Giao Thủy - Nam Định: Yêu cầu nhà thầu phải có đại lý đóng trên địa bàn huyện
Hải Hậu (Nam Định): Dấu hiệu đấu thầu bất minh tại dự án nạo vét trị giá 22 tỷ đồng? Chuyện lạ ở thị xã Ba Đồn: Công trình hơn 5 tỷ đồng chưa được đấu thầu đã thi công |
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet |
Gói thầu trên do Ban Quản lý Dự án Ứng dụng KHCN xây dựng hệ thống hội nghị trực tuyến từ UBND huyện đến UBND các xã, thị trấn thuộc huyện Giao Thủy mời thầu. Việc lựa chọn nhà thầu (NT) được áp dụng theo hình thức chào hàng cạnh tranh qua mạng. Thời gian thực hiện hợp đồng là 15 ngày.
Theo phản ánh của NT nêu trên, HSYC đưa ra yêu cầu NT tham gia bắt buộc phải có một đại lý (hoặc đại diện) trên địa bàn huyện Giao Thủy. Đồng thời, văn phòng hoặc đại lý đó phải đáp ứng đầy đủ năng lực và đầy đủ hồ sơ theo yêu cầu như đối với NT, gồm: Giấy phép đăng ký kinh doanh có ngành nghề kinh doanh liên quan đến các sản phẩm cung cấp của Gói thầu do cơ quan có thẩm quyền cấp; báo cáo tài chính của đại lý (hoặc đại diện) từ năm 2016 đến năm 2018 để cung cấp thông tin chứng minh tình hình tài chính lành mạnh, giá trị tài sản ròng của NT trong năm gần nhất phải dương, hoặc có giấy xác nhận của cơ quan thuế về tình hình đang hoạt động tốt của đại lý (hoặc đại diện).
Theo tìm hiểu của Báo Đấu thầu, trong quá trình phát hành HSYC của gói thầu trên, một NT khác - Công ty TNHH Khánh Toàn cũng từng yêu cầu Bên mời thầu làm rõ nội dung này. Bên mời thầu trả lời rằng, việc đưa ra yêu cầu NT phải có đại lý (hoặc đại diện) có năng lực đóng trên địa bàn Huyện là để đảm bảo khả năng sẵn sàng thực hiện các nghĩa vụ của NT như: bảo hành, bảo trì, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, cung cấp phụ tùng thay thế hoặc cung cấp các dịch vụ sau bán hàng khác trong thời gian 12 giờ được quy định.
NT kiến nghị cho rằng, chỉ có các công ty ở huyện Giao Thủy mới đáp ứng được điều kiện của HSYC. Việc đưa ra yêu cầu nêu trên đã vi phạm Điều 12 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ, trong đó quy định HSYC không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của NT hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số NT, gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng.
Bình luận về trường hợp này, một chuyên gia của Trung tâm Hỗ trợ đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, HSYC đưa ra tiêu chí như trên có thể hạn chế sự tham gia của các NT. Nếu chỉ giới hạn phạm vi trong địa bàn Huyện thì sẽ có ít NT tham gia và Bên mời thầu có ít sự lựa chọn hơn. Trong khi đó, các NT ở khu vực lân cận có năng lực, kinh nghiệm lại không có cơ hội để chào hàng cạnh tranh công bằng.
“Để đảm bảo khả năng sẵn sàng trong quá trình thực hiện hợp đồng, Bên mời thầu có thể đưa ra yêu cầu chặt trong hợp đồng, NT phải cam kết bảo hành, bảo trì, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa... trong vòng 12 giờ. Nếu vi phạm, NT sẽ bị phạt hợp đồng”, vị chuyên gia khuyến nghị.
Thực tế, tính đến thời điểm đóng thầu (16 giờ ngày 16/12/2019), chỉ có 2 NT nộp hồ sơ đề xuất. Trong đó, Công ty TNHH Khánh Toàn có giá dự thầu là 1,299 tỷ đồng với thời gian thực hiện hợp đồng là 15 ngày; Liên danh Công ty TNHH MTV An Trường Phát - Công ty TNHH Viễn thông phần mềm máy tính chuyên nghiệp chào thầu 1,522 tỷ đồng và thực hiện hợp đồng trong 10 ngày.
Trong số các nhà thầu trên, theo dữ liệu của Báo Đấu thầu, từ năm 2016 đến nay, NT An Trường Phát trúng 5 gói thầu và đều thực hiện trên địa bàn tỉnh Nam Định. Trong khi đó, số gói thầu mà NT Khánh Toàn từng trúng là 20 gói, trong đó 19 gói thầu thực hiện trên địa bàn tỉnh Nam Định.