Giải pháp nào để "cứu" sông Tô Lịch

Nền kinh tế phát triển, đô thị mở rộng và sự bùng nổ dân số đang làm cho sông Tô Lịch ngày càng bị ô nhiễm trầm trọng.
Đề xuất cải tạo sông Tô Lịch thành "Công viên lịch sử - văn hoá - tâm linh"

Sông Tô Lịch có chiều dài khoảng 14 km, chảy qua địa phận 6 quận, huyện: Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Thanh Trì. Sông Tô Lịch cùng với sông Kim Ngưu, sông Lừ và sông Sét đã tạo nên hệ thống tiêu thoát nước chính của TP Hà Nội. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, dưới sức ép của quá trình đô thị hóa, quy hoạch xây dựng không đồng bộ cùng với sự thiếu ý thức của người dân sống ven sông đã làm cho diện tích sông bị thu hẹp, hành lang bảo vệ bị lấn chiếm ở nhiều đoạn, chất lượng nước sông bị ô nhiễm nghiêm trọng do mỗi ngày có khoảng 150.000 m³ nước thải sinh hoạt (NTSH) và nước thải công nghiệp chưa qua xử lý xả trực tiếp xuống sông. Từ một con sông đẹp, Tô Lịch đã trở thành nơi chứa nước thải của TP - một dòng sông "chết".

Giải pháp nào để

Theo cơ quan chức năng đo được thì lượng ôxy hòa tan (DO) thấp hơn 2 lần so với tiêu chuẩn; Lượng ôxy hóa học trong nước (COD), ôxy sinh học trong nước (BOD5), khuẩn coliform trong nước, tổng chất rắn lơ lửng (TSS), tổng dầu, mỡ, hàm lượng amoni (NH4+)… đều vượt tiêu chuẩn cho phép nhiều lần. Nước sông chuyển thành màu đen, có váng, cặn lắng và mùi hôi. Đặc biệt, mức độ ô nhiễm trầm trọng về cuối nguồn.

Trước thực trạng trên, UBND TP. Hà Nội đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân và doanh nghiệp về BVMT, hướng đến khắc phục, cải thiện chất lượng nước sông Tô Lịch; hình thành nếp sống văn minh và xây dựng Thủ đô Xanh - Sạch - Đẹp. Năm 2010, UBND TP giao các Sở, ngành thực hiện 2 biện pháp: Bổ sung nước sông Tô Lịch bằng nước sông Hồng, giúp duy trì cân bằng nước, giảm nồng độ ô nhiễm và xây dựng các trạm xử lý nước thải kết hợp với xử lý nước thải ngay tại nguồn.

Sở TN&MT đã tuyên truyền, khuyến khích các hộ sử dụng chế phẩm vi sinh, hóa sinh xử lý NTSH tại nguồn trước khi thải ra sông. Năm 2014, Sở đã tiến hành kiểm kê các nguồn thải dọc sông và phát chế phẩm sinh học cho 8.000 hộ.

Đặc biệt, TP Hà Nội đã tiến hành triển khai Dự án xây dựng, cải tạo, nâng cấp đường bờ sông Tô Lịch kết hợp với xử lý các nguồn nước thải trước khi đổ vào sông. Bên cạnh đó, UBND TP giao các quận/huyện tổ chức quản lý, thu gom rác thải để chấm dứt tình trạng đổ rác bừa bãi xuống hai bờ sông; Mời chuyên gia nước ngoài khảo sát, nghiên cứu, hỗ trợ công nghệ xử lý ô nhiễm phù hợp; Chỉ đạo Sở Quy hoạch Kiến trúc, Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội lập quy hoạch toàn tuyến sông Tô Lịch để tách nguồn NTSH đang đổ trực tiếp vào sông đưa về các nhà máy xử lý tập trung Phú Đô và Yên Xá.

Ngoài ra, UBND TP giao Sở Xây dựng tăng cường trồng cây xanh, tu sửa kè bờ, các vườn hoa, bãi cỏ, đường dạo ven sông và thường xuyên nạo vét lòng sông; Giao Sở TN&MT phối hợp với UBND các quận/huyện trên lưu vực sông tổ chức tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm cho cộng đồng, doanh nghiệp về BVMT, nhằm trả lại vẻ đẹp cho sông Tô Lịch - dòng sông gắn liền với lịch sử Thăng Long - Hà Nội.

Cuối năm 2018, Công ty Thoát nước Hà Nội cũng đưa ra phương án dùng nước sông Hồng thau rửa nước sông Tô Lịch. Hiện nay, TP. Hà Nội đang áp dụng 2 công nghệ làm sạch nguồn nước sông Tô Lịch, đó là Công nghệ Bio-nano của Nhật Bản và Redoxy3C của Đức. Bước đầu các công nghệ trên đã cho kết quả khả quan.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia về môi trường, để cứu sống, làm hồi sinh sông Tô Lịch về lâu dài thì chúng ta không thể trông đợi vào việc xử lý ô nhiễm tại chỗ bằng hóa chất hay công nghệ vì hàng ngày nước thải vẫn đang tiếp tục được xả thẳng ra sông. Quan trọng nhất vẫn là phải giải quyết tận gốc nguồn gây ô nhiễm của sông Tô Lịch.

Theo chuyên gia Nhật Bản để có thể “hồi sinh” sông Tô Lịch đúng nghĩa thì cần phải có giải pháp tổng thể để giải quyết toàn bộ các vấn đề như: thu gom nước thải; cấp nước bổ cập cho sông sau khi thu gom hết nước thải; xử lý triệt để tận gốc nguồn gây ra mùi hôi thối; xử lý tầng bùn đáy; xử lý nước đã bị ô nhiễm ở trong lòng sông; thoát nước chống ngập khi mưa bão; bảo tồn giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh; phát triển du lịch...

Thời gian tới sẽ tổ chức hội thảo và mời đại diện Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) để cùng tham vấn ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia trong và ngoài nước về Đề án có nhiều ý nghĩa cho sự phát triển của Hà Nội và góp phần làm sâu sắc hơn mối quan hệ “Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản.”

Tân Tam
Phiên bản di động