Giảm tác động tiêu cực từ mạng xã hội

“Nhận thức của học sinh THPT Hà Nội về tác động tiêu cực của mạng xã hội tới bạo lực học đường” là một trong những đề tài nghiên cứu được quan tâm
Công an Hà Nội cảnh báo về các hoạt động trại hè mời chào trên mạng xã hội

Chiều 20/9, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam phối hợp với Câu lạc bộ Nhà khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo Khoa học trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ II với chủ đề “Thanh niên trong bối cảnh chuyển đổi số”.

Hội thảo được tổ chức nhằm thúc đẩy, nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học trong thanh niên, sinh viên, hội viên; Tăng cường công tác kết nối, hỗ trợ các đề tài nghiên cứu khoa học có giá trị thực tiễn, có tính ứng dụng cao. Hội thảo cũng góp phần phát hiện và có giải pháp hỗ trợ kịp thời đối với những cá nhân có khả năng nghiên cứu khoa học tốt, trình độ chuyên môn cao để tiếp tục đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Các vị đại biểu tham dự chương trình
Các vị đại biểu tham dự chương trình

Tới dự hội thảo có: Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Bùi Quang Huy; PGS.TS Nguyễn Hoàng Hải, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Thường trực Đại học Quốc gia Hà Nội.

Khơi dậy tinh thần sáng tạo trong sinh viên

Phát biểu tại hội thảo, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam Nguyễn Minh Triết cho biết: Một trong những nội dung Ban Thư ký Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam xác định trọng yếu trong công tác Hội là việc tạo môi trường cho sinh viên học tập, sáng tạo, nghiên cứu khoa học. Trong đó, hội thảo Khoa học trẻ Việt Nam toàn cầu là giải pháp được tập trung đẩy mạnh thực hiện với kỳ vọng: Qua hội thảo thu hút, tập hợp được nhiều tác giả từ khắp nơi trên thế giới tham gia chia sẻ các công trình, đề tài, bài báo nghiên cứu có giá trị ứng dụng cao đóng góp cho các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội, khoa học và công nghệ của đất nước; Tham gia tích cực trong việc lan tỏa tinh thần chủ động học tập, tìm tòi nghiên cứu sáng tạo trong thanh niên, sinh viên.

Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam Nguyễn Minh Triết
Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam Nguyễn Minh Triết phát biểu tại hội thảo

Hội thảo Khoa học trẻ toàn cầu lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2021 với chủ đề “Vai trò của trí thức trẻ Việt Nam trong kỷ nguyên 4.0” đã thu hút sự tham gia của hơn 500 nhà khoa học trẻ từ 10 quốc gia trên thế giới và 38 tỉnh, thành phố của Việt Nam đóng góp hơn 300 bài báo với các góc độ tiếp cận khác nhau trong đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại. Thành công trên là tiền đề, cơ sở để Ban Thư ký Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam tiếp tục đầu tư tổ chức Hội thảo Khoa học trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ II thiết thực hơn, có nhiều điểm đổi mới.

“Điểm mới đầu tiên, nổi bật của Hội thảo Khoa học trẻ toàn cầu lần thứ II đó là việc lựa chọn chủ đề “Thanh niên trong bối cảnh chuyển đổi số” phù hợp với bối cảnh, xu thế tất yếu, khách quan. Chuyển đổi số là chủ trương, định hướng lớn của Đảng và Nhà nước, là chìa khóa then chốt thúc đẩy sự phát triển toàn diện của đất nước. Trí thức trẻ, thanh niên, sinh viên Việt Nam với đặc tính năng động, sáng tạo, nhạy bén với khoa học công nghệ được kỳ vọng là lực lượng đi đầu trong chuyển đổi số, làm chủ công cuộc xây dựng và phát triển mọi lĩnh vực trong tương lai”, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam Nguyễn Minh Triết chia sẻ.

Các nhóm tác giả có đề tài xuất sắc được nhận Bằng khen
Các nhóm tác giả có đề tài xuất sắc được nhận Bằng khen của Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam

Bên cạnh đó, hội thảo nhận được sự đồng hành của Đại học Quốc gia Hà Nội, với sự tham gia của gần 100 chuyên gia, nhà khoa học đang công tác tại các trường thành viên, trực thuộc, các trung tâm, viện nghiên cứu có lĩnh vực chuyên môn phù hợp. Ngoài việc tổng hợp các đề tài, Ban tổ chức cũng có hoạt động hỗ trợ, tổ chức các hội thảo nhánh tập huấn kiến thức, kỹ năng cần thiết trong nghiên cứu khoa học cho sinh viên Việt Nam.

5 giải pháp hữu ích

Ban Tổ chức cho biết, qua 6 tháng phát động, hội thảo đã thu hút sự quan tâm của đông đảo sinh viên, giảng viên trẻ, nghiên cứu sinh đến từ 16 tỉnh, thành phố và 5 quốc gia trên thế giới với 431 đề tài. Trong đó,109 đề tài thuộc thuộc lĩnh vực kinh tế, tài chính; 230 đề tài thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn; 92 đề tài thuộc lĩnh vực khoa học kỹ thuật.

Đại diện trường Đại học Cần Thơ trình bày
Đại diện trường Đại học Cần Thơ trình bày đề tài nghiên cứu

Tại hội thảo, các đại biểu đã tham luận về 3 lĩnh vực: Kinh tế, tài chính, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học kỹ thuật. Các đề tài được trình bày tại hội thảo gồm: “Đề xuất mô hình tích hợp quản trị vườn thông minh theo chuẩn sensorthings API và công nghệ lora” (trường Đại học Cần Thơ); “Sự phản kháng của người tiêu dùng đối với hình thức tiếp thị liên kết trên mạng xã hội” (trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh); “Bảo đảm an ninh trật tự trên không gian mạng trong bối cảnh chuyển đổi số: Vai trò của thanh niên Công an Nhân dân” (Học viện Cảnh sát Nhân dân) và “Nhận thức của học sinh THPT Hà Nội về tác động tiêu cực của mạng xã hội tới bạo lực học đường (trường Đại học Hà Nội, trường THPT Chu Văn An).

Trong đó, đề tài “Nhận thức của học sinh THPT Hà Nội về tác động tiêu cực của mạng xã hội tới bạo lực học đường", được thực hiện bởi nhóm nghiên cứu đến từ trường Đại học Hà Nội, trường THPT Chu Văn An nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn trẻ.

Giảm tác động tiêu cực từ mạng xã hội
Đại diện nhóm trình bày đề tài “Nhận thức của học sinh THPT Hà Nội về tác động tiêu cực của mạng xã hội tới bạo lực học đường"

Đề tài của nhóm nghiên cứu hướng đến các giải pháp cho 2 câu hỏi: Thực trạng nhận thức về các tác động tiêu cực của mạng xã hội tới bạo lực học đường, nguyên nhân, cách ứng phó của học sinh THPT trên địa bàn thành phố Hà Nội như thế nào? Cần những biện pháp nào để nâng cao nhận thức phòng ngừa, ứng phó với những tác động tiêu cực của mạng xã hội đối với hành vi bạo lực học đường ở học sinh THPT?

Theo các bạn trẻ, đa số học sinh đã có sự nhận thức về tác động tiêu cực của mạng xã hội tới bạo lực học đường nhưng vẫn còn chưa đầy đủ và bền vững. Đây là nhóm học sinh cần được quan tâm và có giải pháp cụ thể nhằm nâng cao nhận thức để hạn chế những nguy cơ, cũng như cách ứng phó của những tác động tiêu cực từ mạng xã hội tới bạo lực học đường.

5 giải pháp được các bạn trẻ đưa ra để giải quyết vấn đề gồm: Nâng cao nhận thức cho học sinh về văn hóa ứng xử trên môi trường mạng xã hội; Hình thành các câu lạc bộ kỹ năng; Xây dựng kênh truyền thông về phòng chống bạo lực học đường và bạo lực trên không gian mạng; Tổ chức hội thảo, tọa đàm chuyên đề nhằm giáo dục nâng cao nhận thức của học sinh về tác động tiêu cực của mạng xã hội tới bạo lực học đường; Phát triển đội ngũ tham vấn các vấn đề liên quan đến bạo lực học đường và bạo lực trên không gian mạng.

Kết thúc hội thảo, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với các tập thể, cá nhân có chuyên môn tham gia hỗ trợ, hoàn thiện các công trình, đề tài hướng đến việc công bố quốc tế.

Dịp này, Ban tổ chức cũng trao giấy chứng nhận cho các báo cáo tiêu biểu.

Phương Thanh
Phiên bản di động