Hà Nội giữ nguyên vị trí ga ngầm cách hồ Gươm 10m
Vị trí đặt ga ngầm C9 cách bờ hồ Gươm 10m. Ảnh minh họa: Ngọc Thành |
Lãnh đạo thành phố khẳng định phương án trên là "tối ưu nhất" vì ga nằm ở vị trí rộng nhất của bờ hồ, không gây lún và các tác động khác khi thi công xây dựng, vận hành khai thác. Bên cạnh đó, công trình phụ trợ và các cửa lên xuống được bố trí vào đất của Tổng Công ty điện lực, tránh giải phóng mặt bằng nhà dân; cửa lên xuống số 3 sẽ thay thế nhà vệ sinh công cộng hiện tại, cải thiện cảnh quan và bảo vệ môi trường khu di tích.
Phương án này đã được Hà Nội đưa ra 11 năm trước nhưng chưa được phê duyệt do vấp phải ý kiến phản đối của các bộ ngành liên quan cùng nhiều chuyên gia kiến trúc, quy hoạch.
Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch từng đề nghị tịnh tiến ga C9 về phía lòng đường Đinh Tiên Hoàng. Một số chuyên gia gợi ý Hà Nội bố trí ga tại các vị trí của Tổng Công ty Điện lực, Quảng trường Ngân hàng Nhà nước, Nhà hát Lớn... Cũng có ý kiến nên bố trí tuyến và ga chạy dọc đê sông Hồng.
Tuy nhiên, chính quyền thành phố cho rằng, các đề xuất đều không khả thi bởi nếu dịch chuyển ga C9 về phía lòng đường Đinh Tiên Hoàng hoặc bố trí ở vị trí khác thì tổng mặt bằng bao gồm thân ga, các cửa lên xuống, công trình phụ trợ và tuyến hầm 2 đầu ga sẽ phải thay đổi vị trí theo, dẫn đến các hậu quả như ảnh hưởng đến an toàn và kỹ thuật chạy tàu, cùng các hạng mục khác của di tích.
Ngoài ra, các phương án trên còn khiến tuyến đường hầm phải xuyên qua các khu vực dân cư có nhiều nhà cao tầng với móng cọc sâu, giải phóng mặt bằng nhiều nhà dân và cơ quan để xây dựng ga.
Dự án tuyến đường sắt đô thị số 2 được thành phố nghiên cứu từ năm 2008, đến năm 2016 Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho phép tiếp tục triển khai. Hiện tất cả các hạng mục tuyến và ga đã được phê duyệt quy hoạch tổng thể mặt bằng trừ ga ngầm C9.
Tuyến đường sắt đô thị số 2 (dài 11,5 km, trong đó 9 km ngầm) có điểm đầu tại Khu đô thị Nam Thăng Long (CIPUTRA) - Nguyễn Văn Huyên kéo dài - Hoàng Quốc Việt -Hoàng Hoa Thám - Thụy Khuê - Phan Đình Phùng - Hàng Giấy - Hàng Đường - Hàng Ngang - Hàng Đào - Đinh Tiên Hoàng - Hàng Bài và kết thúc trên Phố Huế (ngã tư giao với đường Nguyễn Du). Tổng đầu tư của dự án điều chỉnh là 34.678 tỷ đồng, sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước. Khu di tích lịch sử và danh làm thắng cảnh hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt năm 2013. Trung bình mỗi ngày gần 20.000 khách du lịch và người dân đến tham quan. |