Bộ Y tế chỉ đạo khẩn về phòng chống bệnh đậu mùa khỉ

Chiều 3/10, trước tình hình bệnh đậu mùa khỉ diễn biến phức tạp, Bộ Y tế đã gửi Công văn khẩn số 5470/BYT-DP đến Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường phòng chống bệnh Đậu mùa khỉ.
Hà Nội tăng cường công tác kiểm tra, giám sát phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ Bộ Y tế hướng dẫn cách phòng ngừa lây nhiễm bệnh đậu mùa khỉ tại cơ sở y tế Bộ Y tế hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh đậu mùa khỉ

Theo đó, Bộ Y tế nhận định từ tháng 5/2022 đến nay, dịch bệnh Đậu mùa khỉ đã gia tăng liên tục cả về số ca mắc và số quốc gia, vùng lãnh thổ ghi nhận ca bệnh. Ngày 23/7/2022, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bố dịch bệnh này là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế. Đến ngày 26/9/2022, thế giới nghi nhận 64.561 trường hợp mắc bệnh Đậu mùa khỉ tại 105 nước trên thế giới. Trong đó, khu vực Tây Thái Bình Dương có một số nước ghi nhận ca bệnh gồm: Australia (132), Singapore (19), Trung Quốc (5), New Zealand (5), Nhật Bản (4), Philippines (4), Hàn Quốc (2), Guam (1), New Caledonia (1).

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Đậu mùa khỉ trên thế giới và tại một số nước khu vực Đông Nam Á trong đó có Việt Nam; để chủ động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp bệnh, kiểm soát dịch kịp thời không để bùng phát dịch bệnh Đậu mùa khỉ, dịch chồng dịch, hạn chế tối đa số mắc và tử vong, Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quan tâm, chỉ đạo các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị trên địa bàn thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 680/CĐ-TTg ngày 01/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng chống bệnh Đậu mùa khỉ và các hướng dẫn của Bộ Y tế: giám sát và phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ; chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh đậu mùa khỉ ở người; phòng ngừa lây nhiễm bệnh đậu mùa khỉ trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bệnh Đậu mùa khỉ.

Bộ Y tế chỉ đạo khẩn về phòng chống bệnh đậu mùa khỉ
Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, chuẩn bị sẵn sàng công tác phòng, chống dịch tại địa phương như: Đẩy mạnh việc thực hiện nghiêm giám sát dịch bệnh tại các cửa khẩu, giám sát tại các cơ sở khám chữa bệnh và giám sát dựa vào sự kiện tại cộng đồng để phát hiện sớm, ngăn chặn dịch bệnh kịp thời; Tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến; Đảm bảo việc thu dung, phân luồng, điều trị người bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh và phòng chống lây nhiễm tại các cơ sở xét nghiệm, y tế; Rà soát cập nhật kế hoạch, kịch bản đáp ứng, diễn tập theo các tình huống để sẵn sàng đáp ứng trong trường hợp dịch bệnh xảy; Sẵn sàng thuốc, trang thiết bị, nhân lực, kinh phí.

Trường hợp ghi nhận trường hợp bệnh cần khẩn trương thực hiện điều tra kỹ tất cả các trường hợp tiếp xúc với trường hợp dương tính với Đậu mùa khỉ để xác định nguồn lây nhiễm; quản lý, xử lý kịp thời ổ dịch không để dịch lây lan rộng ra cộng đồng; Tổ chức cách ly, điều trị trường hợp dương tính, tránh tử vong, lưu ý không để xảy ra lây nhiễm chéo, lây nhiễm đối với nhân viên y tế trong quá trình chăm sóc, điều trị.

Trước đó, sáng 3/10, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, đã ghi nhận ca đậu mùa khỉ đầu tiên ở địa phương này. Hiện, TP. Hồ Chí Minh đang giám sát và, kiểm tra, siết chặt các hoạt động phòng chống dịch bệnh trên địa bàn.

T.Sơn
Phiên bản di động