Gánh khoản nợ gần 488 nghìn tỷ đồng, thu nhập của các sếp EVN ra sao?
Trong báo cáo thực trạng quản trị và cơ cấu tổ chức năm 2017 của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đã chỉ rõ mức lương, thu nhập của các thành viên trong ban lãnh đạo của tập đoàn.
Theo đó, ông Dương Quang Thành - Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN có tổng thu nhập cao nhất lên tới hơn 651 triệu đồng năm 2017, tính bình quân thu nhập 54,2 triệu đồng mỗi tháng. Nếu trừ thuế thu nhập cá nhân và các khoản khác, thu nhập của ông Thành còn 562,8 triệu đồng, tương đương 46,9 triệu đồng/tháng.
Trong khi đó, ông Đặng Hoàng An - Tổng giám đốc, Thành viên HĐTV EVN (nay là Thứ trưởng Bộ Công Thương) có tổng thu nhập xấp xỉ 620 triệu đồng năm 2017, bình quân 52,4 triệu đồng/tháng. Nếu trừ thuế thu nhập cá nhân và các khoản khác, thu nhập của ông Đặng Hoàng An còn 524 triệu đồng, tương đương 43,6 triệu đồng/tháng.
Bảng thu nhập của các thành viên trong ban lãnh đạo EVN. |
Các thành viên HĐTV EVN như ông Đào Hiếu, Mai Quốc Hội, Phạm Mạnh Thắng có mức thu thập năm 2017 khoảng 609 triệu đồng, tương đương hơn 50 triệu đồng/tháng. Nếu trừ thuế thu nhập cá nhân và các khoản khác, thu nhập của những người này còn khoảng 520 triệu đồng, tương đương 43 triệu đồng/tháng.
Trong nhóm Phó Tổng giám đốc EVN gồm ông Đinh Quang Tri, Nguyễn Tấn Lộc, Nguyễn Cường Lâm, Nguyễn Tài Anh, Ngô Sơn Hải, Võ Quang Lâm thì người có thu nhập năm 2017, cao nhất tới 609 triệu đồng là ông Nguyễn Cường Lâm. Trong khi đó, ông Đinh Quang Tri có tổng thu nhập là 608 triệu đồng; người có thu nhập thấp nhất là ông Võ Quang Lâm với 337 triệu đồng.
Theo báo cáo, Kế toán trưởng EVN cũng có mức thu nhập tới 586 triệu đồng, các thành viên trong Ban kiểm soát gồm 3 người cũng có thu nhập mỗi người lên tới 600 triệu đồng.
Trước đó, phóng viên Tuổi trẻ và Pháp luật đã gửi tới độc giả những con số tài chính (làm tròn) được chỉ ra trong báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2018 của EVN.
Tính đến thời điểm ngày 30/6/2018, EVN ghi nhận khoản nợ phải trả lên tới 487.700 tỷ đồng. |
Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2018, doanh thu thuần của EVN đạt hơn 161.000 tỷ đồng, tăng hơn 20.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, giá vốn bán hàng tăng mạnh lên mức 142.000 tỷ đồng khiến lợi nhuận gộp của tập đoàn chỉ đạt 19.200 tỷ đồng, tăng hơn 3.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2017.
Trong 6 tháng năm 2018, các khoản chi phí của EVN cũng tăng mạnh. Trong đó, chi phí tài chính lên tới 11.900 tỷ đồng, tăng 1.300 tỷ đồng với cùng kỳ năm 2017; chi phí bán hàng gần 2.940 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp lên tới 5.300 tỷ đồng, tăng gần 600 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2017; chi phí khác 180 tỷ đồng.
Kết quả, EVN lãi ròng 1.018 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2018, con số này giảm mạnh so với mức lãi 1.487 tỷ đồng 6 tháng đầu năm 2017. Trong đó, lãi công ty mẹ là 349 tỷ đồng và còn lại là lãi của cổ đông không kiểm soát.
Đáng chú ý, tính đến thời điểm ngày 30/6/2018, EVN ghi nhận khoản nợ phải trả lên tới 487.700 tỷ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn là 106.600 tỷ đồng và nợ dài hạn 381.080 tỷ đồng (trong đó riêng khoản vay và nợ thuê tài chính dài hạn chiếm tới 375.000 tỷ đồng). Trong khi đó, cùng thời điểm, vốn chủ sở hữu của EVN chỉ là 214.500 tỷ đồng.
Như vậy, nợ phải trả đã cao gấp 2,2 lần vốn chủ sở hữu, điều này đặt ra dấu hỏi về an toàn tài chính của Tập đoàn điện lực Việt Nam.
Tính cuối tháng 6/2018, tổng tài sản của EVN đạt 702.000 tỷ đồng. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn chiếm tới 24.500 tỷ đồng, tăng hơn 7.000 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm; hàng tồn kho chiếm tới 21.260 tỷ đồng, tăng gần 3.500 tỷ đồng; tài sản dở dang dài hạn 59.700 tỷ đồng; đầu tư tài chính dài hạn là 5.560 tỷ đồng...
EVN đang có gần 42.800 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn. |
Theo thuyết minh báo cáo tài chính, EVN đang có khoản tiền và các khoản tương đương tiền khoảng 52.900 tỷ đồng. Trong đó, tiền mặt chỉ vọn vẹn 156 tỷ đồng, đáng chú ý nhất là khoản 42.800 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn (trong khi số liệu của khoản mục này đến cuối năm 2017 là 32.360 tỷ đồng).
Việc doanh nghiệp gửi tiền ngân hàng lấy lãi không phải là hiếm. Tuy nhiên, nếu đặt vào vị trí của doanh nghiệp Nhà nước với hàng chục nghìn tỷ đồng để lấy lãi suất thì lại là một dấu hỏi lớn về năng lực quản trị vốn, dòng tiền của ban lãnh đạo EVN. Nếu chiếu theo lãi suất trên thị trường, có sự chênh lệch rất lớn giữa mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn (chỉ ở mức 0,20%/năm) với mức lãi suất có kỳ hạn tối thiểu 1 tháng là 4,50%/năm và kỳ hạn 60 tháng, lãi suất có thể lên trên 6,80%/năm.
Chiều 29/4, EVN đã phát đi thông tin giải thích về khoản tiền hơn 42 nghìn tỷ đồng gửi không kỳ hạn tại ngân hàng và việc quản lý dòng tiền của tập đoàn tại thời điểm 30/6/2018.
Theo đó, EVN cho biết, số dư tiền gửi nêu trên được tổng hợp từ tất cả báo cáo tài chính của các đơn vị thành viên của tập đoàn bao gồm các đơn vị sản xuất, truyền tải, phân phối và dịch vụ phụ trợ. So với số dư nợ phải ngắn hạn tại cùng thời điểm trả của EVN ( hơn 106 ngàn tỷ đồng) thì quá nhỏ chưa đủ để sử dụng cho trả nợ ngay các nhà cung cấp nhiên liệu (khí, than), bán điện… (55 ngàn tỷ đồng) và trả nợ ngân hàng đến hạn (22 ngàn tỷ đồng). Do nhu cầu vốn cho đầu tư và sản xuất kinh doanh quá lớn nên với số dư tiền gửi trên mới giúp cho EVN và các đơn vị thành viên hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Cụ thể, cơ cấu tổ chức bộ máy hiện tại của EVN có hàng chục đơn vị cấp 2 và hàng trăm đơn vị cấp 3, cấp 4 hoạt động trên các lĩnh vực đầu tư và sản xuất kinh doanh điện năng. Để đảm bảo hoàn thành được nhiệm vụ quan trọng số một là cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội và đời sống nhân dân, vì vậy mỗi đơn vị phải duy trì một số dư tiền gửi phục vụ cho công việc thường xuyên và xử lý đột xuất.
Đối với các công ty nhiệt điện cần có một số lượng tiền lớn để mở L/C thanh toán nhiên liệu nhập khẩu hoặc thanh toán cho các đơn vị cung cấp trong nước. Công ty mẹ EVN cần phải có một số tiền lớn đủ để thanh toán tiền mua điện hàng tháng cho các đơn vị bán điện. Doanh thu tiền điện thường tập trung vào cuối tháng trong khi nhu cầu thanh toán tiền nhiên liệu và điện mua ngoài thường tập trung vào đầu tháng. Vì thế số dư tiền gửi của EVN vào cuối tháng (thời điểm lập báo cáo quyết toán) thường cao hơn so với các ngày còn lại.
Trong lĩnh vực đầu tư, mặc dù nhu cầu vốn đầu tư rất lớn nhưng EVN và các đơn vị thành viên phải cung cấp đủ vốn theo kế hoạch, đáp ứng tiến độ thi công của các dự án, nhằm đảm bảo mục tiêu cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Thủ tục hoàn tất các điều kiện để giải ngân của các hợp đồng tín dụng thường bị kéo dài nên ngoài việc đảm bảo vốn đối ứng theo kế hoạch EVN và các đơn vị thành viên phải dự phòng thêm vốn để thanh toán cho nhà thầu trong trường hợp chậm giải ngân vốn từ các Hợp đồng tín dụng nhằm đảm bảo tiến độ đã đề ra của các dự án nhất là các dự án cấp bách, trong điểm.
Tập đoàn điện lực Việt Nam thừa nhận hiện tại đơn vị có số dư nợ vay rất lớn vì thế nhu cầu trả nợ trong năm tương đối cao, đòi hỏi EVN phải duy trì số dư đủ để trả nợ khi đến hạn để đảm bảo tín nhiệm tín dụng cho các khoản vay trong tương lai. "EVN đã chỉ đạo các đơn vị cân đối dòng tiền để đảm bảo thanh toán kịp thời cho các nhà cung cấp theo quy định của hợp đồng đã ký đồng thời thực hiện các giải pháp thích hợp để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của đơn vị'', EVN cho biết.