Bệnh cúm A (H5N1) diễn biến phức tạp, TP. Hồ Chí Minh giám sát chặt người nhập cảnh

Ngày 25/2, Sở Y tế TP.HCM đã có công văn khẩn chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai trước tình hình dịch cúm A (H5N1) diễn biến phức tạp.
Kết quả xét nghiệm 2 trường hợp nghi nhiễm cúm gia cầm H5N1

Ngày 24/2, Viện Pasteur TP.HCM có công văn gửi giám đốc sở y tế 20 tỉnh, thành phía Nam về việc tăng cường giám sát viêm phổi nặng do virus sau khi Camphuchia ghi nhận 2 ca nhiễm cúm gia cầm A (H5N1).

Viện Pasteur TP.HCM dẫn thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và cơ quan đầu mối y tế quốc tế. Theo đó, tỉnh Prey Veng của Campuchia (có đường biên giới với Việt Nam) bước đầu ghi nhận 2 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với virus cúm gia cầm độc lực cao H5N1. Trong đó, 1 trường hợp tử vong và một số ca nghi mắc bệnh.

Ngày 25/2, Sở Y tế TP.HCM đã có công văn khẩn chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai trước tình hình dịch  cúm A (H5N1) diễn biến phức tạp.
Cúm A (H5N1) có thể lây từ động vật sang người

Sau khi tiếp nhận công văn nói trên, ngày 25/2, Sở Y tế TP.HCM đã có công văn khẩn chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai trước tình hình dịch cúm A (H5N1) diễn biến phức tạp.

Theo công văn nói trên, Sở Y tế TP.HCM đề nghị Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) triển khai các biện pháp giám sát chặt người nhập cảnh đi/đến/ở từ vùng có dịch cúm gia cầm A (H5N1) và phối hợp với các trạm kiểm dịch động vật trong giám sát gia cầm, thủy cầm vào Việt Nam qua cửa khẩu.

Giám sát, phát hiện sớm các trường hợp, chùm ca bệnh/ổ dịch cúm và viêm hô hấp chưa rõ nguyên nhân tại cộng đồng và các cơ sở y tế để điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm gửi Viện Pasteur TP.HCM nhằm xác định nguyên nhân và triển khai kịp thời các biện pháp phòng chống dịch, hạn chế lây lan diện rộng.

Giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM là đơn vị làm đầu mối, phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm tại các quận, huyện và thành phố Thủ Đức theo quy định.Đối với Trung tâm y tế quận, huyện và thành phố Thủ Đức, Sở Y tế yêu cầu phối hợp với Phòng Y tế tham mưu UBND quận, huyện và thành phố Thủ Đức chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm A (H5N1) theo chỉ đạo của UBND TP.HCM và hướng dẫn của các sở, ngành liên quan.

Kiểm soát nhập cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất (ảnh minh hoạ)
Kiểm soát nhập cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất (ảnh minh hoạ)

Đồng thời, tăng cường giám sát để phát hiện sớm các trường hợp viêm phổi nặng do virus tại các cơ sở y tế và tại cộng đồng. Đặc biệt chú ý đến các trường hợp có tiền sử dịch tễ đi/đến/ở từ vùng dịch và báo cáo ngay về HCDC để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời.

Ngành y tế TP.HCM cũng yêu cầu các đơn vị tăng cường công tác truyền thông đến người dân về các biện pháp phát hiện, phòng chống bệnh cúm gia cầm tại cửa khẩu và tại cộng đồng.

Bên cạnh đó, yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện nghiêm "Hướng dẫn chẩn đoán, xử trí và phòng lây nhiễm cúm A (H5N1) ở người" theo quyết định số 30 năm 2008 của Bộ Y tế và tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp viêm phổi diễn tiến bất thường, đặc biệt có tiền sử tiếp xúc với gia cầm ốm, chết.

Những trường hợp này cần hội chẩn với Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM để được chẩn đoán, cách ly điều trị kịp thời, hạn chế thấp nhất tử vong. Báo cáo khẩn về HCDC để được điều tra dịch tễ, lấy mẫu giám sát kịp thời.

Riêng Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM phải đảm bảo nhân sự, trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc để tiếp nhận cách ly, điều trị các trường hợp nghi ngờ hoặc xác định cúm A (H5N1) theo đúng quy định. Tổ chức tập huấn lại về chẩn đoán, điều trị, phòng lây nhiễm cúm A (H5N1) cho các cơ sở khám chữa bệnh.

Vũ Cường
Phiên bản di động