Ghi nhận ca bệnh Whitmore thứ 2 trên địa bàn Đắk Nông

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Nông thông tin, đơn vị ghi nhận trường hợp thứ 2 mắc bệnh Whitmore. Người này là cán bộ của Lâm trường Đắk Wil (huyện Cư Jut).
Bệnh nhi 15 tuổi tử vong vì mắc Whitmore Ghi nhận hai trường hợp trẻ em nhiễm loại vi khuẩn độc có trong bùn đất Gia đình có 3 con tử vong ở Sóc Sơn, tìm thấy mẫu đất trong vườn chứa Whitmore

Theo đó, vào cuối tháng 7, ông V.V.Đ, 58 tuổi (ở xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil, là cán bộ Lâm trường Đắk Wil) bị côn trùng cắn vào đùi trái.

Đến chiều 2/8 thấy tại vị trí vết thương do côn trùng cắn đau nhức, sưng, tấy đỏ nên ông Đ được người nhà đưa vào Bệnh viện Đại học Y dược Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) để khám.

Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân Đ bị áp xe da, có nhọt, nhọt cụm do côn trùng cắn không rõ loại côn trùng gì, kèm theo bị đái tháo đường type II.

Sau đó, bệnh nhân được chỉ định mổ rạch nạo giải thoát mủ trong ổ áp xe, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm từ ổ áp xe làm xét nghiệm định danh vi khuẩn và làm kháng sinh đồ.

Đến ngày 5/8, bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây bệnh Whitmore.

Ngay sau khi có kết quả bệnh nhân Đ mắc bệnh Whitmore, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đắk Nông đã phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Đắk Mil tổ chức khử khuẩn môi trường xung quanh nhà bệnh nhân Đ, hướng dẫn gia đình bệnh nhân và các hộ dân xung quanh vệ sinh cá nhân.

Lực lượng y tế tìm hiểu, giám sát môi trường sống quanh gia đình bệnh nhân Đ thì thấy không có ao tù, sạch sẽ, không có yếu tố nguy cơ tiềm ẩn bệnh Whitmore.

Trạm bảo vệ rừng thuộc lâm trường bệnh nhân Đ công tác cũng không có ai có biểu hiện bệnh Whitmore nên vẫn chưa thể xác định được nguồn truyền bệnh.

Ghi nhận ca bệnh Whitmore thứ 2 trên địa bàn Đắk Nông
Khu vực nơi bệnh nhân Đ sinh sống

Về phía bệnh nhân Đ, sau khi mổ rạch nạo giải thoát mủ trong ổ áp xe, đến nay bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt, sức khỏe ổn định và xin chuyển về Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên để tiếp tục điều trị.

Trước đó, ngày 19/4, bệnh nhân tên T.V.S (sinh năm 1957, trú tại thôn 15, xã Nam Dong, huyện Cư Jut) cũng có kết quả dương tính với vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây bệnh Whitmore. Bệnh nhân Đ là trường hợp thứ 2 ghi nhận được trên địa bàn.

Theo các chuyên gia y tế, bệnh Whitmore là bệnh không thường gặp, không gây thành dịch, nhưng bệnh thường tiến triển nặng, có tỷ lệ tử vong cao, nhất là ở những đối tượng có nguy cơ cao.

Điều kiện vệ sinh môi trường bị ô nhiễm sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi, phát triển, nên có thể tiếp tục ghi nhận thêm nhiều trường hợp mắc bệnh Whitmore.

Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, BV Bạch Mai, các ca bệnh có xu hướng gia tăng vào mùa mưa lũ, tập trung vào các tháng 9, 10, 11.

Bệnh có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng (bao gồm sốt, với các kiểu như sốt cơn hoặc sốt kèm theo lạnh run, sốt kéo dài, suy hô hấp, loét da, viêm đường tiết niệu, viêm phổi, áp xe ở gan, lách, nhiễm trùng huyết, suy đa phủ tạng...).

Bệnh khó chẩn đoán và có tỷ lệ tử vong cao, có thể tới 40% do biến chứng viêm phổi nặng, nhiễm trùng huyết và sốc nhiễm trùng. Những người có bệnh nền (đái tháo đường, bệnh gan, thận, phổi mạn tính, suy giảm miễn dịch...) có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Chẩn đoán xác định bằng nuôi cấy máu và các dịch ổ áp xe xác định vi khuẩn Whitmore. Điều trị lâu dài bằng kháng sinh đặc hiệu Ceftazidime hoặc Carbapenem đường tĩnh mạch, thời gian tấn công 2 - 4 tuần, sau đó duy trì giai đoạn duy trì bằng Biseptol kéo dài 3 - 6 tháng.

Hưng Khánh
Phiên bản di động