Gần 10.000 nhân viên y tế bỏ việc: Vì đâu nên nỗi?

Áp lực cao, thu nhập thấp, môi trường làm việc quá vất vả đã khiến cho 9.680 nhân viên y tế xin thôi hoặc bỏ việc chỉ trong vòng hơn 1 năm qua. "Làn sóng" này sẽ còn tiếp tục nếu chế độ đãi ngộ, điều kiện làm việc và mức thu nhập dành cho họ không sớm cải thiện.
Hà Nội hỗ trợ từ 5 - 10 triệu đồng cho cán bộ, nhân viên y tế Hà Nội dự kiến hỗ trợ nhân y tế 257.859 triệu đồng Xem xét quy định chế độ hỗ trợ cho y, bác sĩ và nhân viên y tế của TP Hà Nội

9.680 nhân viên y tế xin thôi hoặc bỏ việc

Số liệu thống kê của Bộ Y tế cho thấy, từ ngày 1/1/2021 - 30/6/2022 có 9.680 nhân viên y tế xin thôi việc hoặc bỏ việc, bao gồm: 3.094 bác sĩ, 2.874 điều dưỡng, 551 kỹ thuật y, 276 hộ sinh, 593 dược, 2.280 viên chức khác.

Trong đó có 8.810 nhân viên y tế thuộc quyền quản lý của sở y tế các tỉnh, thành phố và 870 viên chức y tế thuộc thẩm quyền quản lý của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc bộ.

Một số tỉnh, thành phố có số lượng viên chức thôi việc, bỏ việc cao như TP.HCM có 2.035, Hà Nội có 1.032, Đồng Nai có 496, Bình Dương có 368, An Giang có 297, Long An có 266, Đà Nẵng có 248, Cần Thơ có 238, Đồng Tháp có 204...

Đáng nói, nhân lực y tế có trình độ bác sĩ xin thôi việc, bỏ việc hoặc chuyển sang cơ sở y tế ngoài công lập có ở tất cả các chuyên khoa như hồi sức cấp cứu, truyền nhiễm, nội, ngoại, sản, nhi và cận lâm sàng.

Vì đâu nhân viên y tế bỏ việc?
Biểu đồ trên cho thấy số lượng bác sĩ bỏ việc cao nhất, chiếm 32% (3.094 người)

Thống kê cũng cho thấy, một số bệnh viện có số lượng nhân viên y tế nghỉ việc nhiều được kể đến như: Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh(134 người), Bệnh viện Thống Nhất (86 người), Bệnh viện Trung ương Huế (63 người), Bệnh viện Bạch Mai (60 người), Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam (59 người), Bệnh viện Chợ Rẫy (48 người).

Giải pháp nào “níu chân” cán bộ y tế ?

Điều dưỡng viên Đinh Ngọc H, công tác hơn 10 năm nay tại một trung tâm y tế ngoại thành Hà Nội. Cách đây 2 tháng, dù rất gắn bó với nơi làm việc và đồng nghiệp nhưng chị cũng đành "gạt nước mắt" viết đơn xin thôi việc để chuyển về một bệnh viện tư cạnh nhà chỉ vì thu nhập ở đó đảm bảo đời sống hơn. "Nếu trước đây, tôi trực triền miên, công việc áp lực, dịch bệnh nguy hiểm vậy nhưng thu nhập chỉ được 7 triệu đồng thì nay, sang đơn vị mới, tôi có thể được gấp đôi. Điều kiện làm việc lại đảm bảo, tinh thần ổn định khiến tôi an tâm gắn bó với nơi làm việc" - chị H chia sẻ với PV Báo Tuổi Trẻ Thủ Đô.

Theo Bộ Y tế, nguyên nhân của "làn sóng" nhân viên y tế khu vực công nghỉ việc là do thu nhập thấp, dịch bệnh bùng phát, phải làm việc cường độ cao trong thời gian dài, hầu như không có ngày nghỉ. Họ cũng phải làm việc trong môi trường nguy hiểm, nguy cơ mắc bệnh, thậm chí ảnh hưởng tính mạng. Điều này tác động đến tâm lý, động lực làm việc của nhân viên y tế. Bên cạnh đó còn là áp lực về việc thiếu điều kiện, cơ sở vật chất để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, áp lực của xã hội, gia đình và người thân.

Từng chia sẻ với báo giới, TS. Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế cho hay): y bác sĩ nghỉ việc do thu nhập thấp là điều tất yếu. Bởi lẽ, theo vị chuyên gia này, một bác sĩ để có kỹ năng thực hành y khoa được người bệnh công nhận, ít nhất phải có chục năm được đào tạo, tập huấn, cập nhật kiến thức y khoa liên tục. Thời điểm này, họ đã 30-35 tuổi và phải đối mặt với gánh nặng, trách nhiệm về con cái, gia đình. Mức lương khoảng 5-7 triệu đồng không thể khiến họ yên tâm công tác, cống hiến được.

Trong khi đó, người giúp việc hiện nay có mức lương khoảng 7-10 triệu đồng, người phụ hồ với mức chi trả hơn 300 nghìn/ngày công, cũng có số thu nhập 9-10 triệu đồng/tháng. “Điều này khiến bất cứ ai cũng phải đặt lên bàn cân để so sánh” – TS. Nguyễn Huy Quang nói.

Vì đâu nhân viên y tế bỏ việc?
Áp lực dịch bệnh và thu nhập thấp, môi trường làm việc vất vả đã khiến nhân viên y tế tại bệnh viện công bỏ việc hoặc chuyển sang bệnh viện tư

Ngày 18/9, tại Diễn đàn kinh tế - xã hội Việt Nam 2022, trong tham luận, Bộ Y tế đã đưa ra giải pháp khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực y tế công lập. Đó là xây dựng chính sách thu hút, trọng dụng nhân viên y tế làm việc tại các bệnh viện công lập, nhất là vùng sâu, như tăng phụ cấp lên 100%; cải thiện môi trường, điều kiện làm việc của cán bộ, viên chức y tế; mua sắm đầy đủ trang thiết bị, vật tư, thuốc, để cung cấp dịch vụ đáp ứng nhu cầu người dân. Bên cạnh đó, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp được yêu cầu tạo dựng môi trường thân thiện, minh bạch, xây dựng văn hóa công sở để nhân viên y tế gắn bó, tự hào về nghề nghiệp và đơn vị công tác.

Bảo Phương
Phiên bản di động