Hà Nội: Đẩy mạnh đầu tư xây dựng trường học
Nhân rộng mô hình điểm “Lớp học thông minh” ở Tây Hồ Nhiều trường học tại quận Hà Đông vi phạm phòng cháy chữa cháy Dồn sức hỗ trợ trường học vùng ngập lụt ở huyện Chương Mỹ |
151 dự án đầu tư xây dựng trường học
Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội về tình hình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông công lập, tính đến tháng 7/2024, tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia toàn thành phố đạt 79,6% (1.789/2.251 trường). Mỗi xã, phường, thị trấn có trường công lập theo tiêu chí: 11 trường mầm non, 1 trường tiểu học, 1 trường THCS, đảm bảo 3-5 vạn dân có 1 trường THPT, đáp ứng chỉ tiêu tối thiểu tại Nghị quyết số 05/NQ-HĐND ngày 5/4/2012 của HĐND Thành phố và Quy hoạch mạng lưới trường học TP Hà Nội tại Quyết định số 3075/QĐ-UBND ngày 12/7/2012 của UBND TP Hà Nội.
Cơ sở Marie Curie - Long Biên nằm trong Khu đô thị Việt Hưng (quận Long Biên, TP. Hà Nội) vừa được đưa vào vận hành |
Về tình hình các dự án, trên địa bàn thành phố có 151 dự án đầu tư xây dựng trường học nguồn vốn ngoài ngân sách (vốn đầu tư trong nước) được cấp giấy chứng nhận đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư, cho phép thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 14.000 tỷ đồng. Trong đó, 62 dự án đã hoàn thành xây dựng công trình, đưa vào khai thác sử dụng; 89 dự án đang triển khai.
Ngoài ra, thành phố có khoảng 67 dự án đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục nghề nghiệp (vốn đầu tư trong nước) được cấp giấy chứng nhận đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư, cho phép thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 10.684 tỷ đồng. Trong đó: 8 dự án đã hoàn thành xây dựng công trình, đưa vào khai thác sử dụng; 50 dự án đang triển khai; 5 dự án mới có chủ trương đầu tư; 4 dự án chấm dứt hoạt động.
Tập trung tháo gỡ vướng mắc
Báo cáo của UBND TP Hà Nội cho thấy, đến thời điểm này, thành phố Hà Nội có tổng số 2.913 trường mầm non, phổ thông các cấp (tăng 39 trường mầm non và phổ thông so với cùng kỳ năm trước) với gần 2,3 triệu học sinh và gần 130.000 giáo viên; 1 trường bồi dưỡng cán bộ giáo dục; 29 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên. Tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia toàn TP đạt gần 80%. Thành phố Hà Nội cũng đã công nhận được 23 trường chất lượng cao.
Theo Tiến sĩ Trần Thế Cương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, hiện TP đang triển khai công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng 7 trường liên cấp tiên tiến, hiện đại có diện tích 5ha trở lên.
Dù vậy, trên thực tế, đến nay, trên địa bàn thành phố vẫn còn thiếu trường công lập, nguyên do là chưa được đầu tư xây dựng theo quy hoạch được duyệt hoặc thiếu đất để xây dựng trường (chủ yếu tập trung tại các quận nội thành); các quỹ đất mới, đất trống để bổ sung trên địa bàn không còn. Thêm nữa, một số xã, phường nằm trong khu vực hành lang thoát lũ, việc xây mới, sửa chữa, cải tạo trường học gặp rất nhiều khó khăn do vướng Luật Đê điều.
Tiến sĩ Trần Thế Cương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đối thoại với doanh nghiệp hoạt động, đầu tư trong lĩnh vực giáo dục. |
Ngoài ra, việc tiếp cận quỹ đất sạch để xây dựng trường học tư thục đối với các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực giáo dục còn gặp nhiều khó khăn. Khi giao đất để xây dựng trường học cho các doanh nghiệp thường được quy hoạch chỉ một cấp học (Mầm non, Tiểu học, THCS hoặc THPT), nhưng trên thực tế hoạt động, hiện nay các doanh nghiệp thường muốn phát triển các trường tư thục có nhiều cấp học liên thông. Việc bổ sung cấp thêm học vào các ô đất đã được giao của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do liên quan đến thực hiện thủ tục điều chỉnh quy hoạch, cần xin ý kiến nhiều Sở, ngành.
Mới đây, tại Hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các doanh nghiệp đầu tư, hoạt động trong lĩnh vực văn hóa-xã hội năm 2024 do UBND thành phố Hà Nội tổ chức, nhiều doanh nghiệp, tổ chức đầu tư, hoạt động trong lĩnh vực giáo dục đã nêu ra những khó khăn, vướng mắc để được lãnh đạo thành phố, các sở, ngành chức năng của Hà Nội trao đổi, giải đáp, tháo gỡ.
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, Luật Thủ đô năm 2024 đã được thông qua, trong đó có nhiều quy định sẽ "mở đường" cho lĩnh vực giáo dục, tạo ra những thay đổi căn bản hơn. Thành phố giao các sở, ngành liên quan phân loại các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; trong đó, những vấn đề thuộc thẩm quyền thì giải quyết sớm, những vấn đề vượt thẩm quyền thì sớm kiến nghị Trung ương để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động.
Chủ trương nhất quán của TP là đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng giáo dục, bao gồm xây dựng và nâng cấp các trường học từ mẫu giáo đến đại học. Thành phố Hà Nội đang nỗ lực, tiếp tục đẩy mạnh phân cấp quản lý và đầu tư xây dựng trường học cho UBND cấp huyện, từ đó tạo điều kiện, đẩy nhanh tiến độ giải quyết các dự án một cách nhanh nhất.