Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh:

Đỉnh điểm của cúm mùa, làm ngay những cách sau để phòng cúm hiệu quả

 PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho biết, hiện nay đang là thời điểm cao nhất của bệnh cúm mùa. Từ tháng 11 đến nay, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận hơn 3000 người bệnh có triệu chứng cảm cúm. “Đừng đổ xô đi mua Tamiflu, có nhiều cách phòng cúm hiệu quả, thực hiện rất đơn giản mỗi ngày”, PGS Khuê khuyến cáo.
Bộ Y tế đưa ra khuyến cáo phòng chống bệnh cúm mùa. Dịch cúm A bùng phát, Tamiflu có phải là thần dược? Cục quản lý Dược gửi công văn khẩn đề nghị nhập thuốc Tamiflu

Sáng 20/12, tại Hội thảo Truyền thông nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) chia sẻ: “Cơn sốt” lùng mua Tamiflu như hiện nay là không cần thiết. Bởi Tamiflu không phải thuốc điều trị đặc hiệu số 1 cho các bệnh cúm, chỉ hỗ trợ".

Theo PGS Khuê, cúm là bệnh gặp phổ biến trong thời điểm hiện tại, là bệnh lành tính nhưng ở những người đề kháng yếu như trẻ em, người già, phụ nữ mang thai, người có sẵn các bệnh mãn tính... nguy cơ diễn biến nặng cao hơn.

Vì thế, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh cho rằng mọi người không nên quá lo lắng, lùng sục khắp các nhà thuốc để tìm mua Tamiflu. Đây chỉ là một loại thuốc hỗ trợ, không phải thuốc điều trị đặc hiệu số 1 điều trị cúm.

Về vấn đề này, BS Đỗ Thiện Hải, Phó trưởng Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, với cúm A/H1N1, nếu sử dụng Tamiflu sau 48 giờ kể từ khi có triệu chứng sốt thì kết quả điều trị không khác gì với bệnh nhân không dùng thuốc.

"Vì thế, nếu dùng Tamiflu thì dùng thật sớm trong vòng 48 giờ kể từ khi em bé có triệu chứng đầu tiên (bắt đầu hắt hơi, sổ mũi, khó chịu, sau vài tiếng là sốt), sau thời gian này dùng không mang lại tác dụng nhiều", BS Hải khẳng định.

Ông chia sẻ thêm, mới đây khi dự một hội nghị về cúm ở Singapore, báo cáo cho thấy sau 5 ngày dùng Tamiflu vẫn có đến 65% em bé có virus cúm ở trong người. Và sau

10 ngày dùng vẫn còn khoảng 30 - 40% xét nghiệm vẫn có virus cúm trong họng. Điều này cho thấy việc điều trị virus không có tác dụng nhiều.

Các cách phòng cúm hiệu quả

BS Hải cho biết, có khoảng 30 - 60% người tìm (kể cả người lớn, trẻ em) được tìm thấy virus, vi khuẩn trong họng nhưng không gây bệnh. Vậy cách virus đó gây biến chứng viêm phổi là gì?

"Khi nhiễm virus cúm gây tổn thương niêm mạc đường hô hấp, vi khuẩn từ đó xâm nhập vào và gây nên biến chứng, như viêm phổi. Cách để phòng các biến chứng tốt nhất là vệ sinh đường hô hấp cho tốt, bé lớn súc miệng nước muối, trẻ nhỏ có thể tra nước muối 3 - 4 lần. Kể cả người lớn đi ra ngoài về nên súc miệng nước muối, vừa hạn chế nguy cơ mắc bệnh của bản thân, vừa giảm nguồn lây cho em bé.", BS Hải nói.

PGS Khuê cũng khuyến cáo, khi bị cúm, hãy cách ly, nghỉ ngơi, uống nhiều nước (nước oresol, nước lọc, nước trái cây...), ăn đồ ăn loãng, hạ sốt thường chỉ sau 2 - 7 ngày bệnh sẽ lui.

"Để không mắc cúm, phòng bệnh chủ động là biện pháp hiệu quả. Người dân nên đi tiêm phòng vắc xin cúm mùa. Bên cạnh đó, phòng cúm nhờ thay đổi hành vi mỗi ngày. Hãy giữ ấm vùng cổ, đầu trong ngày lạnh. Mỗi ngày khi tỉnh giấc, uống một cốc nước ấm. Trong ngày ăn đồ ăn nóng, đủ dinh dưỡng, uống nhiều nước và lưu ý phải rửa tay xà phòng thường xuyên. Khi đi ngoài đường về, rửa tay xà phòng, súc miệng nước muối, rửa mũi bằng nước muối sinh lý... sẽ giảm nguy cơ mắc cúm", PGS Khuê khuyến cáo.

Ông Khuê thông tin thêm, trước nguy cơ cúm mùa gia tăng trong thời điểm hiện tại, để bảo đảm công tác phát hiện sớm, điều trị bệnh kịp thời theo đúng hướng dẫn, giảm thiểu tử vong và phòng ngừa lây nhiễm tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị các Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế trực tiếp triển khai và Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Y tế các Bộ, ngành chỉ đạo, kiểm tra các đơn vị trực thuộc tiến hành rà soát kế hoạch phòng chống bệnh dịch cúm tại đơn vị; chuẩn bị tốt nhân lực, khu vực khám, cấp cứu, cách ly điều trị, trang thiết bị vật tư y tế, các phương tiện, thuốc Oseltamivir (Tamiflu), dịch truyền và các thuốc điều trị bệnh phối hợp khác để sẵn sàng tiếp nhận, điều trị cho người bệnh

Tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ hoặc mắc bệnh cúm tại bệnh viện. Triển khai việc thu dung người bệnh, khám sàng lọc, phân luồng, phân loại cúm để cách ly các trường hợp nghi ngờ nhiễm cúm ngay tại khoa khám bệnh.

Thực hiện điều trị người bệnh cúm theo đúng phác đồ điều trị Bệnh cúm mùa trong tài liệu Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh truyền nhiễm do Bộ Y tế ban hành tại Quyết định số 5642/QĐ-BYT ngày 31/12/2015. Đặc biệt việc sử dụng đúng thuốc kháng vi rút Oseltamivir (Tamiflu) hoặc/và Zanamivir cho các trường hợp bệnh cúm A hoặc B (nghi ngờ hoặc xác định) có biến chứng hoặc có yếu tố nguy cơ.

Tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, chống lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Bảo đảm việc cung ứng và sử dụng các phương tiện phòng hộ cá nhân cho nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh và khách đến thăm.

Nguồn: Dân trí
dantri.com.vn
Phiên bản di động