Đoàn khảo sát của Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại làm việc với MB

Ngày 17/4, Đoàn khảo sát của Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại do Trung tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban làm Trưởng đoàn đã làm việc với Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) phục vụ thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, theo Cổng thông tin Quốc hội.
Thương hiệu MB được định giá 1,6 tỷ USD

Tại cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại Nguyễn Minh Đức khẳng định, mục đích của chuyến khảo sát nhằm đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân, làm rõ những kết quả đạt được; khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; kiến nghị những giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm nâng cao hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Đồng thời thu thập tài liệu, thông tin phục vụ thẩm tra Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, cung cấp thông tin để Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu Quốc hội nghiên cứu, cho ý kiến về dự án luật.

Đoàn khảo sát của Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại làm việc với MB
Trung tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại phát biểu tại cuộc làm việc.

Báo cáo đoàn khảo sát, đại diện MB cho biết, thời gian qua, ngân hàng đã chủ động lập, báo cáo hồ sơ đánh giá tác động xử lý dữ liệu cá nhân; phối hợp làm việc với cơ quan chức năng triển khai các quy định của Nghị định số 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Với chủ thể dữ liệu, đơn vị đều xin sự đồng ý của khách hàng, người lao động… về việc xử lý dữ liệu; ban hành chính sách dữ liệu cá nhân và thực hiện công bố công khai; ký kết với bên xử lý dữ liệu về bảo vệ dữ liệu cá nhân trong quá trình xử lý; ban hành các quy định, quy trình tổ chức triển khai quy định pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân trong MB.

Từ thực tế thực hiện nhiệm vụ, đại diện MB cho rằng, với tổ chức tín dụng chuyển đổi số mạnh mẽ, các hoạt động kinh doanh dựa trên mô hình và dữ liệu, thì việc xin sự đồng ý của khách hàng đối với từng quy trình xử lý dữ liệu cá nhân khó khả thi.

Đoàn khảo sát của Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại làm việc với MB
Đại tá Lưu Trung Thái, Chủ tịch Hội đồng quản trị MB phát biểu tại cuộc làm việc.

Thông tin định danh khách hàng của tổ chức tín dụng (họ tên, ngày tháng năm sinh...) bản chất là dữ liệu cá nhân cơ bản nhưng được quy định là thông tin nhạy cảm. Chưa có cơ chế kiểm soát chế tài đối với chủ thể dữ liệu dễ dẫn đến lạm quyền của chủ thể dữ liệu…

Góp ý về dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, đại diện MB cho rằng, về nguyên tắc bảo vệ dữ liệu cá nhân, khoản 1, Điều 3 quy định: "Dữ liệu cá nhân được xử lý công khai, minh bạch. Chủ thể dữ liệu được biết về hoạt động liên quan tới xử lý dữ liệu cá nhân của mình, trừ trường hợp luật khác có quy định khác".

Trên cơ sở đó, đại diện MB đề nghị, cần cân nhắc sự cần thiết, phù hợp của nguyên tắc “Công khai”, bởi dự thảo đã có quy định chủ thể dữ liệu có quyền được biết, quyền đồng ý, quyền được thông báo... và bên kiểm soát dữ liệu cá nhân phải bảo đảm các quyền này.

Về nghĩa vụ của chủ thể dữ liệu (Điều 9) quy định 3 nghĩa vụ, đó là: Tôn trọng, bảo vệ dữ liệu cá nhân của người khác; cung cấp chính xác, đầy đủ dữ liệu cá nhân; chấp hành pháp luật và tham gia phòng, chống vi phạm pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Đại diện MB cho rằng, việc quy định quyền của chủ thể dữ liệu cá nhân cần tương xứng với nghĩa vụ; trong khi dự thảo trao quyền nhưng chưa có quy định hạn chế quyền của chủ thể dữ liệu.

Do đó, đại diện MB đề nghị bổ sung 2 nghĩa vụ: Chủ thể dữ liệu có trách nhiệm tự bảo vệ dữ liệu cá nhân của mình (kế thừa Nghị định 13); không được lợi dụng quy định pháp luật bảo vệ dữ liệu cá nhân để xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác, trật tự xã hội (phù hợp Điều 5, Hiến pháp và Điều 3, Điều 10 Bộ luật Dân sự).

Ngoài ra, đại diện MB cũng đề nghị xem xét, giảm bớt các quy định về biện pháp, quy trình, thủ tục bảo vệ dữ liệu cá nhân tại dự thảo luật theo hướng tinh gọn, hiệu quả, hạn chế thủ tục, giảm thiểu chi phí cho xã hội; xem xét bổ sung quy định về việc trao đổi, cung cấp sản phẩm dịch vụ dữ liệu có thu phí…

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại Nguyễn Minh Đức đánh giá cao kết quả hoạt động của MB trong thời gian qua; cho rằng, tuy thành lập trong thời gian ngắn nhưng ngân hàng đã có mạng lưới hoạt động rộng khắp, hiệu quả và số lượng khách hàng lớn.

Ông Nguyễn Minh Đức cho rằng, trong tình hình mới, sự gia tăng nhanh chóng của các hoạt động thu thập, xử lý và khai thác dữ liệu cũng tạo ra những rủi ro lớn về quyền riêng tư, bảo mật thông tin và luôn có nguy cơ bị tấn công cũng như lạm dụng dữ liệu.

Do đó, việc xây dựng, ban hành Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân là cần thiết để bảo đảm thống nhất hành lang pháp lý về bảo vệ dữ liệu cá nhân, bảo vệ quyền con người, bảo đảm trật tự và lợi ích chung của xã hội.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của MB; đánh giá các ý kiến có giá trị rất cao về thực tiễn, là cơ sở để ủy ban có thêm thông tin trong quá trình xây dựng, hoàn thiện báo cáo thẩm tra cũng như quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự án luật trong thời gian tới.

Hậu Lộc
Phiên bản di động