Đừng để nhà "không lối thoát" làm mồi cho hỏa hoạn

Thời gian qua, trên địa bàn thành phố Hà Nội xảy ra nhiều vụ hỏa hoạn nghiêm trọng, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản.
Lãnh đạo TP Hà Nội thăm hỏi, hỗ trợ gia đình nạn nhân vụ cháy nhà ở phố Tôn Đức Thắng Bar X5 Club xảy ra hỏa hoạn chết người khi đang bị đình chỉ hoạt động

Chưa có quy định bắt buộc về phòng, chống cháy nổ đối với nhà ở riêng lẻ

Tốc độ đô thị hóa nhanh khiến nhiều người chỉ quan tâm về an toàn cháy nổ, thoát hiểm, cứu hộ cứu nạn công trình cao tầng, nhà chung cư. Vấn đề làm sao đảm bảo an toàn về cháy nổ, thoát hiểm cho những công trình nhà riêng ở mặt đất, nhất là nhà trong ngõ dường như đang bị xem nhẹ. Nhiều vụ cháy nổ gây hậu quả thiệt hại lớn về người và tài sản tại những ngôi nhà riêng ở mặt đất vẫn xảy ra thường xuyên.

Thống kê của Công an thành phố Hà Nội cho thấy, từ đầu năm 2021 đến nay, trên địa bàn Thủ đô đã xảy ra 6 vụ cháy, nổ gây hậu quả nghiêm trọng và đều tại loại hình nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.

Điển hình là vụ cháy ngày 4/4/2021 khiến 4 người tử vong ở số nhà 311 phố Tôn Đức Thắng (quận Đống Đa). Đáng nói, ngôi nhà này chỉ có lối thoát hiểm duy nhất ở tầng 1 nên đã gây khó khăn rất lớn cho việc giải cứu người và tài sản.

Đừng để nhà
Từ đầu năm 2021 đến nay, trên địa bàn Thủ đô đã xảy ra 6 vụ cháy, nổ gây hậu quả nghiêm trọng và đều tại loại hình nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh

Trung tá Nguyễn Minh Thành, Phó Trưởng Công an quận Đống Đa phân tích: Thực tế cho thấy, lối thoát hiểm là yếu tố quan trọng hàng đầu khi xảy ra hỏa hoạn, đặc biệt là với các công trình nhà ở dạng ống nằm sâu trong ngõ phố nhỏ. Trong khi đó, hiện nay mỗi ngôi nhà dạng ống liền kề thường kết cấu ba mặt giáp với nhà bên cạnh, trong khi cửa ra vào chính ở mặt tiền và ban công thường bị che chắn kiên cố để chống trộm nên không có lối thoát hiểm nếu lửa bùng phát từ phía mặt tiền. Hiện trạng này xảy ra phổ biến tại các quận trung tâm thành phố…

Rất nhiều nguyên nhân đã được chỉ ra song công tác quản lý Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy đối với công trình nhà ở riêng lẻ tại thành phố Hà Nội đang phải đối mặt với không ít khó khăn. Đáng chú ý, đến thời điểm này vẫn chưa có quy chuẩn, quy định bắt buộc về phòng, chống cháy nổ đối với nhà ở riêng lẻ, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, hiện nay các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương chủ yếu vẫn dừng lại ở tuyên truyền, nhắc nhở, khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy.

Để hạn chế thấp nhất thiệt hại đối với người và tài sản khi xảy ra cháy, nổ tại nhà ở riêng lẻ, hộ gia đình kết hợp sản xuất, kinh doanh, trong khi chờ ban hành bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy, chữa cháy, trước mắt các cấp, ngành, địa phương cần thực hiện tốt Kế hoạch số 131/KH-UBND ngày 27/5/2021 của UBND thành phố Hà Nội về thực hiện đợt cao điểm tuyên truyền, kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.

Đừng để nhà
Những căn nhà ống "không lối thoát" nằm sâu trong ngõ, phố nhỏ nếu xảy ra hỏa hoạn sẽ rất khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc giải cứu người và tài sản

Trong đó, các cấp, ngành chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng cháy, chữa cháy cho Nhân dân, nhất là kỹ năng thoát hiểm khi xảy ra cháy, nổ; Tăng cường hướng dẫn, kiểm tra việc tuân thủ các quy định về phòng cháy, chữa cháy đối với các hộ gia đình trên địa bàn quản lý…

Cần thiết phải mở lối thoát hiểm

Theo lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội, hiện nay pháp luật quy định chỉ có công trình riêng lẻ làm khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ 5 tầng trở lên hoặc có khối tích trên 5.000m3 mới buộc phải có thiết kế phòng cháy, chữa cháy. Cùng với đó, thực tế đất chật, người đông nên hầu hết các công trình nhà ở riêng lẻ trong khu dân cư đều chỉ chú trọng đến tận dụng diện tích cho công năng sử dụng, chưa tính toán đến các yêu cầu kỹ thuật khác, trong đó có vấn đề phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ.

Về nguyên tắc kiến trúc, KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam nêu ý kiến, với công trình nhà ở riêng lẻ mặt đất cần có nhiều cửa. Ngoài cửa sổ, lỗ thoáng để thông khí, cần tính đến thiết kế lối thoát hiểm khi có sự cố.

Tuy nhiên, thực tế ở các đô thị cũ là ngõ, phố nhỏ, diện tích cũng nhỏ, nhà đất liền kề san sát, phương tiện chữa cháy, cứu hộ cứu nạn gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận. Dù thế, người dân sinh sống trong điều kiện như vậy càng cần quan tâm đặc biệt đến việc thoát hiểm.

Đừng để nhà
Lực lượng chức năng cứu người bị nạn trong diễn tập chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ ở khu dân cư tại phường Phương Mai

“Các tầng đều phải có lối mở ra ngoài, không nên chỉ có một lối ra, vào như phần lớn nhà có kiến trúc dạng ống hiện nay. Nếu sử dụng khung sắt để chống trộm đột nhập, cũng cần để một khoảng đóng mở được. Khi thiết kế, cần có giếng trời tạo thông thoáng trong sinh hoạt hằng ngày nhưng cũng là nơi để khói, hơi độc phát tán khi xảy cháy… Chủ sử dụng nên có sẵn phương án thoát hiểm khi gặp sự cố để có thể tự bảo vệ mình trước khi lực lượng chức năng có mặt", KTS Tùng khuyến cáo.

Cũng theo KTS Tùng, các hộ dân ở gần nhau có thể tạo thành một mặt bằng trên sân thượng với quy mô khoảng 10 hộ để tạo thêm khoảng trống thoát hiểm trên sân thượng. Nếu dùng khóa thì thường xuyên kiểm tra độ trơn nhạy của khoá, để chìa tại 1 nơi cố định đề phòng khi có sự cố, mất điện, ánh sáng kém vẫn có thể dễ dàng tìm thấy. Như vậy cũng đúng với truyền thống hàng xóm tối lửa, tắt đèn có nhau hay bán anh em xa, mua láng giềng gần.

KTS Tùng cũng cho rằng, ở các tổ dân phố nên phát động sự “liên minh”, phối hợp của các hộ gia đình để tăng cường bảo đảm an toàn cháy nổ, tăng tình đoàn kết hơn. Muốn làm được vấn đề này, thì tổ trưởng tổ dân phố, hội phụ nữ… cần vận động, làm nòng cốt, gương mẫu triển khai để tạo phong trào.

Cơ quan chức năng có thể xây dựng đề án, làm thí điểm tại một số địa phương theo hướng mỗi quận chọn một vài phường, khu vực làm thí điểm, qua thời gian nhất định, đánh giá lại ưu nhược điểm để rút kinh nghiệm, tuyên truyền nhân rộng mô hình nếu thấy hiệu quả tốt.

Một số chuyên gia về xây dựng, đô thị, nêu ý kiến, phần lớn người dân đều không quan tâm đến làm lối thoát hiểm trong nhà mình. Để người dân quan tâm hơn đến lối thoát hiểm, ngoài việc thường xuyên tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, cơ quan chức năng có thể nghiên cứu, vận dụng khéo léo lồng ghép quy định khi xin cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ phải có giải pháp thoát hiểm hoặc nhắc nhở chủ công trình lưu tâm thực hiện.

Nguồn: Tuổi trẻ Thủ đô
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động