Giảm thiểu rủi ro thiên tai do lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh miền núi

Thời gian gần đây, thiên tai diễn biến không tuân theo quy luật, cực đoan và khó lường. Đáng chú ý, tại các tỉnh miền núi, lũ quét, sạt lở đất do mưa lớn gây ra ngày càng nghiêm trọng, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản của Nhân dân.
Trao giải cuộc thi về giảm thiểu tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu Nâng cao ý thức người dân trong phòng, chống thiên tai Hoa hậu H’Hen Niê lội bùn, cùng người dân bảo vệ rừng

Sạt lở đất và lũ lụt diễn ra với tần suất nhiều

Theo Tổng cục phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), nguyên nhân xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở đất đều có chung một đặc điểm là xuất hiện sau những cơn mưa lớn. Ở đồi núi dốc, đất bị phong hóa qua nhiều năm nên vào mùa mưa luôn ở trong trạng thái bão hòa nước. Trong khi đó, rừng bị suy giảm, mặt đệm bị bào mòn không có khả năng giữ được nước...

Ngoài những nguyên nhân nói trên, người dân vùng cao với tập quán sinh sống dựa vào sông suối, chặt phá rừng làm nương rẫy, các ngôi nhà cũng được dựng lên sát sông suối hoặc ngay trên sườn đồi, dưới chân các quả đồi, vách núi... Do vậy, khi cân bằng tự nhiên bị phá vỡ, thiên tai ập đến, hậu quả thường rất lớn.

Theo thống kê của Tổng cục Phòng chống thiên tai, lũ quét và sạt lở đất xảy ra ở hầu hết các tỉnh miền núi và trung du trên lãnh thổ Việt Nam. Bình quân 20 năm trở lại đây, mỗi năm thiên tai làm khoảng hơn 300 người chết và mất tích, gây ra thiệt hại về kinh tế khoảng 1 - 1,5% GDP.

Giảm thiểu rủi ro thiên tai do lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh miền núi
Tại các tỉnh miền núi, lũ quét, sạt lở đất do mưa lớn gây ra ngày càng nghiêm trọng, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản của Nhân dân

Tính riêng từ đầu năm 2022 đến nay, trên cả nước đã xảy ra 5 cơn bão, 1 cơn áp thấp nhiệt đới, 197 trận mưa lớn, ngập úng, lũ quét, sạt lở đất; 193 trận dông lốc, sét; 81 vụ sạt lở bờ sông, 223 trận động đất, 9 trận gió mạnh trên biển và 2 đợt rét đậm, rét hại.

Thiên tai từ đầu năm 2022 đã làm 136 người chết, mất tích, 210 người bị thương; 639 nhà sập đổ, 15.354 nhà bị hư hỏng, tốc mái; 20.457 con gia súc, 435.045 con gia cầm bị chết, cuốn trôi; 246.622 ha lúa, hoa màu bị thiệt hại; 136.776 m đường giao thông, 1.046.131 m3 đất, đá, bê tông bị sạt lở, hư hỏng. Ước tính giá trị thiệt hại khoảng 8.915 tỷ đồng.

Phần lớn các trận lũ quét, sạt lở đất đều xảy ra ở vùng núi hẻo lánh, dân cư thưa thớt. Lũ quét và sạt lở đất năm nào cũng xảy ra và có xu hướng gia tăng. Đặc biệt, những ngày gần đây, mưa lớn kéo dài đã gây ra tình trạng ngập lụt và sạt lở đất tại các tỉnh miền Trung Việt Nam, gây thiệt hại nặng nề về cả con người lẫn vật chất.

Từ những con số nêu trên, có thể thấy rằng, những năm gần đây tại Việt Nam, dưới ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, các hiện tượng sạt lở và lũ lụt diễn ra với tần suất nhiều, cuốn trôi hàng trăm ha đất nông nghiệp, lấn sâu nhà cửa, đe dọa trực tiếp đến sinh nhai, cuộc sống của hàng chục hộ dân, thậm chí là tính mạng.

Chủ động các phương án phòng tránh

Thực tế cho thấy, hình thái thiên tai nguy hiểm đang là những thách thức lớn đặt ra đối với khu vực miền núi và trung du ở nước ta. Trước hết, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét là loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra và gây tỷ lệ tử vong cao nhất trong những năm gần đây, trong khi đó đây lại là loại hình thiên tai điển hình của khu vực này. Hơn nữa, đây cũng là vùng có nhiều hồ thủy điện, thủy lợi lớn, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro nếu công tác phòng, chống, ứng phó không chủ động ngay từ đầu thông qua hình thức liên hồ chứa, vận hành một quy trình hợp lý, hài hòa.

Giảm thiểu rủi ro thiên tai do lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh miền núi
Khu vực miền núi, trung du được xem là vùng trọng tâm của lũ quét, sạt lở đất

Xác định khu vực miền núi, trung du là vùng trọng tâm của lũ quét, sạt lở đất, để chủ động phòng, tránh, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại, thiết nghĩ, trước mắt và lâu dài cần nâng cao hơn nữa nhận thức của cộng đồng, nhận thức của toàn dân, hệ thống chính trị về công tác chuẩn bị cũng như sự vào cuộc một cách quyết liệt để chủ động ứng phó với mưa lớn, sạt lở đất có thể xảy ra.

Theo đó, các biện pháp đặt ra là yêu cầu các địa phương kiểm tra, rà soát công tác bảo đảm an toàn khu dân cư ven sông, suối, vùng thấp trũng có nguy cơ xảy ra ngập lụt khi mưa lớn; Khu vực có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi lũ quét, sạt lở đất; Các hầm mỏ, khu khai thác khoáng sản trong mùa mưa lũ...

Để hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và Nhân dân do thiên tai gây ra, các địa phương cần kiên quyết xử lý, ngăn chặn tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, tránh để xảy ra sạt lở, sập hầm cũng như việc người dân vớt củi trên sông, suối khi mưa lũ dẫn đến các sự cố đáng tiếc như đã xảy ra trong một số năm vừa qua.

Đặc biệt, cần rà soát kịch bản, phương án ứng phó, sẵn sàng nhân lực, vật tư, trang thiết bị; Bảo đảm kịp thời tiếp cận ứng cứu khi có tình huống xảy ra, nhất là lũ quét, sạt lở đất trên phạm vi rộng, gây chia cắt; Không để bị động bất ngờ.

Mặt khác, các tỉnh miền núi, trung du cần triển khai ngay lực lượng xung kích cấp xã trong việc kiểm tra các công trình công cộng, nơi ở, các ao hồ, đập không an toàn; Các khe suối bị tắc nghẽn. Khi có thông tin cảnh báo thiên tai cần có giải pháp sơ tán dân, cắm biển cảnh báo, tuần tra canh gác, tháo dỡ vật cản trên các dòng chảy, tránh tình trạng tích thủy tạo lũ ống, lũ quét; Bố trí kinh phí để thực hiện các hoạt động.

Giảm thiểu rủi ro thiên tai do lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh miền núi
Các địa phương cần chủ động các phương án ứng phó với mưa lớn, sạt lở đất có thể xảy ra.

Đồng thời, các địa phương cần kiểm tra các hồ chứa thủy lợi, thường xuyên theo dõi giám sát, bố trí lực lượng thường trực tại hồ để xử lý kịp thời các tình huống xảy ra. Đặc biệt, không cho phép tích nước đối với các hồ đang thi công hoặc không bảo đảm an toàn.

Về lâu dài, các địa phương cần ưu tiên bố trí ngân sách địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác bảo đảm các hoạt động phòng, chống thiên tai, nhất là hiện tượng lũ quét, sạt lở đất. Thêm vào đó cần xây dựng các hoạt động phục vụ thông tin, truyền thông, nâng cao năng lực cộng đồng, năng lực chỉ huy, chỉ đạo điều hành ứng phó thiên tai, cứu hộ cứu nạn, phục hồi tái thiết sau thiên tai.

Trước tác động của biến đổi khí hậu với những hình thái thời tiết cực đoan vô cùng khốc liệt, đòi hỏi phải rà soát lại khuôn khổ pháp luật, cơ chế chính sách, những vấn đề trước mắt và các nhóm giải pháp lâu dài để chủ động phòng tránh.

Trong thời gian tới, cần tổng rà soát lại toàn bộ dân cư của 13 tỉnh khu vực miền núi phía bắc và các tỉnh miền Trung để đưa ra lộ trình tổng thể bố trí, sắp xếp lại dân cư, bảo đảm tính an toàn cao nhất trước hiện tượng lũ quét, sạt lở đất. Bên cạnh đó, phương thức sản xuất cũng phải bảo đảm thích ứng nhất theo điều kiện bất thuận của thời tiết, góp phần giảm rủi ro đến mức thấp nhất.

Thanh Hoài
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động