"Động thiên thai giữa lòng Hà Nội": Có hay không việc 'nhắm mắt làm ngơ'?
Trách nhiệm của ai?
Thời gian qua, Báo Tuổi trẻ Thủ đô đã đăng tải những bài viết, hình ảnh phản ánh về hoạt động “thác loạn” tại một số quán karaoke trên địa bàn một số quận nội thành Hà Nội như quận Ba Đình, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng.
Đáng nói, những gì mà nhóm phóng viên Báo Tuổi trẻ Thủ đô ghi nhận được có lẽ đã vượt xa sức tưởng tượng của người dân, dư luận, bởi ngay giữa Thủ đô Hà Nội mà vẫn ngang nhiên diễn ra các hoạt động đồi trụy, biến tướng như vậy.
Những hình ảnh thác loạn tại quán karaoke Rồng Vàng số 2B phố Nguyễn Khang, Cầu Giấy; 21 Châu Long, quận Ba Đình và 107 Bùi Thị Xuân, quận Hai Bà Trưng không thể chấp nhận được ở giữa Hà Nội. |
Vấn đề là việc biến tướng loại hình hát karaoke thuần túy thành các “động” khiêu dâm diễn ra ngang nhiên, không cần giấu giếm này thì các nhà chức trách, những người nắm giữ và thực thi pháp luật tại các địa bàn được phản ánh có biết không, hay biết nhưng lại nhắm mắt làm ngơ (?!).
Hơn nữa, từ lâu, việc mua bán dâm hay những mô hình kinh doanh kích dục đã bị dư luận lên án. Thế nhưng, thực tế không riêng gì loại hình quán hát karaoke mà còn khá nhiều các loại hình dịch vụ nhạy cảm khác vẫn đang biến tướng tồn tại trên địa bàn TP Hà Nội.
Một lần nữa lại đặt ra dấu hỏi là chính quyền và lực lượng công an quản lý địa bàn có biết không, hay lại phải nhờ một lực lượng khác không phải công vụ là báo chí vào cuộc ''chỉ việc'' mới biết, đó là một điều khó có thể chấp nhận giữa Hà Nội trọng pháp.
Chủ tịch quận 'né' sự thật
Chiều 5/12, tại kỳ họp thứ 11, HĐND TP Hà Nội, trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thanh Bình liên quan đến hoạt động kinh doanh karaoke, ông Bùi Tuấn Anh - Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy cho biết, loại kinh doanh quán karaoke đã để lại một bài học xương máu cho quận sau vụ hỏa hoạn làm nhiều người chết ở quán karaoke 68 Trần Thái Tông (phường Dịch Vọng Hậu).
Ông Bùi Tuấn Anh - Chủ tịch quận Cầu Giấy. |
Theo vị Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy, năm 2019, quận này đã ban hành một kế hoạch và ba văn bản chỉ đạo kiểm soát hoạt động karaoke, kinh doanh dịch vụ văn hóa. "Kết quả, trong năm 2019 chúng đã kiểm tra 85 lượt và xử phạt 65 cơ sở, thu gần 1,4 tỷ đồng, mặc dù số lượng tiền phạt rất lớn tuy nhiên các quán vẫn cố tình hoạt động theo cách của họ. Ngay sau khi báo nêu chúng tôi đã tiến hành kiểm tra nhưng lại không quán nào hoạt động, đó là một điều rất bất thường", ông Bùi Tuấn Anh nói.
Bên cạnh đó, ông Bùi Tuấn Anh cũng thừa nhận có việc biến tướng trong hoạt động karaoke, và việc quản lý đang còn một số tồn tại khó khăn do hoạt động về đêm từ 0h sáng, chế tài chưa đủ sức răn đe. "Chúng tôi đề nghị các ngành thành phố, các cơ quan báo chí tạo điều kiện giúp đỡ, bởi các cán bộ đi kiểm tra thì thường bị lộ mặt. Chúng tôi cũng muốn có những chuyên đề của công an để chúng ta xử lý dứt điểm, đồng thời có một chế tài xử phạt dứt khoát", ông Bùi Anh Tuấn.
Ông Vũ Đại Phong - Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng. |
Cũng trả lời chất vấn về vấn đề trên, ông Vũ Đại Phong - Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng cho biết, sau khi báo chí và mạng xã hội phản ánh, quận đã nắm được thông tin và đã giao Công an quận cùng với UBND phường kiểm tra cơ sở 107 Bùi Thị Xuân. "Qua kiểm tra thì tại thời điểm kiểm tra không có các hoạt động như được phản ánh. Hiện nay, chúng tôi đang chỉ đạo tăng cường quản lý các loại hình nhạy cảm này, riêng quán karaoke 107 Bùi Thị Xuân thì trong năm 2018 đã kiểm tra 4 lần và có các xử phạt hành chính về sử dụng lao động quá theo quy định và các vi phạm hành chính khác", ông Phong nói.
Câu trả lời của Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng, UBND Cầu Giấy rõ ràng khiến dư luận không khỏi băn khoăn về việc khả năng thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình. Bởi rõ ràng, sau khi báo chí phản ánh, các quán karaoke chắc chắn sẽ có sự chuẩn bị và việc lực lượng chức năng khi tiến hành kiểm tra và không phát hiện vi phạm là chuyện đương nhiên.
Vấn đề đáng nói là vì sao các quán karaoke hoạt động biến tướng, đồi trụy một thời gian dài nhưng với trách nhiệm quản lý, kiểm tra, giám sát của mình chính quyền địa phương lại không biết. Có hay không việc bảo kê cho vi phạm, đó là câu hỏi được dư luận đặt ra trong sự việc này.
Nhận định về trách nhiệm trong sự việc trên, Luật sư Phan Thị Lam Hồng - Giám đốc Công ty Luật Đông Hà Nội cho biết: "UBND quận có trách nhiệm chung về quản lý hành chính trên địa bàn, còn lực lượng công an có nhiệm vụ đảm bảo công tác an ninh trật tự. Như báo phản ánh thì ở đây chính quyền và công an đều phải có trách nhiệm, trong đó Chủ tịch UBND quận, phường và Trưởng Công an quận, phường nơi xảy là sự việc phải có trách nhiệm trong vai trò người đứng đầu''.
Theo Luật sư Hồng, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các văn bản quy định trách nhiệm quản lý địa bàn của UBND TP Hà Nội ban hành đã quy định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể, vì vậy, để xảy ra sự việc trên không thể thiếu trách nhiệm của UBND quận, Công an quận và cấp phường.
"Đây là sự việc nghiêm trọng vì nó xảy ra ngay ở Hà Nội, trung tâm kinh tế chính trị của đất nước, việc để xảy ra các hoạt động biến tướng trên theo tôi cần làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm. Hơn nữa, cần nâng cao hơn nữa vai trò quản lý địa phương của những người đứng đầu trong công tác phát hiện, xử lý vi phạm, không lẽ cứ để người dân tố giác, báo chí phản ánh mới vào cuộc thì không xứng đáng với chức trách, nhiệm vụ được giao", Luật sư Hồng nhận định.
Cũng theo Luật sư Hồng, ngoài việc múa khiêu dâm, đồi trụy, lực lượng chức năng cần kiểm tra sát sao về công tác phòng cháy chữa cháy tại các quán karaoke. "Vụ cháy quán karaoke ở đường Trần Thái Tông hồi tháng 11/2016 làm 13 người bị thiệt mạng là một bài học đau xót, những người gây ra vụ việc đã phải nhận bản án thích đáng, nhưng trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương lại chưa được làm rõ", vị Luật sư nhận định.