Gặp người dành trọn đời kể chuyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh
Giáo sư Hoàng Chí Bảo kể chuyện về mong muốn của Bác Hồ đối với thanh niên Học Bác từ những điều giản dị |
Cơ duyên gắn bó với những câu chuyện về Bác
Căn gác nhỏ ở Nhà Xuất bản lý luận chính trị trên phố Văn Miếu (Hà Nội) là nơi làm việc hàng ngày của GS.TS Hoàng Chí Bảo. Phòng làm việc của ông đầy ắp những cuốn sách về Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh mà cả cuộc đời vị giáo sư này tìm tòi, nghiên cứu, viết và để từ đó chắt lọc để kể những câu chuyện về Bác, làm lay động con tim hàng triệu người.
Trò chuyện với phóng viên Báo Tuổi trẻ Thủ đô, GS.TS Hoàng Chí Bảo kể, cứ mỗi dịp Thu đến, lòng ông lại bồi hồi nhớ về mùa Thu năm 1969. Ấy là thời điểm quan trọng đưa ông đến một quyết định trọng đại vô cùng ý nghĩa trong cuộc đời.
Từng nghiên cứu về cuốn “Nhật ký trong tù” của Bác, GS Bảo cảm phục trước phong cách của một vị lãnh tụ giản dị nhưng vô cùng vĩ đại. Càng đi sâu nghiên cứu và giảng dạy lý luận chính trị, ông càng hiểu sâu thêm triết lý sống vì dân, vì nước của Người.
GS.TS Hoàng Chí Bảo |
Nhưng có lẽ, chỉ đến khi ông tham dự lễ tang của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào ngày 9/9/1969 tại Quảng trường Ba Đình, khi lắng nghe những lời điếu văn xúc động, ông đã tâm niệm phải tập trung nghiên cứu tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bởi, theo GS Bảo, đúng như điếu văn mà đồng chí Lê Duẩn đọc tại lễ tang Bác: “Dân tộc ta, Nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch - người anh hùng giải phóng dân tộc vĩ đại và chính Người đã làm rạng rỡ cho dân tộc ta, Nhân dân ta và non sông đất nước ta. Người ra đi nhưng để lại cho toàn toàn Đảng, toàn dân ta một di sản vĩ đại, đó là thời đại Hồ Chí Minh - thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước, giữ nước của dân tộc”.
Cũng từ sự kiện này, GS Hoàng Chí Bảo cho biết, ông đã nguyện phấn đấu, rèn luyện, tu dưỡng để trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó là một bước ngoặt vô cùng ý nghĩa trong cuộc đời của ông.
Kể chuyện bằng sự thấu cảm
Trên 50 năm nghiên cứu về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, GS.TS Hoàng Chí Bảo đã trở thành một “pho sử sống” về Bác Hồ. Ông đã viết hàng trăm bài báo, tác phẩm về Bác. Trong đó, những tác phẩm “Tìm hiểu phương pháp Hồ Chí Minh; Văn hóa, đạo đức Hồ Chí Minh; Hồ Chí Minh và 5 bảo vật quốc gia”… đã được bình chọn là những cuốn sách hay của Việt Nam.
Từ việc nghiên cứu, chắt lọc, viết sách, GS Hoàng Chí Bảo đã làm dày thêm tư liệu về Bác, để từ đó, ông kể hàng ngàn câu chuyện sinh động về Người, lôi cuốn mọi tầng lớp, lứa tuổi theo dõi. Đó là lý do, bất cứ ai được nghe ông kể chuyện về Bác đều cảm nhận thấy sự chân thật, gần gũi, giản dị của Bác, như thể ông có những năm tháng chứng kiến cuộc đời Người.
GS Hoàng Chí Bảo chia sẻ: “Từ khi bắt tay nghiên cứu về Bác, nói về Bác tôi đã dặn lòng phải làm sao đạt được hai chuẩn mực. Một là thấu hiểu, hai là thấu cảm. Tức là ngoài hiểu về mặt lý trí, phải hòa vào trong tình yêu, tình thương, nỗi lòng tâm trạng của Bác. Đừng bao giờ nghĩ Bác là thần thánh, bởi Bác vĩ đại nhưng cũng là một con người bằng xương bằng thịt, có niềm vui, có nỗi khổ như chúng ta”.
Quảng trường Ba Đình - Nới gắn với sự kiện Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập vào ngày 2/9/1945 |
Đi từ Bắc chí Nam, thường xuyên kể chuyện về Bác với cộng đồng sinh sống ở nước ngoài, GS Hoàng Chí Bảo nhận thấy, từ mọi tầng lớp người Việt, kiều bào, tình cảm của họ dành cho Bác là hết sức hồn nhiên, nồng nàn và trong sáng, một lòng kính yêu, học theo Bác, theo Đảng. GS.TS Hoàng Chí Bảo đặc biệt ấn tượng khi chứng kiến tình cảm, sự xúc động của những người khiếm thị.
“Tôi đã thấy được trái tim của họ dành cho Bác như thế nào. Họ không may mắn được nhìn thấy ánh sáng cũng như khuôn mặt của chính mình, cũng chưa từng được nhìn thấy ảnh Bác Hồ nhưng khi nghe kể, những giọt nước mắt đã lăn dài trên má họ. Điều đó thật sự ám ảnh tôi, thôi thúc tôi phải mang đến cho họ những hình ảnh sống động về chân dung chân thực nhất về Người”, ông nói.
Dấu ấn của Bác với Thủ đô Hà Nội
Khi kể với phóng viên Báo Tuổi trẻ Thủ đô về những câu chuyện của Bác gắn bó với Thủ đô Hà Nội, GS Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh, cả cuộc đời các mạng của Bác bôn ba nhiều nơi, nhưng Người có tới 24 năm sống, gắn bó với Hà Nội nên dấu ấn của Bác trong sự lãnh đạo của Đảng bộ Hà Nội và Nhân dân Thủ đô rất đậm nét.
Rõ nhất là năm 1945, khi Bác từ Chiến khu Việt Bắc về Hà Nội, đồng chí Tổng bí thư Trường Chinh và các đồng chí lãnh đạo của Đảng ta lúc bấy giờ đã bố trí cho Bác ở ngôi nhà của nhà tư sản Trịnh Văn Bô, nơi mà Bác viết "Tuyên ngôn độc lập", sau đó đọc ở Quảng trường Ba Đình vào ngày 2/9/1945 khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Tiếp đó, ngày 19/12/1946, tại Vạn Phúc (quận Hà Đông ngày nay), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến. Đồng thời, Người gửi thư, nhắn nhủ chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô, những người đã “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” rằng, “lòng Già Hồ luôn luôn ở bên cạnh các em”.
Trong những năm tháng gian lao kháng chiến chống Pháp, Người đã gửi thư cho đội du kích Thủ đô và đồng bào vùng Hà Nội, khen ngợi những chiến công của quân dân Hà Nội. Người “viết thư này với cả tấm lòng thương xót, yêu mến và tin tưởng”; đồng thời nhấn mạnh: “Đồng bào vùng Hà Nội đang nêu gương dũng cảm cho toàn quốc”… Từ năm 1955, gần như năm nào Người cũng đi chúc Tết Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hà Nội.
Ngôi nhà của nhà tư sản Trịnh Văn B tại 48 Hàng Ngang, nơi Bác viết "Tuyên ngôn độc lập" |
Tại Hội nghị cán bộ toàn Đảng bộ Hà Nội ngày 25/4/1959, Người khẳng định quyết tâm xây dựng “Thủ đô Hà Nội phải trở thành một Thủ đô xã hội chủ nghĩa” và yêu cầu: “Hà Nội cần phải củng cố và phát triển Đảng”.
Ở đó, “mỗi một xí nghiệp, mỗi một đơn vị bộ đội, mỗi một trường học, mỗi một đường phố, mỗi một cơ quan và mỗi một nông thôn ở ngoại thành phải thành một pháo đài của chủ nghĩa xã hội”; “mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên lao động phải có đạo đức cách mạng, phải thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, phải lấy phê bình và tự phê bình mà tiêu diệt chủ nghĩa cá nhân và bồi dưỡng chủ nghĩa tập thể.
Đảng viên, đoàn viên bất cứ ở đâu, bất cứ làm công việc gì, phải thật gương mẫu. Đảng bộ Hà Nội phải làm gương mẫu cho các đảng bộ khác”.
Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, Bác có dự đoán thiên tài về khả năng Mỹ ném bom Hà Nội. Cuối năm 1967, sau khi nghe báo cáo của đồng chí Phùng Thế Tài (lúc này là Phó Tổng Tham mưu trưởng phụ trách PK-KQ), Bác đã khẳng định: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng đưa B-52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua... Phải dự kiến trước mọi tình huống càng sớm - càng tốt, để có thời gian suy nghĩ chuẩn bị. Nhớ là trước khi thua ở Triều Tiên, đế quốc Mỹ đã hủy diệt Bình Nhưỡng, ở Việt Nam, Mỹ sẽ nhất định thua. Nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”.
GS.TS Hoàng Chí Bảo khẳng định, tầm nhìn chiến lược sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với sự quan tâm, hối thúc, chỉ đạo cụ thể, sâu sát của Người là nguồn sức mạnh to lớn, góp phần động viên, chỉ hướng để bộ đội phòng không, không quân, Đảng bộ và Nhân dân Hà Nội cùng cả nước vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược chủ yếu bằng B-52 trên bầu trời Hà Nội cuối tháng 12/1972, làm nên chiến thắng lịch sử “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, nức lòng Nhân dân thế giới, để Hà Nội xứng danh là“Thành phố của lương tâm và phẩm giá”.
GS.TS Hoàng Chí Bảo nói, với vị trí địa lý và vai trò đặc biệt của mình, Thủ đô Hà Nội có vinh dự, tự hào vì là một trong những nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc lâu nhất, cũng là nơi có nhiều địa danh in dấu chân. Hầu hết các tầng lớp Nhân dân, từ công nhân, nông dân, trí thức đến các chiến sĩ bộ đội, anh chị em dân quân, tự vệ, các nhân sĩ, trí thức, đồng bào tôn giáo, dân tộc, các cụ phụ lão, các cháu thanh, thiếu niên, nhi đồng, các chị lao công... đều được Bác gặp gỡ, thăm hỏi, động viên, khuyên nhủ ân cần.
“Gắn bó với những địa danh Bắc Bộ Phủ, Ba Đình, Vạn Phúc, chùa Trầm, Thanh Oai, Phủ Chủ tịch... của Hà Nội; Những bài nói, bài viết, những lần đi thăm cơ sở của Bác từ năm 1945 đến 1969 không chỉ thể hiện tầm nhìn chiến lược của lãnh tụ mà còn là minh chứng sinh động cho sự quan tâm đặc biệt của Người với Thủ đô Hà Nội, trái tim của cả nước.
Bác đã đi xa, nhưng tấm lòng, tình cảm, lời dặn dò tâm huyết và những chỉ dẫn kịp thời của Người đã trở thành nguồn sức mạnh tinh thần to lớn đối Nhân dân Hà Nội trong công cuộc bảo vệ và xây dựng, kiến thiết Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại”, GS.TS Hoàng Chí Bảo khẳng định.