Gánh hàng rong của những người phụ nữ tần tảo
Họ là những người tá túc và lấy thành phố làm một trú xứ, rong ruổi nay đây mai đó kiếm cơm. Họ là những người nghèo giữa thành phố đông đúc, xô bồ của thành phố hiện đại, nhưng riêng họ vẫn giữ nguyên bộ dạng hom hem với nỗi tủi hờn của kiếp người lầm than.
“Gia đình cô cả nhà đều làm nông, thu nhập chính từ dăm 3 sào ruộng không đủ để nuôi con cái ăn học. Trăn trở băn khoăn mãi cô mới quyết định lên thành phố, với hi vọng sẽ kiếm được nghề nào đấy đủ để trang trải cho cuộc sống, không biết may rủi thế nào lại làm phải nghề này, rồi gắn bó từ lúc đấy đến bây giờ”, Cô Cao Thu Trang một người bán hàng rong ở Lý Thái Tổ (Hoàn Kiếm, Hà Nội) nói giọng ẩn chứa nhiều nỗi lo âu.
Khi mà nỗi lo cơm áo gạo tiền trở thành nỗi lo hàng ngày đối với gia đình cô Trang, quyết định lên thành phố với mong muốn tìm được công việc tốt để phần nào đỡ đần cho tài chính của gia đình. “Mỗi khi cô gọi điện về nhà đều cố cầm những giọt nước mắt lại”, Cô Trang tâm tình.
Cố trấn an tôi bằng giọng nói điềm tĩnh: “Cuộc sống dù thế nào cũng rất công bằng”. “Những người làm nghề gánh hàng rong đi bán như bọn cô, kể ra cũng vui, được đi đây đi đó, qua năm này sang tháng khác, vậy là vui rồi”.
Với đôi quang gánh nặng trĩu trên vai, những người bán hàng rong miệt mài bán đủ các mặt hàng nào trái cây, nào gánh rau thơm, nào đồ ăn vặt… Phần lớn những người bán hàng rong mà chúng tôi tiếp cận được chủ yếu là phụ nữ trung niên từ 40-60 tuổi. Họ rời quê lên thành phố đã nhiều năm nay, chủ yếu là ở các tỉnh lẻ như Thái Bình, Hà Giang, Lạng Sơn,... “Mỗi người, mỗi một quê hương, mỗi một gia cảnh khác nhau, người thì quê ở Thái Bình, có người lại ở Hà Giang,... nhưng đều chung một nỗi lo chung đấy là cơm áo gạo tiền”. “Có những người đã gắn bó với nghề cũng được 5 năm, 10 năm, thậm chí là 20 năm, vất vả khổ cực là vậy nhưng họ cũng có tìm được những niềm vui nho nhỏ riêng cho mình”, cô Trang kể lại, tay vẫn cắt nốt quả xoài để kịp bán.
Ngày mưa cũng như ngày nắng, họ miệt mài chở những gánh hàng đi muôn nơi, chở cả nỗi lo của người mẹ giành cho những đứa con, chở cả nỗi nhớ của một người vợ nhớ chồng, đôi quang gánh dường như trở nên nặng trĩu hơn trên đôi vai của họ. “Bán được 5 nghìn cũng chả dám ăn, tích góp gửi về quê cho con cái ăn học”- cô Mai một người bán hàng rong trên phố Hàng Bông chia sẻ.
Nỗi lo trăn trở “ Làm gì để kiếm ra tiền” để nuôi sống mình, để nuôi sống gia đình dường như hằn sâu lên khuôn mặt của cô. Đôi mắt thâm sâu, đôi tay sần sùi làm tôi thấy thương cô và những người phụ nữ bán hàng rong nhiều hơn.
Cô Cao Thu Trang bên gánh hàng rong của mình.
Trời Hà Nội đang độ giao mùa, cái lạnh “nàng bân” cũng khó mà che được bằng tấm áo mỏng. Những gánh hàng rong bắt đầu với nhịp đập của cuộc sống đô thị từ tờ mờ sáng đến tối muộn. Phận gái một mình nơi đất khách quê người mà lại đi sớm về muộn. Những nơi họ đã đi qua, rớt rơi những giọt mồ hôi, hằn in những dấu chân mệt mỏi nhưng họ vẫn không bỏ cuộc. Họ vẫn sống, sống để thấm hết nỗi đau khổ ở đời.
“Có lần chị bày hàng trên phố để bán, không may lại bị công an dẹp trật từ thu hết đồ, thế là hôm đấy xem như là một ngày đen đủi”- chị Phí Thị Lương bán hàng rong trên đường Phạm Văn Đồng kể lại. “Mất hết cả vốn lẫn lời, chị chẳng biết làm thế nào, nhiều đêm chỉ biết bừng mặt nằm khóc”, chị Lương nhớ lại.
Vì nghĩ cho gia đình vì cuộc sống mưu sinh họ chẳng thèm màng đến những mối nguy hiểm cận kề đang rình rập. Cả đời họ vất vả long đong, lận đận rồi mà đến nơi buôn bán cũng bị dẹp. “Đã có lần chị định nghỉ bán nhưng rồi chị nghĩ lại, chị mà nghỉ, ai sẽ nuôi con?”- Chị Lương nói tiếp đôi mắt long lanh nhìn về phía xa xăm, tôi biết là chị đang buồn, một nỗi buồn ẩn sau những gánh hàng.
Là phụ nữ ai mà chẳng yêu hoa, yêu những món quà. Đối với những người phụ nữ bán hàng rong, ước muốn của họ chỉ đơn giản là bán hết được gánh hàng, hay ước muốn nhỏ nhoi được trở về bên gia đình yêu thương, được quây quần bên mâm cơm gia đình không phải lo nghĩ về cơm áo gạo tiền nữa. Cô Trang khóc nghẹn tâm tình: “Bây giờ cô chỉ có một ước muốn thôi đó là con trai của cô đỗ đại học để sau này có một công việc tốt, không còn khổ như mẹ nó nữa”.
Xuân đến, hạ sang, thu về rồi đông lại đến, quanh năm, suốt tháng với công việc lặng lẽ ấy để làm sao có tiền nuôi gia đình là mong ước lớn nhất của những người phụ nữ tần tảo...