Uống thuốc gia truyền bỏ chất độc, nam thanh niên mắc ung thư
BS Đào Hữu Ghi, Trưởng khoa Điều trị bệnh da nam giới, BV Da liễu TƯ cho biết, mới đây viện tiếp nhận nam thanh niên 35 tuổi, tiền sử bị vảy nến 10 năm nay.
Khi bệnh nhân tới khám, trên người, vùng lòng bàn chân xuất hiện nhiều nốt sẩn nâu dày sừng rải rác kèm theo các nốt sần lớn, màu nâu, bong vảy khô, kích thước 1x1 cm ở thành bụng, nghi ngờ ung thư da.
Khai thác tiền sử, bệnh nhân cho biết đã uống thuốc đông y dạng viên không rõ nguồn gốc nhiều năm nay đề trị vảy nến.
Qua thăm khám và làm các xét nghiệm, bác sĩ kết luận, ngoài vảy nến, bệnh nhân mắc ung thư da dạng biểu mô vảy biệt hoá tốt. Các nốt sẩn dày sừng là đặc trưng của ngộ độc arsen mạn tính.
Bệnh nhân được chẩn đoán mắc ung thư da do tự ý điều trị thuốc đông y không rõ nguồn gốc chứa arsen |
Bệnh nhân không có yếu tố nghề nghiệp tiếp xúc với arsen, trong sinh hoạt hàng ngày sử dụng nước máy. Do đó, bác sĩ nhận định, nhiều khả năng bệnh nhân nhiễm độc arsen do sử dụng thuốc đông y không rõ nguồn gốc để điều trị vảy nến.
BS Ghi cho biết, arsen vô cơ (thạch tín) là kim loại nặng. Trước đây, arsen được sử dụng trong điều trị vảy nến nhưng các nghiên cứu cho thấy tính độc hại của nó, nên hiện nay đã không được dùng.
Arsen được xếp vào nhóm chất độc gây hậu quả nghiêm trọng với sức khoẻ. Tiếp xúc với lượng arsen thấp trong thời gian dài có thể làm thay đổi cách các tế bào giao tiếp với nhau và giảm chức năng hoạt động của chúng, thúc đẩy sự phát triển của bệnh thận, ung thư da, bệnh tim mạch và phổi, thậm chí có thể tử vong khi hấp thụ một lượng lớn.
BS Ghi khuyến cáo, bệnh vảy nến là một bệnh mạn tính, có thể bùng phát từng đợt, bệnh có thể duy trì ổn định nếu bệnh nhân thăm khám thường xuyên và tuân thủ theo điều trị của bác sĩ và có chế độ sinh hoạt lành mạnh.
Rất tiếc, một số bệnh nhân với tâm lý có bệnh thì vái tứ phương, đã sử dụng rất nhiều loại thuốc không rõ thành phần, nguồn gốc khiến bệnh không những không khỏi mà còn chịu nhiều tác dụng phụ nguy hiểm khác.
Để tránh những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra, người dân khi mắc vảy nến nên đến cơ sở y tế chuyên khoa để được khám, tư vấn và điều trị đầy đủ.
Theo thống kê, Việt Nam có khoảng 1,5 – 2% dân số mắc bệnh vảy nến. Cơ chế sinh bệnh vảy nến bao gồm yếu tố gen di truyền, rối loạn yếu tố miễn dịch, và các yếu tố từ môi trường. Yếu tố di truyền, nếu bố hoặc mẹ bị bệnh thì có khoảng 8% con bị bệnh, nếu cả bố và mẹ bị bệnh thì tới 41% con mắc bệnh. Các yếu tố khác như nhiễm khuẩn, chấn thương, thuốc, thức ăn...