GS Ngô Bảo Châu đặt câu hỏi "Lần cuối bạn trồng cây là khi nào?"
Nhiều giải pháp sáng tạo trong ứng phó với biến đổi khí hậu Năm 2050, thành phố ven biển sẽ hứng chịu 'thảm họa thế kỷ' Khi biến đổi khí hậu đe dọa nền hòa bình trên toàn thế giới |
Ảnh minh họa |
Dưới đây là toàn văn bài viết của GS Ngô Bảo Châu đang 'tạo sóng' trên mạng xã hội:
"Tôi đã gần 50 tuổi, chủ yếu sống xa Việt Nam gần 30 năm nay. Tôi cảm nhận được rõ 30 năm là như thế nào. Đó chỉ là lâu hơn ngày mai, tuần tới, tháng sau, năm sau một chút. Nó luôn xảy ra sớm hơn ta nghĩ. Khi nó xảy ra rồi thì ta chỉ còn cách tự hỏi ta đã làm gì với 30 năm.
Khi con tôi nói với tôi rằng nó sẽ không có con vì tương lai sẽ rất tồi tệ, tôi đã nghĩ rằng trong con mắt của trẻ vị thành niên, cuộc sống luôn có mầu bi kịch. Bây giờ tôi không nghĩ như thế nữa. Phải bịt tai, bịt mắt lại mới không nhận thấy khí hậu đang thay đổi, thiên nhiên đang thay đổi. Môi trường cho cuộc sống duy trì và nảy nở đang thay đổi. Và theo chiều hướng không tốt cho cuộc sống.
Cái viễn cảnh 30 năm toàn bộ các tỉnh miền tây nơi 20 triệu người đang sinh sống sẽ ngập dưới nước biển có làm cho ta thức tỉnh không? Đấy không chỉ là nội dung cua một bài báo trên Nature mà là cái chúng ta nhìn thấy hàng ngày với nạn sụt lở ngày một trầm trọng ở đồng bằng sông Cửu Long.
Đã đến lúc hay chưa đặt yêu cầu môi trường lên như một trong những ưu tiên như một trong những ưu tiên cao nhất: ưu tiên như để dành tiền để phòng xa chuyện sức khoẻ cho ngươi thân, cho con cái đi học, có nhà cửa xe cộ tiện nghi, ưu tiên như có bảng cân đối kinh doanh ở chỗ làm, có tiền hàng tháng chảy vào tài khoản?
Đã đến lúc hay chưa điểm lại hành vi của chúng ta trong cuộc sống hàng ngày: túi nilon, ống hút nhựa có cần cho cuộc sống của chúng ta hay không, chúng ta có cần nhiều quần ái giầy dép đến mức đấy hay không, chúng ta có cần tiêu thụ lượng thực phẩm có nguồn gốc động vật lớn như hiện nay hay không. Tôi đã biết một cuộc sống không có túi nilon, ống hút nhựa, mỗi năm may ra có được một cái áo mới, một tháng được phân phối ba lạng thịt. Tôi không muốn quay lại cuộc sông đó nhưng tôi hiểu rằng đa số những tiện nghi mà tôi được hưởng là không cần thiết đề duy trì cuộc sống của tôi và tôi cần sẵn sàng buông bỏ nếu cái giá cho tiện nghi của tôi chính là cuộc sống của thế hệ tương lai.
Đã đến lúc hay chưa điểm lại xem trong cuộc sống xã hội bao nhiêu phần thời gian và năng lượng chúng ta dành cho môi trường? Liệu có nên dành ít nhất 5% thời gian xã hội cho việc giữ gìn môi trường chung hay không. Bạn đã bao giờ có can đảm nhắc nhở một người không quen vừa xả rác vô ý thức hay chưa.
Lần cuối cùng bạn trồng cây là khi nào?
Đã đến lúc hay chưa nhà nước, chính phủ phải đánh giá mức độ ảnh hưởng môi trường của các chính sách do mình đưa ra? Ví dụ như tăng trưởng nhiệt điện từ 10% trước 2010 đến 45% của tổng sản lượng điện có đúng không, có ảnh hưởng môi trường đến mức độ nào?
Nhà nước, chính phủ đã có chiến lược dài hạn đối phó với tình hình nước biển dâng, nước ngọt cạn ở đồng bằng sông Cửu Long hay chưa?"
Trước đó, trên facebook cá nhân đã được chứng thực tích xanh, GS Ngô Bảo Châu đã nhiều lần lên tiếng về biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Các bài viết này đều thu hút lượng like cũng như lượt chia sẻ lớn.
Là một nhà khoa học có uy tín, được nhiều người biết đến sau giải thưởng Toán học Fields, việc GS Ngô Bảo Châu lên tiếng về biến đổi khí hậu sẽ giúp nhận thức xã hội về chủ đề này được nâng cao nhanh chóng. Từ đó, kéo theo các hành động thích hợp nhằm làm chậm quá trình biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.
Ngay dưới bài viết, hàng loạt comment của bạn bè, người theo dõi GS Bảo Châu cũng cho thấy những hành động tích cực này.
Bạn Quang Nguyen Van viết: "Bài viết của GS. Chau Ngo thật là xúc động và thuyết phục. Gần đây, nhà nước và một số tổ chức, đoàn thể cũng đã có nhiều hoạt động nhằm bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động xấu của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, khi mà một tạp chí khoa học hàng đầu như Nature cảnh báo rằng chỉ 30 năm nửa, toàn bộ miền tây Nam bộ sẽ bị ngập mặn thì tình hình đã rất cấp bách rồi. Cần làm nhiều hơn nữa. Nếu chúng ta hạn chế mua sắm đi một tí, hạn chế ăn thịt đi một tí, thì vừa tiết kiệm được tiền bạc của bản thân, lại vừa góp phần dịch chuyển một phần nguồn lực của xã hội từ sản xuất hàng tiêu dùng và thực phẩm sang bảo vệ môi trường. Bản thân tôi gần đây, khi đi mua sắm một vì thứ hàng tiêu dùng lặt vặt, đã từ chối không nhận túi nilon bao gói, mà cầm tay hoặc cho hẳn hàng vào túi xách. Trước đây, tôi toàn đi ôtô riêng đến cơ quan, nay thỉnh thoảng cũng đi xe đạp, vừa tiết kiệm tiền xăng, lại vừa góp phần bảo vệ môi trường!"
Bạn Dương Thị Thanh Nhàn hưởng ứng ngay: "Ngày mai em sẽ trồng một cây xanh, chắc chắn vậy".
Hiện tại, bài viết của GS Ngô Bảo Châu tiếp tục được like và chia sẻ rộng rãi.