Gọi tên ngôn ngữ Gen-Z "viral" trong năm 2023
Giới trẻ Hà Nội thích thú xuống phố giữa mùa đông giá lạnh Để giải tỏa căng thẳng, Gen Z đang ưu tiên gì nhất trong công việc? Gen Z biến “đam mê” thành nguồn thu nhập khủng |
"Lần đầu tiên, trái thanh long..."
Từ một quảng cáo sản phẩm mỳ tôm thanh long với bài nhạc nền có phần lạc quẻ và lỗi thời, trái thanh long chỉ sau một đêm đã “càn quét” các nền tảng mạng xã hội. Các Gen Z, thậm chí cả các ông bố, bà mẹ bỉm sữa 8x đua nhau share đoạn quảng cáo mỳ tôm thanh long với những dòng trạng thái chung câu hỏi “Cái gì thế này? Tôi là đâu? Đây là ai?”.
Chỉ sau một đêm, cơn sốt "trái thanh long" đổ bộ các nền tảng mạng xã hội. |
Bài hát của đoạn quảng cáo mở đầu với ca từ “Lần đầu tiên, trái thanh long có trong mỳ tôm...” và kể từ sau khi xem xong, bài hát đó sẽ vô thức kẹt lại trong tâm trí hội Gen Z. Bằng một “thế lực” thần bí nào đó, giới trẻ lại vô thức lẩm bẩm theo lời hát và muốn xem lại quảng cáo đó. Lượt share cứ tăng lên chóng mặt, giới trẻ dù có “vắt óc” ra suy nghĩ cũng không hiểu tâm hồn nghệ thuật nào đã cho ra một nhạc phẩm “ám ảnh” bao con người tới vậy.
Sự "ám ảnh" khó tả của cặp linh vật thanh long cùng bài hát "Lần đầu tiên, trái thanh long có trong mỳ tôm" |
Cộng đồng mạng đã sao chép bài hát quảng cáo và chuyển thể thành vô số phiên bản đa dạng như “Mỳ thanh long bản Bolero”, “Mỳ thanh long nhạc ru ngủ”,... Đi đâu cũng thấy mỳ thanh long, lướt mạng xã hội chỉ thấy mỳ thanh long, một số Gen Z đã “phát hoảng” vì sự ám ảnh của trào lưu “trái thanh long” trên mọi “mặt trận” thông tin. Đến nay, “trái thanh long” đã nhường chỗ cho những trends mới, nhưng đôi khi văng vẳng trong không gian đông người, vẫn có Gen Z nào đó đã cài nhạc chuông “Lần đầu tiên, trái thanh long có trong mỳ tôm....”
"Đúng nhận sai cãi"
Trào lưu "Đúng nhận sai cãi" xuất phát từ cụm từ cửa miệng của cô đồng online T.H (xã Kinh Môn, Hải Dương). “Đúng nhận sai cãi” là câu nói iconic (mang tính biểu tượng) của cô đồng này mỗi khi “phán” xong gia cảnh, quá khứ khách hàng. Cô T.H luôn yêu cầu khách phản hồi đúng thì xác nhận, sai thì có ý kiến với cô ngay. Chỉ mới 2 tháng sau khi đăng clip đầu tiên, tài khoản TikTok của người này hiện có hơn 150.000 lượt theo dõi.
Cô đồng ở Hải Dương rầm rộ Tiktok tạo trend "đúng nhận, sai cãi" |
Những clip xem bói của người phụ nữ này đã trở nên phổ biến trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Tiktok... trong suốt khoảng thời gian đầu năm 2023. Nội dung được chia sẻ rầm rộ và câu nói “đúng nhận sai cãi” với ngữ khí dứt khoát, tự tin lập tức được nhiều cư dân mạng nhại lại đầy hài hước. Vô số clip từ bổ xoài, bổ dừa, thậm chí cả trứng gà,... cũng được giới trẻ “ứng dụng” sự khẳng định chắc nịch, uy tín từ câu nói “đúng nhận sai cãi”. Sau một thời gian, cô đồng T.H đã bị các cơ quan chức năng yêu cầu triệu tập làm việc, trào lưu này cũng dần “lặn” sau đó.
Rất nhiều bạn trẻ đã "nhập vai" cô đồng T.H và đập trứng, gọt lê theo trào lưu. |
"Ăn nói xà lơ"
Đây là một cụm từ xuất phát từ livestream bán hàng của một bà mẹ và cô con gái nhỏ, “ăn nói xà lơ” có nghĩa ăn nói lung tung, thiếu kiểm soát ngôn từ. Sau khi giới thiệu sản phẩm, bà mẹ đã đi ra phía sau để lấy thêm hàng, cô con gái nhanh nhảu đã “bổ sung” chào bán sản phẩm bằng từ ngữ có hơi thiếu tế nhị. Nhận ra con gái yêu vừa “báo” mình, bà mẹ đã hốt hoảng “chữa cháy”, mắng con với giọng ngại ngùng: “Trời ơi, sao con ăn nói xà lơ vậy?”
Hình ảnh cắt ra từ livestream bán hàng của chị chủ shop cùng cô con gái "đáo để" phụ họa phía sau |
Từ một câu nói bình thường mà các bậc phụ huynh miền Trung, Nam dạy bảo con trẻ, chính tình huống có phần “éo le” trên sóng online và phản ứng “chữa cháy” gượng gạo của bà chủ shop đã khiến giới trẻ “rần rần”. Đa số bình luận để lại là "Trời ơi, mẹ cứu không nổi pha này", "Đẻ con gái cho thùy mị nết na" hay "Rồi xong, tắt livestream là no đòn với mẹ". Cụm từ "ăn nói xà lơ" đã trở thành câu "cửa miệng" của nhiều bạn trẻ trong nhiều tình huống vô tình hóa thân thành "chúa tể ngôn ngữ, bà hoàng ăn nói,..." Trong suốt một khoảng thời gian, câu nói này đã xuất hiện trong các video, dòng trạng thái hay kể cả các comment “cà khịa” nhau của các cặp bạn thân trên mạng xã hội.
"Flexing – Pressing"
“Flex” là một từ lóng được lấy cảm hứng từ thành ngữ tiếng Anh “Flex your muscle” – Phô diễn sức mạnh của bạn. Với ý nghĩa gốc khuyến khích ai đó tự tin thể hiện khả năng, tiềm lực của mình, trong năm 2023, trào lưu Flexing lại trở nên hot hơn bao giờ hết. Với những màn “khoe như không khoe”, “khoe mượt mà hợp lý hợp tình”,... Gen Z đã biến tấu Flexing trở thành một “nghệ thuật” ngôn từ ảo diệu.
Một vận động viên bơi lội "khoe nhẹ" vài chục chiếc huy chương đủ loại |
Ngã cũng phải flex, tạo dáng cũng phải flex nhẹ chiếc nhẫn mới sắm |
Nhắc đến Flexing không thể không nhắc đến Pressing. Đây là từ lóng cho hành động kiểm tra, xác thực thông tin với bằng chứng rõ ràng về những thành tích, khả năng mà chính chủ đã flex với cộng đồng mạng. Gen Z mô tả đây là việc “tiến hành Check VAR” đảm bảo sự uy tín, “tin chuẩn” cho cộng đồng mạng trầm trồ. Còn nếu thông tin không xác thực, khổ chủ sẽ nhận “bão” haha và trêu chọc từ vô số Flex-er.
Hội "những người khoe khoang" đã có hơn 1,7 triệu thành viên. |
Đến nay, nhóm Facebook “Flex đến hơi thở cuối cùng” đã có hơn 1,7 triệu thành viên. Hàng ngày, vẫn có vô số bài đăng hài hước với mục đích “khoe nhẹ” một điều gì đó. Nhưng đồng thời, hội Flex-er cũng cùng nhau “khoe” những hoạt động thiện nguyện, cộng đồng hết sức ý nghĩa. Đảm bảo một hội nhóm GenZ hài hước, đa dạng và tràn đầy tích cực.
Cô bạn chọn "khoe" những nội dung hết sức tích cực làm động lực cho cả cộng đồng trẻ |
Gwenchana – Quền cha nà
Anh chàng "Tôi rất ổn" gây "bão" mạng xã hội |
Văn hóa phim Hàn Quốc đã phổ biến với người Việt Nam từ già đến trẻ. Đối với hội Gen Z, không khó để những bạn trẻ học ngay được những câu ngắn trong tiếng Hàn chỉ qua việc “cày phim”. Những cụm từ như Ô mô – Ai gu (Ơ kìa – Ôi chà), Guê (Tại sao?) , ... rất phổ biến trong những cuộc đối thoại bạn bè. Gwenchana là một từ tiếng Hàn được “Việt hóa” trong lối viết, nó mang ý nghĩa “Không sao đâu”, thường sử dụng để an ủi hoặc xoa dịu một người nào đó.
Lập tức anh đã trở thành nhân vật truyền cảm hứng cho loạt clip parody những tình huống dở khóc dở cười |
Gwenchana trở nên viral khi một tài khoản Tiktok đăng nội dung video về bản thân đang “mếu máo” đầy tức tưởi vì một chuyện gì đó, miệng không ngừng nói “Gwenchana, Gwenchana yo...”. Biểu cảm hài hước, sự ấm ức bất lực của anh chàng nhưng phải tự “thôi miên” bản thân rằng “Tui ổn, tui rất ổn,...” và tiếp tục mếu máo đã khiến cộng đồng mạng “cười bò”. Không ít người để lại bình luận rằng họ nhìn thấy bản thân họ trong clip. Vô số nội dung với giọng nói “Quền cha nà” đã ra đời làm nền cho những tình huống đầy “bất ổn” trong cuộc sống hàng ngày. Hiện nay, Gen Z vẫn đang ngày ngày “thôi miên” nhau sau những giờ làm, buổi học căng thẳng với cụm từ “Gwenchana” đầy hài hước.