Giáo sư “nhà quê” bán nhà ở phố, lên núi làm nhà tranh
Giáo sư Nguyễn Thượng Hỷ người đam mê nhà Việt xưa |
Mặc kệ, ai thích nói gì cũng được, miễn là mình sống theo đam mê của mình là tốt rồi. “Lâu ni bạn bè, anh em thân thương quên cái tên Nguyễn Thượng Hỷ của tau rồi. Họ gọi tau “ma hời”, "Giáo sư nhà quê" quen rồi”. Ông Hỷ cười một cách hài lòng.
Niềm đam mê nhà Việt xưa nhà (tranh, tre, lá) dường như cuốn ông theo đuổi cả cuộc đời. Nơi nào, từ phố thị, đồng bằng đến tận miền núi, khắp đất nước hình chữ S. Giáo sư Nguyễn Thượng Hỷ dành thời gian lân la tìm hiểu, ghi chép, tất cả kiến trúc nhà Việt xưa được ông lưu giữ như là kho báu của người Việt.
Người ta gọi ông khùng cũng có lý do, bởi ông cũng có nhà ở phố, nhưng chỉ để tá túc lúc lúc làm việc. Từ một chuyên gia nghiên cứu bảo tồn, vừa về hưu, ông bán ngay ngôi nhà ở phố, không chút lưu luyến, bỏ lên chốn thâm sơn cùng cốc mua đất làm nhà tranh, rồi cuộc sống thui thủi một mình. Ở đó, màu sơn, bút, cọ là bầu bạn. Lúc rảnh trồng rau, trồng hoa, lâu lâu cắt rau mang đi biếu bạn bè ở phố.
Nhưng máu đam mê nghiên cứu trong người Nguyễn Thượng Hỷ lại bùng cháy. Ông mang ban lô rong ruổi tứ miền, từ Nam Bộ, Tây Nguyên, miền Trung, Tây Bắc… đâu ông cũng lội. Miễn là nơi đó có làng quê, có nhà lá… để tìm hiểu, nghiên cứu.
“Mình càng tìm hiểu càng kinh ngạc, lúc ông bà ta nghèo, nhưng đầu óc họ rất am hiểu về kiến trúc. Không phải nhà tranh – tre là bình thường. Mỗi miền đều có lối kiến trúc riêng biệt. Và nó chịu đựng, chống chọi được sự khắc nghiệt của thời tiết nơi đó để tồn tại. Kể cả cây, lá… ông bà ta cũng có cách xử lý mối một bằng thiên nhiên, không gây độc hại cho người, ô nhiễm môi trường, nhưng rất hiệu quả, độ bền rất cao”. - Nguyễn Thượng Hỷ chia sẻ.
Nhà mái nhà tranh, sường bằng tre, tường bằng đất sét của Nguyễn Thượng Hỷ, tại Khu đền tháp Mỹ Sơn, (Duy Xuyên, Quảng Nam), là công trình đầu tay của ông. Tuy nhà tranh đơn sơ, nhưng đón không biết bao nhiêu khách.
Từ bạn bè, họa sỹ, điêu khắc, nhà văn, nhà báo, đến cả các chuyên gia nước ngoài… Ngôi nhà tre, tường đất này khiến nhiều người mê mẫn. Và từ đó ông được mời đi khắp nơi phục dựng lại lại nhà lá khắp mọi miền cả nước. Vinh Dự hơn ông được Hội kiến trúc và bảo tồn nhà cổ Hoàng Gia Nhật Bản trao tặng giải thưởng vì sự nghiệp bảo tồn.
Christoppher Dunn, người Autraylia sống tại xã Cẩm Kim, (TP.Hội An) nói khá thạo tiếng Việt. “Anh Hỷ không không chỉ là “ma hời” mà còn là “Giáo sư nhà quê”.Tôi đi rất nhiều nơi ở Việt Nam, chưa thấy ai am hiểu kiến trúc nhà tre người Việt. Từ nhà của người đồng bằng, đến cả những ngôi nhà có kiến trúc cầu kỳ của người đồng bào miền núi. Chính anh là người đang lưu giữ linh hồn nhà Việt xưa”.
Với xu thế phát triển nhà lá hiện nay, Nguyễn Thượng Hỷ dường như không có thời gian nghỉ ngơi. Từ Hội An, vào Bình Định, lên Tây Nguyên.
“Sau mỗi công trình, lòng mình vui lắm, nên cứ thôi thúc mình đi, công việc nhiều ít có thời gian, nhiều khi vừa đi xe đò vừa tính toán vật liệu, vừa thiết kế cho phù hợp nhà xưa của từng vùng”. Ông Hỷ chia sẻ.