Hà Nội: Các trường học sẵn sàng cho năm học mới 2023 - 2024
Nâng cao chất lượng giáo dục
Năm học 2023-2024, quy mô giáo dục của Hà Nội tiếp tục phát triển. Thành phố hiện có 2.840 trường mầm non, phổ thông với gần 2,2 triệu học sinh và gần 123.000 giáo viên. Tính đến tháng 6/2023, toàn thành phố có 72,4% số trường công lập đạt chuẩn quốc gia.
Đây cũng là năm học thứ hai, thành phố thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với cấp trung học phổ thông, năm học trước các trường đã thực hiện tốt theo đúng hướng dẫn, trong đó có việc tổ chức cho học sinh lựa chọn tổ hợp môn học.
Không gian đọc sách mới của học sinh trường THCS Nguyễn Du, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội |
Đến thời điểm này, trường THCS Nguyễn Du (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã hoàn tất công tác chuẩn bị cho lễ khai giảng năm học mới 2023 - 2024 theo đúng tinh thần chỉ đạo của ngành Giáo dục: Trang trọng, lấy học sinh làm trung tâm, không nặng nề, phô trương.
Trong đó, phần lễ diễn ra trong đúng 60 phút với các hoạt động như: Đọc thư Chúc mừng năm học mới của Chủ tịch nước, đánh trống khai trường, khen thưởng học sinh có thành tích xuất sắc… Sau đó, các em học sinh sẽ được tham gia các hoạt động kết nối, khởi động cho năm học mới như trò chơi kéo co, Random Dance Kpop.
Về mục tiêu kế hoạch năm học 2023-2024, trường THCS Nguyễn Du xác định tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn. Đồng thời chú trọng đầu tư vào việc giáo dục, trang bị về kỹ năng sống, công tác giáo dục hướng nghiệp cho học sinh.
Cô Nguyễn Thị Lý - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường đã tập trung chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị nhằm đáp ứng những yêu cầu của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và đẩy mạnh dạy học trải nghiệm, thực hành cho học sinh.
Đáng chú ý, nhà trường đã xây dựng chương trình giáo dục phù hợp với đặc thù của trường chất lượng cao, bao gồm các chương trình: Chương trình chính khóa, chương trình bổ sung nâng cao, chương trình Ngoại ngữ 2, chương trình trải nghiệm, chương trình giáo dục kỹ năng sống.
Các em học sinh được trang bị kỹ năng sống dịp hè |
Bên cạnh đó, trường tập trung bồi dưỡng đào tạo chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên, chăm sóc sức khỏe tinh thần nhằm tạo động lực nuôi dưỡng đam mê, trách nhiệm của các nhà giáo trong công việc; Tổ chức sự kiện chào đón học sinh lớp 6 nhằm tạo tinh thần phấn khởi cho các em học sinh đầu cấp…
Đầu tư mạnh mẽ cho cơ sở vật chất
Bên cạnh những chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, công tác chuyên môn, nhiều trường học trên địa bàn Hà Nội cũng đang còn gặp phải những khó khăn nhất định như có trường phát triển nhanh do dân số trong tuyến tuyển sinh gia tăng cơ học cao dẫn đến nguy cơ thiếu phòng học. Một số môn học như: Tin học, Lịch sử, Địa lý, Mĩ thuật còn thiếu giáo viên.
Hiện Hà Nội có gần 124.500 giáo viên, tăng hơn 1.500 giáo viên so với năm học trước, với 2.840 trường học, trên 66.000 phòng học, tăng 846 phòng học so với năm học trước.
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, vừa qua, thành phố Hà Nội đã thông qua nghị quyết về việc giao chỉ tiêu lao động hợp đồng đối với đơn vị sự nghiệp thuộc lĩnh vực giáo dục và y tế năm 2023, trong đó bổ sung cho ngành giáo dục 3.112 chỉ tiêu giáo viên hợp đồng. Sở cũng vừa tổ chức tuyển dụng hơn 600 giáo viên các trường trực thuộc.
Bên cạnh đó, Sở cũng đề xuất các cấp lãnh đạo xem xét, cho phép Hà Nội nâng tầng các trường học khu vực nội thành. Ngoài ra, thành phố cũng đang nỗ lực tạo sự thông thoáng về thủ tục để khích lệ các đơn vị đầu tư mở trường, lớp ngoài công lập.
Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, thành phố có gần 500 trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đã, đang và sẽ được cải tạo, cơi nới để đáp ứng nhu cầu dạy và học.
Phòng học Âm nhạc của học sinh trường THCS Nguyễn Du |
Từ nay đến năm 2025, Sở cũng đề xuất cải tạo và sửa chữa khoảng 120 trường Trung học phổ thông, xây thêm 16 trường trong đó có 7 trường liên cấp với tổng mức đầu tư hơn 8.800 tỷ đồng.
Tăng cường thanh, kiểm tra việc thu - chi đầu năm học
Những khoản thu đầu năm học mới luôn là vấn đề được quan tâm. Trước thềm năm học mới, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội đã có chỉ đạo đối với trường học công lập, bảo đảm công khai, minh bạch, thu đúng, thu đủ và tuyệt đối không được lạm thu. Các lớp không được lợi dụng danh nghĩa cha mẹ học sinh để thu các khoản ngoài quy định.
Sở cũng lưu ý các trường không giao cho giáo viên trực tiếp thu chi tiền. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về các khoản thu sai quy định.
Sở cũng sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thu - chi đầu năm học và công bố số điện thoại đường dây nóng để phụ huynh học sinh kịp thời phản ánh vấn đề liên quan.
Sở GD&ĐT Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị rà soát cơ sở vật chất trường, lớp, trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi; Bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tối thiểu theo danh mục quy định của Bộ GD&ĐT, sách giáo khoa cho học sinh, đáp ứng nhu cầu dạy và học, đặc biệt là đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11 theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Các trường học, cơ sở giáo dục cần thông tin rộng rãi đến học sinh và cha, mẹ học sinh về biên chế lớp học, kế hoạch dạy học trong năm học và các chương trình giáo dục của nhà trường; Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu cho học sinh, cha, mẹ học sinh tìm hiểu về truyền thống và các hoạt động của nhà trường, nhất là đối với học sinh đầu cấp học; Phổ biến nội quy, quy định của nhà trường; Tăng cường công tác phối hợp giữa nhà trường - gia đình - xã hội trong việc giáo dục học sinh.
Giáo viên và học sinh trường Tiểu học Thanh Am, quận Long Biên, Hà Nội |
Hà Nội cũng yêu cầu các trường không bắt buộc học sinh phải mua đồng phục mới, học sinh cần mặc sạch sẽ, gọn gàng để khuyến khích tiết kiệm và tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Đồng phục nhà trường phải thiết kế giản dị, kiểu dáng phù hợp lứa tuổi học sinh và văn hóa của địa phương, được Hội đồng nhà trường, cha mẹ học sinh đồng thuận.
Nhà trường có thể cung cấp mẫu (kiểu dáng, màu sắc, logo...) để phụ huynh chủ động mua sắm cho học sinh. Đặc biệt, các trường không để một học sinh nào vì chưa có đồng phục mới mà không được vào trường học.
Về công tác bảo đảm an ninh, an toàn để chuẩn bị đón năm học mới, với các trường có tổ chức đưa đón học sinh bằng xe ô tô, cần lưu ý các giải pháp đảm bảo an toàn trong việc đưa đón học sinh.
Đối với vấn đề bán trú, Sở yêu cầu các nhà trường có bếp ăn tập thể phải bảo đảm đủ các điều kiện an toàn thực phẩm, tiến hành tổng vệ sinh bếp ăn trước khi tổ chức phục vụ học sinh, giáo viên, không để xảy ra sự cố...