hợp đồng tại huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội lại đang đứng trước nguy cơ mất nghề, bị ra khỏi ngành.
ha noi hang tram giao vien keu cuu neu phai thi vien chuc

Hàng trăm giáo viên “kêu cứu”

Nhiều ngày nay, các thày cô giáo tại huyện Sóc Sơn (TP Hà Nội) bàng hoàng khi nghe tin UBND TP Hà Nội chỉ đạo tổ chức thi viên chức. Bởi lẽ, trong 256 giáo viên sắp phải “đối mặt” với kỳ thi khắc nghiệt này, rất nhiều thầy cô đứng lớp trên 20 năm, thậm chí có người đã 30 năm gắn bó với ngành giáo dục và đang chuẩn bị về hưu.

Trong danh sách 256 giáo viên hợp đồng tại huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội, rất nhiều người đã gắn bó trên 20 năm với ngành giáo dục

Trong danh sách 256 giáo viên hợp đồng tại huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội, rất nhiều người đã gắn bó trên 20 năm với ngành giáo dục

Cũng theo các thầy cô, kế hoạch thi tuyển viên chức giáo dục năm 2019 do UBND TP Hà Nội ban hành, không có chế độ nào ưu tiên đối với giáo viên đã hợp đồng lâu năm.

Bên cạnh đó, quy chế thi không giới hạn về hộ khẩu, mọi thí sinh trên cả nước đều có quyền dự thi. Việc này đồng nghĩa với tỉ lệ cạnh tranh rất cao, cơ hội đỗ với các thầy cô rất mong manh.

Quá bức xúc, nhiều lá đơn đã được gửi tới các cơ quan chức năng nhưng hiện vẫn chưa được xem xét.

Thông báo của UBND huyện Sóc Sơn về kỳ thi viên chức năm 2019

Thông báo của UBND huyện Sóc Sơn về kỳ thi viên chức năm 2019

Dù UBND huyện Sóc Sơn khẳng định đã có văn bản đề xuất gửi UBND thành phố về việc xét tuyển đặc cách đối với giáo viên dạy hợp đồng từ 5 năm trở lên, tuy nhiên, mới đây ngày 14/3, UBND huyện lại gửi văn bản số 667/TB-UBND thông báo, các giáo viên hợp đồng vẫn phải đăng ký để dự thi tuyển viên chức. Điều đó có nghĩa, nhiều giáo viên trên dưới tuổi 50, thậm chí chỉ còn 2 năm nữa là nghỉ hưu, cũng sẽ phải bước vào cuộc thi đầy khốc liệt này.

Các thầy cô lo lắng cho rằng, kỳ thi tuyển viên chức này sẽ là không công bằng với họ vì đa số họ đều được đào tạo tiếng Pháp, tiếng Nga mà bây giờ lại thi tiếng Anh nên không thể cạnh tranh với thế hệ trẻ ngày nay được đào tạo tiếng Anh bài bản từ lớp 3 cho đến đại học.

Bày tỏ nỗi bức xúc, một cô giáo lên tiếng: “Chúng tôi đã cống hiến, vắt kiệt tuổi thanh xuân của mình cho nghề, dìu dắt bao thế hệ học trò thành đạt cho huyện nhà. Vậy mà giờ lại đối mặt với việc chuẩn bị đuổi khỏi ngành, chẳng biết đi đâu về đâu và làm gì để kiếm sống.”

UBND huyện nhận “sai”

Về vấn đề này, UBND huyện Sóc Sơn cho biết, việc tổ chức thi viên chức là chủ trương của UBND TP, UBND huyện không thể đáp ứng nguyện vọng được xét tuyển viên chức theo nguyện vọng của thầy cô.

Cụ thể, tại cuộc gặp ngày 22/3 với 256 giáo viên hợp đồng, UBND huyện Sóc Sơn đã tiếp nhận mong muốn được xét tuyển vào viên chức giáo dục không qua thi tuyển.

Đơn kiến nghị của các thầy cô gửi tới cơ quan chức năng, mong muốn được xét tuyển viên chức

Đơn kiến nghị của các thầy cô gửi tới cơ quan chức năng, mong muốn được xét tuyển viên chức

Tuy nhiên ông Lê Hữu Mạnh, Phó chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn cũng thẳng thắn giãi bày: "Việc này không thuộc thẩm quyền của chúng tôi. Chúng tôi đã có ý kiến với thành phố và đề nghị thành phố trả lời bằng văn bản. Hơn nữa theo Nghị định 161/2018 của Chính phủ thì không có xét tuyển.

Trước hết các đồng chí nộp hồ sơ thi, nếu thi không đỗ hoặc không thi thì cắt hợp đồng, vì theo luật viên chức không còn chế độ hợp đồng. Chúng tôi nhận sai vì trước đây chúng tôi không cắt hợp đồng các đồng chí”.

Số phận của hàng trăm giáo viên yêu nghề, cống hiến bao năm cho ngành giáo dục huyện, thành phố sắp được định đoạt bằng một kỳ thi. Trong khi đó, UBND huyện lại chỉ có thể đáp lời kêu cứu của các thầy cô bằng câu nhận sai. Liệu những lá đơn cùng nguyện vọng của 256 giáo viên huyện Sóc Sơn có được cơ quan chức năng giải quyết thấu tình đạt lý?

Doãn Hưng - Hà An
Phiên bản di động