Đối tượng nào có nguy cơ diễn biến nặng do đậu mùa khỉ?

Trẻ em, phụ nữ có thai, người có bệnh nền như cao huyết áp, tiểu đường, người mắc các bệnh lý suy giảm miễn dịch như HIV/AIDS, đang điều trị hóa chất, hóa trị, xạ trị,… là đối tượng có nguy cơ diễn biến nặng khi mắc bệnh đậu mùa khỉ.
Bệnh nhân đầu tiên mắc bệnh đậu mùa khỉ tại Việt Nam có nguồn lây từ nước ngoài Bộ Y tế chỉ đạo khẩn về phòng chống bệnh đậu mùa khỉ TP Hồ Chí Minh ghi nhận ca đậu mùa khỉ đầu tiên

Đó là khuyến cáo của Tiến sĩ Trần Văn Giang, Phó viện trưởng Viện Đào tạo và Nghiên cứu các bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Dấu hiệu đặc trưng nhất của bệnh đậu mùa khỉ

Trả lời báo chí, tiến sĩ Trần Văn Giang cho biết, dấu hiệu đặc trưng nhất của bệnh đậu mùa khỉ bao gồm phát ban dạng phỏng nước, kèm theo đó là sốt cao, đau đầu và sưng hạch ngoại vi. Tuy nhiên, đa số bệnh nhân mắc bệnh đầu mùa khỉ trên thế giới đến nay đều có diễn biến nhẹ và có thể tự khỏi.

Song cũng có một số trường hợp có nguy cơ diễn biến nặng khi mắc đậu mùa khỉ là trẻ em, phụ nữ có thai, người mắc các bệnh lý suy giảm miễn dịch như HIV/AIDS, đang điều trị hóa chất, hóa trị, xạ trị, người có bệnh nền như cao huyết áp, tiểu đường, bệnh mạn tính khác… Vì thế, các trường hợp này buộc phải nhập viện và được theo dõi chặt chẽ nếu không may mắc đậu mùa khỉ.

Ai có nguy cơ diễn biến nặng do đậu mùa khỉ?
Phụ nữ có thai có nguy cơ diễn biến nặng khi mắc bệnh đậu mùa khỉ

Người dân không nên tự ý mua thuốc điều trị

Việt Nam đã ghi nhận ca mắc đậu mùa khỉ đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh thông qua giám sát dịch tễ. Để chủ động phòng chống dịch bệnh đậu mùa khỉ ở nước ta,Tiến sĩ Trần Văn Giang cho rằng, việc đầu tiên cần phải làm những trường hợp có yếu tố dịch tễ như đi, đến, về từ nơi có dịch kèm các dấu hiệu nêu trên cần được theo dõi và giám sát chặt chẽ về mặt ca bệnh.

“Bệnh đậu mùa khỉ được lây nhiễm từ động vật sang người và từ người sang người. Với con đường từ động vật sang người thì người dân không nên tiếp xúc hoặc giết, mổ những loài động vật không rõ nguồn gốc cũng như các con vật ốm, chết. Với trường hợp lây từ người sang người, chúng ta cần hạn chế tiếp xúc với những ca bệnh nghi ngờ hoặc đã được khẳng định mắc đậu mùa khỉ. Đồng thời, hạn chế tiếp xúc với vật dụng xung quanh người bệnh” – TS Trần Văn Giang cho biết.

Ngoài ra, bệnh đậu mùa khỉ cũng có thể lây qua giọt bắn của đường hô hấp, do vậy, chúng ta nên duy trì thói quen đeo khẩu trang. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp; rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau khi ho, hắt hơi. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.

Ai có nguy cơ diễn biến nặng do đậu mùa khỉ?
Các chuyên gia khuyến cáo, người dân không nên lơ là, mất cảnh giác với căn bệnh đậu mùa khỉ

Trả lời câu hỏi của PV về việc sử dụng vaccine để phòng ngừa căn bệnh này, vị chuyên gia cho biết vaccine đậu mùa khỉ hiện chưa được sản xuất và sử dụng phổ biến. Do đó, chúng ta sẽ phải chờ đợi thêm hướng dẫn từ WHO trong việc sử dụng vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ. Vị chuyên gia này cũng khuyến cáo, người dân không nên quá hoang mang mà tự ý mua thuốc, hoặc nghe lời mách bảo không có cơ sở khoa học để tự điều trị. Khi có triệu chứng, nên thông báo đến các cơ sở y tế để có phương án cách ly, điều trị kịp thời. Ông cũng nhận định, đậu mùa khỉ trở thành dịch nhưng mức độ không thể như COVID-19, song người dân không vì thế mà lơ là, mất cảnh giác, chủ quan mà phải phòng tránh lây nhiễm tối đa.

Ngày 3/10/2022, Việt Nam đã ghi nhận ca mắc đậu mùa khỉ đầu tiên là nữ, 35 tuổi, thường trú tại TP Hồ Chí Minh; khởi phát bệnh ngày 18/9/2022 khi đang du lịch tại Dubai (từ tháng 7/2022 đến 22/9/2022 về Việt Nam) với triệu chứng sốt kèm mệt mỏi, ớn lạnh, đau cơ, đau đầu và ho, xuất hiện các nốt đỏ, ngứa trên cánh tay, thân mình và mặt.

Cơ quan chức năng cũng đang tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ; tiếp tục điều tra dịch tễ, xử lý ổ dịch, cách ly, điều trị bệnh nhân theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế.

T.Sơn
Phiên bản di động