Hà Nam tập trung khai thác tiềm năng phát triển du lịch
Người Mỹ đột nhiên quan tâm tới đảo Greenland Quảng Nam: Có thêm một dự án du lịch đẳng cấp tại phường Điện Ngọc |
Khu Thủy đình, một hạng mục của Khu du lịch Tam Chúc. |
Tam Chúc là một trong những khu du lịch trọng điểm quốc gia với nhiều nội dung đang được đầu tư xây dựng như: khu du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, thể thao, nghỉ dưỡng… và kết nối với các điểm đến trong vùng như chùa Hương (Hà Nội), Bái Đính (Ninh Bình)… tạo thành tuyến du lịch quan trọng của đất nước.
Đánh thức tiềm năng
Khu du lịch Tam Chúc (thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng) được đánh giá là vùng đất địa linh bởi thế lưng tựa vào núi, mặt trông ra hồ. Tam Chúc có không gian rộng, kiến trúc độc đáo với nhiều điểm nhấn về quy mô, kiến trúc, nghệ thuật chế tác hòa quyện với cảnh quan sơn thủy hữu tình… Nơi đây đã tạo được những ấn tượng, điểm nhấn thu hút khách du lịch. Những năm qua, Tam Chúc đang được đầu tư phát triển du lịch với mục tiêu xây dựng Tam Chúc là khu du lịch trọng điểm quốc gia và hướng tới trở thành Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.
Cách đây khoảng 10 năm, khu vực Tam Chúc - Ba Sao được biết đến là vùng núi đá vôi ngập nước còn rất hoang sơ, hẻo lánh với nhiều khu đầm lầy thụt… khiến nhiều người tỏ ra ái ngại khi đến nơi đây. Bà Trần Thị Lan, một người dân của thị trấn Ba Sao chia sẻ: Trước đây nhắc đến vùng Tam Chúc - Ba Sao này, nhiều người nghĩ ngay đến sự hẻo lánh, xa xôi, cách trở với những con dốc cao: Suối Ngang, Ba Chồm, Bòng Bong, rồi những khu vực sình lầy quanh năm. Người dân nơi đây chỉ cấy được một vụ lúa… Nay, nhiều người trở lại Tam Chúc đã không khỏi ngỡ ngàng với những tên gọi địa danh mới: "Thị trấn miền sơn cước", "Vùng trọng điểm du lịch quốc gia". Khi có vùng du lịch trọng điểm quốc gia rồi, ý thức về bảo vệ môi trường và giữ gìn môi trường sinh thái của mỗi người dân nơi đây cũng được nâng lên.
Tạo hóa đã cho Hà Nam một Tam Chúc nhiều tiềm năng du lịch, song quan điểm của lãnh đạo tỉnh là phát triển khu du lịch Tam Chúc một cách bền vững. Cụ thể như điểm nhấn nơi đây là chùa Tam Chúc. Với thế lưng dựa vào núi, mặt nhìn ra hồ nước, ngôi chùa được đánh giá là ở vị trí phong thủy rất đặc biệt - "tiền lục nhạc, hậu thất tinh". Trong đó, mặt bằng xây dựng chùa rộng 44 ha bao gồm các hạng mục như: điện Tam Thế, điện Pháp Chủ, điện Quan Âm, cổng Tam Quan, Phòng họp quốc tế, các tòa tháp. Không gian cao rộng trong chùa mang lại cảm giác rất trang nghiêm và thiêng liêng cho du khách. Ngay giữa chính điện là ba pho tượng Phật Tam Thế (quá khứ - hiện tại - tương lai) khổng lồ. Hồ nước ngọt phía trước chùa là một trong những hồ nước tự nhiên rộng nhất Việt Nam, với dãy núi đá vôi bao bọc quanh lòng hồ. Nhìn ra giữa lòng hồ phía trước chùa có sáu quả núi nhỏ (tiền lục nhạc) nhô lên, in hình bóng nước. Dân gian lưu truyền sự tích về sáu quả núi gọi là "lục nhạc", biểu trưng cho địa thế đẹp của vùng địa linh sơn thủy hữu tình, có hồ, có núi. "Hậu thất tinh", nghĩa là đằng sau chùa có bảy ngọn núi có thể phát sáng khi có ánh trăng về ban đêm. Cùng với đó là một làng Việt cổ được xây dựng và bảo tồn ngay trên không gian của lòng hồ như mái đình cổ, chùa cổ để nhân dân và du khách đến và cảm nhận được cảnh sinh hoạt truyền thống của một vùng nông thôn Bắc Bộ xưa. Khu du lịch Tam Chúc rộng hơn 5.000 ha, nhưng chỉ có 2.242 ha là khu du lịch dịch vụ sinh thái, toàn bộ diện tích còn lại được bảo tồn, trong đó có rừng phòng hộ, rừng nguyên sinh, khu núi đá, đàn Voọc mông trắng… Những khu vực khai thác, chế biến khoáng sản không phù hợp sẽ được di chuyển bảo đảm mục tiêu môi trường, phát triển sinh thái, gìn giữ cảnh quan tự nhiên.
Ấn tượng từ kỳ Đại lễ Vesak
Được sự chấp thuận của Ban Bí thư T.Ư Đảng và Thủ tướng Chính phủ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Ủy ban quốc tế tổ chức Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc - Vesak 2019 được tổ chức thành công tốt đẹp tại khu du lịch tâm linh chùa Tam Chúc. Với sự tham dự của hơn 3.000 đại biểu chính thức, trong đó có 570 đoàn quốc tế, tám đoàn nghệ thuật quốc tế với 1.650 đại biểu đến từ 112 quốc gia và vùng lãnh thổ cùng hàng nghìn du khách thập phương trong nước và quốc tế. Đây cũng là kỳ đại lễ có sự tham dự nhiều nhất các nguyên thủ Quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có rất nhiều đại biểu đến từ đất nước Phật giáo Ấn Độ. Khi tham dự Đại lễ Vesak tại chùa Tam Chúc, nhiều đại biểu đến từ Ấn Độ chia sẻ: "Trước đây, Việt Nam chưa phải là một điểm du lịch yêu thích của người dân Ấn Độ so với các nước như: Nhật Bản, Mi-an-ma, Thái-lan,… nhưng chắc chắn rằng, qua việc tổ chức thành công Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc - Vesak 2019 sẽ có nhiều người dân Ấn Độ biết đến đất nước Việt Nam nhiều hơn và sẽ chọn Việt Nam là điểm đến trong hành trình khám phá du lịch tâm linh".
Từ việc tổ chức thành công sự kiện quốc tế này, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam tiếp tục được quảng bá rộng rãi, tăng cường du lịch góp phần phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Đây cũng là dịp để Việt Nam vận động UNESCO công nhận quần thể danh thắng Hương Sơn (Hà Nội), Tam Chúc (Hà Nam), Đồng Tâm (Hòa Bình), Vân Long (Ninh Bình) là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.
Xây dựng thương hiệu mang tầm quốc tế
Trên cơ sở những gì đã và đang làm để phát triển du lịch, theo tinh thần Nghị quyết số 08/NQ-TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Hà Nam đã và đang cụ thể hóa Nghị quyết số 07 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa 19 về đẩy mạnh phát triển du lịch tỉnh Hà Nam giai đoạn 2015 - 2020, hướng đến mục tiêu: phát triển du lịch tỉnh Hà Nam phù hợp Chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam; quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng; quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Hà Nam đã tập trung xây dựng, phát triển khu du lịch Tam Chúc với các mục tiêu cụ thể: Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án khu du lịch Tam Chúc để phấn đấu đến năm 2020 đón 1,8 triệu lượt khách, đưa tổng số khách du lịch trên địa bàn đạt 2,5 triệu lượt người/năm, doanh thu từ du lịch tăng bình quân từ 20-25% năm. Đến năm 2025, tổng số du khách du lịch đến Hà Nam đạt 5 triệu lượt người/năm.
Toàn cảnh Khu du lịch Tam Chúc. |
Vậy, làm thế nào để phát huy các tiềm năng du lịch, tăng sức hấp dẫn các sản phẩm du lịch sẵn có để thu hút khách vẫn là sự trăn trở của những người làm du lịch Hà Nam. Về vấn đề này, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Nam Lê Xuân Huy cho biết: Thời gian tới, Hà Nam tiếp tục khai thác hiệu quả những thắng cảnh mà thiên nhiên ưu đãi, cùng với xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng mang dấu ấn địa phương, tăng cường liên kết hợp tác, đẩy mạnh công tác truyền thông quảng bá… Vì vậy, phát triển du lịch được tỉnh Hà Nam xác định là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội, gắn với phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân và phát triển con người. Phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, bền vững, có trọng tâm, trọng điểm trên cơ sở phù hợp tiềm năng, thế mạnh của từng vùng.
Để sớm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng và phấn đấu đến năm 2023 đưa Quần thể Khu du lịch Tam Chúc thành Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, Hà Nam đang tập trung triển khai xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế để kết nối với các vùng, các địa phương, đặc biệt là Hà Nội, Ninh Bình, Hòa Bình theo đúng tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch bền vững. Cùng với đó, tỉnh Hà Nam cũng dừng các mỏ đá đang khai thác nằm trong vùng quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Tam Chúc, để bảo vệ môi sinh, môi trường đáp ứng cho Quần thể Tam Chúc thành Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, bảo đảm môi trường sinh thái của tỉnh./.