Dịch tả lợn châu Phi - Bài 2: Nhịn thịt heo vì… sợ dịch
Kể từ khi dịch tả lợn châu Phi xuất hiện, tâm lý e ngại, kiêng dè, thậm chí hoang mang đối với loại thực phẩm chủ lực trong bếp ăn của nhiều gia đình là thịt lợn bắt đầu xuất hiện trong suy nghĩ của một số bà nội trợ.
Như chị Trần Hà Thu (Hà Nội), dù đang giảm cân bằng cách cắt cơm, tăng ăn thịt lợn và các loại rau củ quản hưng hóng phải hoang tin trên mạng về dịch tả lợn châu Phi, đến cả chục ngày nay chị không dám ăn thịt lợn mà đổi món sang bò, gà. Đến khi quá thèm thì chị mới rón rén lên nhóm chung hỏi “Giờ đã ăn thịt được chưa” và e dè chia sẻ là “chắc em đợi hết dịch rồi ăn vậy”.
Còn chị Nguyễn Thị Mơ (Thịnh Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) thì nửa tháng nay hẹn hò nhân viên Vinmart+ gần nhà có thịt lợn thì để phần mình. Chị chia sẻ: “Đang có dịch nên ăn thịt siêu thị cho lành. Đắt một tí nhưng có kiểm dịch nên mình an tâm.”
Không chỉ các bà nội trợ quyết nhịn thịt heo, một số trường mầm non trên địa bàn Hà Nội cũng tạm đưa món thịt lợn ra khỏi thực đơn hàng ngày để trấn an các bậc phụ huynh đang bấn loạn vì thông tin bệnh dịch tả lợn. Một số trường khác chọn cách nhẹ nhàng hơn là ra thông báo thay vì mua thịt ở chợ sẽ mua thịt từ một công ty uy tín có chứng nhận kiểm dịch và cam kết thịt an toàn mỗi ngày.
Các chuyên gia khẳng định ngay từ đầu là dịch tả lợn châu Phi không lây sang người, ăn phải thịt lợn bị bệnh tả châu Phi cũng không sao nhưng bầu không khí lo lắng vẫn lan rộng là bởi ngay từ khi dịch tả lợn châu Phi vừa xuất hiện tại Việt Nam, đã có hoang tin nhập nhèm giữa dịch tai xanh ở lợn và dịch tả, đánh vào nỗi lo sức khỏe của người dân nhằm câu view bán hàng. Thông tin này không được kiểm chứng và liên tục được chia sẻ trên mạng xã hội. Dẫu sau đó, Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn đã đề nghị Bộ Thông tin & Truyền thông can thiệp, mời làm việc và xử phạt người đưa hoang tin và ra sức trấn an người dân trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, bát nước đã đổ khó hốt lại, một bộ phận người dân tiếp xúc với thông tin chính xác đã bình tĩnh lại còn phần còn lại vẫn tiếp tục e ngại.
Tiêu hủy lợn bênh đúng cách góp phần dập dịch tả lợn châu Phi và trấn an người tiêu dùng
Điều này khiến Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), ông Trần Đắc Phu phải kêu trời vì người dân tẩy chay quá vô lý và khẳng định chắc chắn rằng “dịch bệnh này không gây bệnh trên người do đó, người dân cần bình tĩnh, không nên hoang mang tẩy chay tiêu dùng các sản phẩm thịt lợn an toàn, không bị bệnh dịch và được chế biến hợp vệ sinh”.
Còn Sở Giáo dục Đào tạo Hà Nội lập tức nhắc nhở, yêu cầu các trường không "tẩy chay" thịt lợn và kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm; bảo đảm nhập thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, bảo đảm chất lượng và thời gian sử dụng.
Những chốt kiểm dịch tạm thời như thế này sẽ góp sức vào việc dập tắt dịch bệnh
Việc người tiêu dùng cắt giảm việc mua thịt lợn hoặc chuyển kênh mua đã ảnh hưởng trực tiếp tới giá lợn ngoài chợ và giá lợn hơi trên thị trường tự do.
Chị Nguyễn Hải - một chủ sạp bán thịt lợn ở Tây Mỗ - Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho biết, trước khi có thông tin về dịch thì mỗi ngày chị bán khoảng hơn 2 tạ thịt lợn. Nhưng từ nửa tháng nay, số lượng bán ra giảm hẳn. Nếu ngày nào đông khách nhất cũng chỉ bán được hơn một tạ thịt lợn các loại.
“Từ khi nghe thông tin xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi ở quận Long Biên, có vẻ như một số người dân ngại ăn thịt lợn do lo sợ mua phải thịt lợn bị dịch bệnh. Vì thế, giá thịt lợn cũng giảm hơn so với trước từ 2.000 - 3.000 đồng/kg, tùy loại”, chị Hải cho hay.
Giá bán lợn hơi lao dốc không phanh từ hơn 50.000 đồng/kg xuống mức 38.000 - 44.000 đồng/kg. Có thời điểm tại vùng dịch, người dân xuất chuồng ở giá 36.000 - 37.000 đồng. Thậm chí ở những vùng không có dịch như miền Nam, giá lợn hơi vẫn giảm sâu.
Vôi trắng đường làng...
... trắng vườn cây vẫn không xua được nỗi sầu trắng tóc của người chăn nuôi khi giá lợn lao dốc không phanh vì dịch bệnh và tin đồn
Trong khi dịch lở mồm long móng vẫn còn hoành hành ở nhiều địa phương, người chăn nuôi lợn lại tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi. Đây là loại dịch bệnh nguy hiểm, gây tử vong gần như 100% ở lợn và hiện chưa có thuốc phòng, chữa. Thông tin này đã khiến người chăn nuôi hoang mang, nhiều hộ bán tháo đàn mong bảo vệ đồng vốn. Lợi dụng tình hình này, tư thương càng ép giá, khiến giá thịt lợn giảm sâu. Và tâm lý vớt được đồng nào hay đồng ấy khiến nhiều người nuôi lợn càng sợ dịch, giấu dịch, gọi tiểu thương đến bán khiến dịch càng dễ lan rộng.
Bản đồ 14 tỉnh xuất hiện dịch tả lợn châu Phi tại Việt Nam và số lượng lợn phải tiêu hủy. Đồ họa: Phạm Mạnh
Ông Nguyễn Văn Long, trưởng phòng Dịch tễ - Cục Thú Y cho biết: “Sau khi tôi đi kiểm tra các ổ dịch và có hỏi thông tin thì được biết, nhiều hộ chăn nuôi khi thấy lợn mình ốm liền gọi cho thương lái để bán. Thậm chí, nhiều hộ bán xong nhưng không biết những thương lái này ở đâu vì thông qua mối giới thiệu của những thương lái khác. Khi thu mua lợn bệnh xong, những thương lái này vận chuyển đến các lò giết mổ, sau đó đem bán từ nơi này đến nơi khác. chính vì vậy, dịch mới lan rộng ra các địa phương, tỉnh thành khác”.
Hiện tại cả nước có 14 tỉnh xuất hiện dịch tả lợn châu Phi. Tuy nhiên, Quảng Ninh đã tuyên bố dập dịch thành công. Các cơ quan chức năng khuyến cáo người dân bình tĩnh, không cần sợ và kiêng thịt lợn. Đồng thời, với người chăn nuôi cần thực hiện phương châm 5 không: “(1) Không dấu dịch; (2) Không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; (3) Không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; (4) Không vứt lợn chết ra môi trường; (5) Không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt” để cùng cơ quan chức năng khống chế, dập dịch.