Doanh nghiệp vẫn than phiền về thủ tục đất đai
Trong báo cáo Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2022 vừa công bố, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, tiếp cận đất đai tiếp tục là điểm nghẽn lớn, đòi hỏi những nỗ lực cải cách quyết liệt hơn trong thời gian tới.
Theo VCCI, tiếp cận đất đai dễ dàng là một trong những điều kiện tiên quyết để tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Là một yếu tố sản xuất, đất đai cũng có tính “khan hiếm” và chức năng của Nhà nước là phân bổ cũng như thúc đẩy việc sử dụng nguồn lực khan hiếm này một cách hiệu quả để tối đa hóa lợi ích chung cho cộng đồng.
Ở cấp độ địa phương, chính quyền các tỉnh, thành phố có thể tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận đất đai dễ dàng hơn thông qua nhiều biện pháp khác nhau: từ xây dựng quy hoạch đất đai hợp lý; chuẩn bị sẵn sàng các quỹ đất sạch cho nhà đầu tư; minh bạch và chủ động cung cấp thông tin về quy hoạch tới các doanh nghiệp cho đến giải quyết thông thoáng các thủ tục thuê, mua đất; nhanh chóng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; hỗ trợ tích cực giải phóng mặt bằng; và tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp trong các thủ tục liên quan khác (chẳng hạn như cấp phép xây dựng) để doanh nghiệp có thể nhanh chóng thiết lập hoạt động trên mặt bằng kinh doanh đã có.
Ảnh minh họa. |
Bản chất liên ngành và liên cấp của lĩnh vực quản lý đất đai khiến đây là một trong những lĩnh vực phức tạp và khó cải thiện nhất. Trong báo cáo PCI 2021, VCCI đã từng phân tích diễn tiến của chỉ số thành phần gốc “tiếp cận đất đai và tính ổn định trong sử dụng đất” qua thời gian và nhận định rằng việc quản lý đất đai ở các tỉnh, thành phố dường như không có chuyển biến đáng kể trong giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2021.
Kết quả khảo sát PCI 2022 cho thấy, các chỉ tiêu đo lường khía cạnh tiếp cận đất đai nhìn chung chưa có cải thiện đáng kể. Nhìn chung, phiền hà trong thực hiện thủ tục đất đai còn phổ biến.
Theo đó, khoảng 42,9% doanh nghiệp cho biết với thủ tục đất đai khiến họ phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh trong năm 2022. Dù kết quả này là tích cực hơn so với năm 2021 (53,8%) song tác động tiêu cực cao hơn rất nhiều so với các lĩnh vực thủ tục quan trọng khác như đăng ký kinh doanh (3,6% doanh nghiệp bị trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh), sửa đổi nội dung đăng ký kinh doanh (3,4%), và cấp phép kinh doanh có điều kiện (11,7%).
Cũng như trong các kỳ khảo sát trước đây, năm 2022, VCCI tiếp tục sử dụng các câu hỏi tìm hiểu các khó khăn chủ yếu của doanh nghiệp khi tuân thủ các thủ tục hành chính về đất đai.
Kết quả khảo sát cho thấy, thời gian giải quyết hồ sơ đất đai dài hơn so với quy định là vướng mắc mà nhiều doanh nghiệp gặp phải nhất (60,81%).
Những vướng mắc phổ biến khác gồm tình trạng mất nhiều thời gian để xác định giá trị quyền sử dụng đất (30,02%), quy trình giải quyết hồ sơ đất đai không đúng so với quy định (29,31%), không nhận được hướng dẫn đầy đủ từ cán bộ giải quyết thủ tục hành chính (29,15%), và giá đất không đúng với nội dung được niêm yết hoặc văn bản quy định (14,73%).
Theo VCCI, những con số trên cho thấy doanh nghiệp vẫn gặp nhiều trở ngại trong tiếp cận đất đai, trong khi đây thường là một loại tài sản thế chấp quan trọng trong các thỏa thuận tiếp cận tín dụng.
Do đó, việc doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận đất đai hơn đồng nghĩa với việc họ cũng có khả năng tiếp cận tín dụng dễ dàng hơn. Khi doanh nghiệp tiếp cận tín dụng dễ hơn, họ sẽ có nhiều cơ hội hơn để mở rộng sản xuất kinh doanh. Ngược lại, nếu tình trạng doanh nghiệp gặp trở ngại với tiếp cận đất đai như hiện nay còn tiếp diễn thì sẽ hạn chế rất nhiều tiềm năng phát triển lâu dài của các doanh nghiệp.
"Điều này hàm ý rằng các cơ quan Nhà nước ở Trung ương và địa phương cần tăng cường các nỗ lực cải thiện chất lượng quản trị công về đất đai. Luật Đất đai đang trong quá trình sửa đổi được kỳ vọng sẽ gỡ bỏ nhiều nút thắt về thể chế và khung khổ pháp luật, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp", báo cáo của VCCI nêu.